Thiên tai lên phim truyền hình

Khi cả nước bắt đầu chung tay tương trợ đồng bào miền Trung vượt qua những đau thương mất mát do cơn bão số 10 để lại, thì Đài Truyền hình TPHCM cũng chính thức phát sóng bộ phim “Chuyện tình nơi mắt bão” dài 33 tập, vào ngày 7-10-2013. Đề tài thiên tai được phản ảnh trên màn ảnh ít nhiều giúp công chúng thấm thía hơn về vẻ đẹp tình người trong hoạn nạn.

Khi cả nước bắt đầu chung tay tương trợ đồng bào miền Trung vượt qua những đau thương mất mát do cơn bão số 10 để lại, thì Đài Truyền hình TPHCM cũng chính thức phát sóng bộ phim “Chuyện tình nơi mắt bão” dài 33 tập, vào ngày 7-10-2013. Đề tài thiên tai được phản ảnh trên màn ảnh ít nhiều giúp công chúng thấm thía hơn về vẻ đẹp tình người trong hoạn nạn.

Một trong những nhân vật chính của phim “Chuyện tình nơi mắt bão” là Phong “Khùng” -  anh nông dân mồ côi hiền lành, chất phác thích “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ở xã Hải Sơn. Bất cứ nơi nào có chuyện khó khăn của bà con chòm xóm đều có mặt của Phong. Chính vì điều đó mà người ta gọi anh là Phong “Khùng”. Thế nhưng bà con trong làng xã từ lâu đã coi anh như một người ruột thịt, như một vị cứu tinh.

Chính cái sự nhiệt tình, trung thực đến liều lĩnh của Phong “Khùng” đã không ít lần mang đến phiền toái, kể cả những nguy hiểm đến tính mạng cho anh. Thế nhưng cũng nhờ đó mà Phong "Khùng" đã phát hiện ra những khuất tất trong việc phân bổ hàng cứu trợ, tạo điều kiện cho cô phóng viên trẻ Thu Sương vạch trần những tiêu cực đó trên công luận, giúp chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn những tiêu cực của một số cán bộ thoái hóa biến chất, củng cố lòng tin của nhân dân địa phương và những tổ chức cá nhân, tấm lòng hảo tâm từ mọi miền Tổ quốc tiếp tục phát huy truyền thống tương thân tương ái đến với Hải Sơn trong cơn khốn cùng.

Một cảnh trong phim "Chuyện tình nơi mắt bão". 

Một cảnh trong phim "Chuyện tình nơi mắt bão". 

Qua cuộc vật lộn sinh tử khốc liệt với thiên tai giành giật từng mạng sống của con người và đồng hành cuộc chiến chống tiêu cực gian nan của nhân dân địa phương, tình cảm của các bạn trẻ như  Phong “Khùng”, phóng viên Thu Sương, Hùng (bộ đội biên phòng cắm chốt ở xã), Út Cam - cô phóng viên trẻ một tờ báo địa phương... đã nảy nở lãng mạn và trong sáng. Sự trẻ trung và những hy sinh dũng cảm cùng với tình yêu chân thành của các bạn trẻ trở thành một chất keo gắn kết mọi người lại với nhau bằng tình thương, trách nhiệm, sự sẻ chia đúng nghĩa đồng bào.

Trong phim “Chuyện tình nơi mắt bão” lấp lánh nhiều tấm gương hy sinh thầm lặng. Đó là trường hợp của ông Trường - Chủ tịch Hội cựu chiến binh, người đã gửi lại một phần cơ thể nơi chiến trường, khi trở về quê hương ông lại tiếp tục chiến đấu với bão lũ bảo vệ bà con xứ sở. Nhưng bản thân của ông lại gặp hết bi kịch này đến bi kịch khác. Vợ ông cùng với cô con gái út bị cơn lũ lịch sử năm 1986 cuốn trôi không tìm được xác khi ông không có nhà. Ông gà trống nuôi con cho đến lúc trưởng thành. Ông có tình cảm đặc biệt với bà Lan góa (chồng và con trai ra khơi rồi không bao giờ trở về sau cơn bão). Khi hai người vừa vượt qua được những rào cản của gia đình và làng xóm để hẹn ước chấp nối thành vợ thành chồng thì bà Lan phải ra đi mãi mãi khi cùng với ông cứu sống đứa trẻ trong cơn lũ.

