Sau giai đoạn ảm đạm của năm 2022 - thời kỳ "ngủ đông" của trái phiếu doanh nghiệp, những tín hiệu "ấm lên" đã xuất hiện trong năm 2023 nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, vào quý IV/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công đạt khoảng 146.277 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cả quý trước đó và cao hơn gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Với niềm tin dần trở lại, trong năm 2023, giá trị phát hành mới đạt 345.800 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ, đánh dấu sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2024, nợ trái phiếu đáo hạn ở mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, lên tới gần 330.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời điểm khó khăn nhất đã qua khi Nhà nước đã có những tháo gỡ kịp thời về chính sách, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có tiếng nói chung, tiếp tục đàm phán, gia hạn khi chưa có phương án xử lý, giảm bớt áp lực phải thanh toán hay mua lại trước hạn.
Ngoài ra, yếu tố then chốt giúp thị trường trái phiếu tích cực hơn là mặt bằng lãi suất đang xuống thấp, thanh khoản ngân hàng dồi dào. Đây được xem là nền tảng hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp, gia tăng cơ hội phục hồi cho sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu.
Đại diện SaigonRatings nhận định, thị trường trái phiếu đã bước qua đáy và bắt đầu dấu hiệu đi lên với sự tác động của các yếu tố chuyển biến tích cực như dấu hiệu phục hồi rõ ràng của tình hình kinh tế thế giới khi được nhận định "hạ cánh mềm" và bước vào chu kỳ tăng trưởng mới ổn định hơn, nhu cầu về vốn đầu tư, phát triển kinh tế trong nước dự báo sẽ tăng cao, niềm tin trở lại của nhiều nhà đầu tư...
Năm 2024, để phục vụ cho chiến lược tạo lập quỹ đất và phát triển dự án, các doanh nghiệp bất động sản cần huy động nhiều nguồn vốn, trong đó, trái phiếu vẫn là một trong những kênh được ưu tiên. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, kế hoạch phát hành tiếp tục trái phiếu được tính toán rất cẩn trọng.