Tuy vậy, trong 5 năm gần đây, bình quân, mỗi năm số lượng người lao động Việt Nam xuất khẩu lao động vẫn ở mức cao: khoảng 100.000 - 120.000 người. Hiện số lượng lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài là 580.000 người. Mỗi năm, lượng kiều hối người lao động Việt Nam chuyển về ước đạt 3-4 tỷ USD.
Dù chưa thể so sánh giữa tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa với đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, song đây là thông tin rất đáng chú ý. Hàng năm, lượng ngoại tệ người lao động ở nước ngoài gửi về còn nhiều hơn kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng. Nguồn ngoại tệ này không chỉ giúp nhiều gia đình ở các làng quê “đổi đời”, nâng cao mức sống, có nguồn vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh mà còn là nguồn cung ngoại tệ cho đất nước để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như trả nợ công, hỗ trợ cho xuất nhập khẩu hàng hóa…
Tuy nhiên, việc chỉ có 78.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 cho thấy, dịch Covid-19 đã, đang ảnh hưởng rất lớn tới thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam và dự báo có thể tiếp tục cắt đứt chuỗi cung ứng, tiếp nhận việc làm trong năm 2021. Theo định hướng của Bộ LĐTB-XH, năm 2021, Việt Nam dự kiến đưa khoảng 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Song con số này sẽ khó đạt nếu năm nay dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, tình hình kinh tế thế giới chưa ổn định. Thực tế này đòi hỏi Nhà nước, doanh nghiệp phải sớm hoạch định chính sách, tìm giải pháp phù hợp cho bài toán xuất khẩu lao động, tạo việc làm trong tình hình mới.
Theo các chuyên gia, giải pháp tốt nhất hiện nay là chúng ta cần tiếp tục phương châm vừa tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nỗ lực tạo việc làm trong nước và đưa người lao động đi làm việc ở những thị trường vẫn còn rộng cửa.
Đồng thời có thể coi đây như giai đoạn “dưỡng sức”, tập trung đầu tư cho đào tạo nghề và kỹ năng (văn hóa, ngoại ngữ) để chuẩn bị một lực lượng lao động chất lượng cao, sẵn sàng đón đầu những thị trường lớn ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo số liệu của Bộ LĐTB-XH, hiện nay, tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài qua đào tạo mới đạt 50% và mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 là cần nâng lên 80%. Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế và khu vực, lao động trình độ cao ngày càng có nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài.
Theo dự báo, khi dịch bệnh được khống chế, nhu cầu lao động ở các thị trường truyền thống như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ tăng cao do nhu cầu phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế. Do đó, cùng với tranh thủ tạo nguồn, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với đối tác nước ngoài để kịp thời nắm bắt tình hình, chính sách, quy định về xuất nhập cảnh, tiếp nhận lao động để bảo đảm cho người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn. Bộ LĐTB-XH cần hướng dẫn các doanh nghiệp về những thị trường đã an toàn và có nhu cầu tiếp nhận lao động để đạt kế hoạch xuất khẩu đề ra.