Mấu chốt chính của câu chuyện bung phá làm bùng nổ nên kịch tính và sự khốc liệt của bộ phim “Chuyện tình nơi mắt bão” được châm ngòi ngay khi Phong “Khùng” và Thu Sương phát hiện bộ sậu lãnh đạo địa phương dùng mọi thủ đoạn để tuồn hàng cứu trợ đem bán, ăn chặn tiền cứu trợ và báo cáo khống thiệt hại sau bão và sau đó hé lộ cả một đường dây hối lộ, móc ngoặc và tham nhũng khủng khiếp của bộ sậu lãnh đạo xã trong nhiều năm qua. Chỉ vì máu nghề và lòng yêu thương tha thiết cái thiện, căm ghét những điều giả trá và ác độc của những con người trẻ ấy đã đẩy họ vào bi kịch của những “Lục Vân Tiên” thời nay kéo theo bao nhiêu hệ lụy cho tương lai làm xáo trộn cuộc đời họ.

Họ đứng trước quyết định quan trọng của cuộc đời mình: im lặng sống đớn hèn hay lên tiếng để tự mình chọn lấy một cuộc đối đầu kinh khủng với những “mafia” kiểu mới. Và tất cả họ đã chọn cách thứ 2 để nhận lấy nhiều hậu quả khủng khiếp - chuốc lấy nhiều tai họa từ phe thù ác trong cuộc săn lùng bịt đầu mối. Đỉnh điểm là cái chết của Cúc vì trót giữ chiếc USB mang nhiều bằng chứng tố giác kẻ thủ ác. Từ đó chiếc USB  nhỏ bé và số phận của những con người nghĩa hiệp dính chặt nhau và đi đến cùng của chân lý. Cái ác phải bị tiêu diệt dù nó vẫn sẽ âm ỉ tồn tại đâu đó. Điều thiện nguyện sẽ trở thành người đăng quang trong cuộc chiến. Một cuộc chiến không cân sức giữa những người trẻ tay không tấc sắt chỉ sở hữu một trái tim nóng ấm tình người và bên còn lại là những cán bộ tha hóa biến chất giấu mình sau những chiếc áo mũ rộng vành.

Song song với những câu chuyện tình yêu đẹp là những sắc màu chấm phá của bức tranh xã hội phức tạp mô tả cuộc đấu tranh chống tiêu cực cũng hết sức dữ dội như những cơn bão lũ... Nhân họa để lại những hệ lụy còn ghê gớm hơn thiên tai. Qua những mâu thuẫn, xung đột với nhiều tình huống bi hài của số phận các nhân vật đã đưa câu chuyện phim từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Để rồi cái còn đọng lại trong mỗi người xem là lòng nhân ái, tình yêu thương và sự dũng cảm của con người trong cuộc đấu tranh chống cái ác còn mãi lấp lánh.

Xem “Chuyện tình nơi mắt bão”, ít nhiều công chúng hiểu thêm một sự thật: Thiên tai dù khủng khiếp đến đâu con người cũng có thể nương dựa vào nhau để chịu đựng và vượt qua, nhưng đối với nhân họa - những cơn bão của lòng tham, sự ích kỷ, vô cảm, vô trách nhiệm đến độc ác và cái ác cố hữu trong mỗi con người là cuộc chiến đấu gay go ác liệt không có điểm dừng. Muốn chiến thắng thiên tai và nhân họa, không chỉ đòi hỏi sự gắn kết sức mạnh của toàn xã hội - đạo lý, mà trên hết là cần tình yêu thương và tin cậy giữa con người với con người.

Các tin khác