Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020, doanh thu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%. So với khu vực, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VECOM, chia sẻ hàng loạt sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn, bằng chứng là lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với con số 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Tuy nhiên cũng có một số rào cản cần tháo bỏ khi tiến hành các giao dịch. Từ việc đánh giá thực tiễn và phản hồi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, thị trường cần một môi trường giao dịch văn minh, trung thực, hiệu quả, trong đó phải có cơ chế xử lý, khắc phục các khiếu nại, tranh chấp phát sinh khi thực hiện giao dịch. Theo đó, bên cạnh các phương thức thương lượng, giải quyết khiếu nại, hòa giải, trọng tài thương mại là những phương thức các sàn có thể cân nhắc sử dụng để giải quyết dứt điểm các sự cố, đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa, giao dịch.
Dưới góc nhìn của mình, LS Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Công ty Luật LNT&Partners, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) đánh giá vấn đề giao dịch giữa nhà cung cấp/người bán đối với các sàn thương mại điện tử. Khảo sát từ thực tiễn cho thấy, hầu hết các sàn thương mại điện tử chỉ yêu cầu nhà cung cấp/người bán cung cấp những thông tin cơ bản khi giao kết và thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử; từ đó gây ra việc nhà cung cấp không xem trọng các nghĩa vụ đối với hàng hóa, dịch vụ và các vi phạm thường xuyên xảy ra, trong khi các sàn chưa có cơ chế thực tiễn để kiểm soát việc tuân thủ quy định của nhà cung cấp đối với sàn.
Thực tế trong hệ thống pháp luật có những điều luật điều chỉnh về việc xử phạt các hành vi cung cấp thông tin hoặc buôn bán hàng giả, tuy nhiên lại chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn là chính xác, đầy đủ. Với sự phát triển của thương mại điện tử và các giao dịch trên mạng lưới trực tuyến ngày càng khó kiểm soát, bà Quyên cho rằng Nhà nước buộc phải nhanh chóng thiết lập hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn trong môi trường điện tử.
Cũng chia sẻ về góc nhìn pháp luật, LS Nguyễn Trung Nam, Giám đốc VMC, nhấn mạnh điều kiện giao dịch chung từ sàn giao dịch tới người tiêu dùng và lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Ông đưa ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp và rủi ro khi thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
Đáng chú ý là cách thức xử lý của các sàn thương mại điện tử hiện nay khi có tranh chấp phát sinh chủ yếu dưới hình thức giải quyết khiếu nại, điều này không thể giải quyết triệt để vấn đề của khách hàng cũng như không đảm bảo tính “răn đe” cao. Với kinh nghiệm quốc tế, Luật sư giới thiệu cụ thể về nền tảng giải quyết tranh chấp ODR, được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án sử dụng trên nền tảng trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin. Phương thức này đã được sử dụng khá rộng rãi tại một số quốc gia trên thế giới như Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) tại Pháp, Ủy ban Trọng tài Quảng Châu (GZAC) tại Trung Quốc…
Tại hội nghị lần này, các doanh nghiệp và các diễn giả đã có nhiều trao đổi xung quanh vấn đề pháp lý khi giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa ITPC và VECOM và Lễ ký kết MOU giữa VIAC và VECOM. Thông qua các thỏa thuận hợp tác này, các bên mong muốn sẽ chung tay đồng hành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và tránh các rủi ro pháp lý khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đồng thời, góp phần phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.