Thiếu cơ chế, méo mó P2P

(ĐTTCO) - Cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam đang ngày càng có nhiều thành viên tham gia. Tuy nhiên thị trường này đang bị méo mó bởi những thành phần kém tích cực. 
Tiềm năng sẵn có
Theo số liệu RapBank có được, cung và cầu thị trường vay P2P rất lớn. Tính đến tháng 6-2019, tiền gửi dân cư tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt 4,72 triệu tỷ đồng, chưa kể kênh đầu tư vàng, bất động sản… Điều này cho thấy người dân có tiền và có nhu cầu đầu tư lớn, nếu kênh đầu tư đó an toàn, minh bạch, sinh lời và hợp pháp. Đối với nhu cầu vay vốn, người dân chưa có thông tin hoặc chưa có nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng Việt Nam (CIC) chiếm khoảng 50% dân số. 
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số khách hàng vay được CIC cập nhật vào kho dữ liệu thông tin tín dụng tăng gần 2 triệu người so với cuối năm 2018, lên trên 40,9 triệu người.
Thiếu cơ chế, méo mó P2P ảnh 1
Trong khi đó, còn rất nhiều đối tượng hạn chế tiếp cận các TCTD như người dân ở vùng sâu vùng xa; đối tượng khó hoặc không chứng minh được dòng tiền (thu nhập, chi phí) với các TCTD, công ty tài chính; đối tượng có nhu cầu vay dưới 50 triệu đồng (đa số khoản vay dưới 50 triệu đồng tại các TCTD phải qua hình thức thấu chi, thẻ tín dụng).
Ngoài ra, các hình thức thu thập, đánh giá thông tin phi tín dụng phổ biến trong người dân như thói quen tiêu dùng, hạn mức tiêu dùng các dịch vụ cơ bản, hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ, mối quan hệ mạng xã hội facebook, cũng cho thấy điều kiện thuận lợi cho P2P phát triển tại Việt Nam.

Thách thức không nhỏ
Song thực tế, thời gian qua hình thức P2P Lending tại Việt Nam phát triển tự phát, manh mún, phục vụ chủ yếu những nhóm nhà đầu tư cụ thể với mong muốn thu được lợi nhuận càng lớn càng tốt, khiến chi phí về phía khách hàng bị đẩy lên. Hơn nữa, các ứng dụng P2P Lending không thật sự thông minh như mong muốn. Chính vì vậy, thị trường ngày càng có ác cảm với những ứng dụng cho vay online. Theo quan điểm của RapBank, nếu cung cấp một nền tảng P2P tử tế với mức lãi suất phù hợp, cùng việc thu thập đánh giá cung cấp thông tin đầy đủ cho các bên tham, gia thị trường sẽ luôn được chào đón.
P2P là dịch vụ mới, chưa có tại Việt Nam trước đây. Về hành vi người tiêu dùng Việt Nam, không tính đến các hình thức vay mượn qua NH, TCTD, việc vay mượn tiền ngoài chủ yếu thông qua người thân, bạn bè, đồng nghiệp dựa trên đánh giá của cá nhân (hoặc qua người quen giới thiệu). Đã vậy, người dân chưa quen với việc sử dụng một nền tảng P2P, giao dịch với đối tượng xa lạ thông qua bộ tiêu chí của bên thứ 3 hoặc của cộng đồng với nhau.
Đồng thời, làn sóng phá sản của các công ty P2P tại Trung Quốc, cũng như việc các công ty, cá nhân cho vay nặng lãi, tín dụng đen núp bóng P2P phát triển các ứng dụng, website cho vay thời gian qua, cũng ảnh hưởng đến tâm lý người dùng muốn tham gia thị trường P2P. 
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự hạn chế về kiến thức tài chính từ người dân, dẫn đến việc dịch vụ P2P đã bị lạm dụng trở thành một kênh của nạn tín dụng đen, khiến thị trường hình thành những mảng tối khó điều chỉnh. 
Điểm quan trọng nữa, tại Việt Nam chưa có nguồn dữ liệu dân cư đồng bộ, đủ để phân tích, đánh giá khách hàng. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng tại Việt Nam. Quan trọng hơn, hiện nay chưa có định hướng, đầu mối, cơ quan chủ quản hay hiệp hội nghề nghiệp nào cho lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Chính vì vậy, cần thêm thời gian nữa để thị trường định hình và các nhà điều hành luật pháp đưa ra những quy định, hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn. 

Mong muốn cơ chế riêng
Hiện RapBank đã xây dựng chính sách về hoạt động và khung lãi suất theo sát quy định của pháp luật, nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích cân bằng cho các bên tham gia. Người dùng chính là người điều chỉnh hành vi lẫn nhau trên thị trường do RapBank xây dựng, giúp loại bỏ sự tham gia của những thành phần kém tích cực.
Công nghệ được tận dụng để thu hút được đại đa số người dùng tiềm năng, nhưng lựa chọn tiếp cận trực tiếp bằng đội ngũ thẩm định viên tinh nhuệ để sàng lọc và thu thập thông tin chuẩn xác, giá trị cao, nâng cao chất lượng của mỗi kết nối. Về lâu dài, RapBank xây dựng chương trình giáo dục tài chính, huấn luyện kỹ năng tài chính để nâng cao kiến thức, năng lực quyết định tài chính của người dân.
RapBank hy vọng sẽ có được sự hợp tác toàn diện hơn nữa với NH và công ty tài chính. Cụ thể, thay vì là đơn vị giúp tìm kiếm khách hàng cho NH, RapBank mong rằng có thể trở thành đơn vị tư vấn, đề xuất NH giải ngân. Với những thông tin khách hàng thu thập được, RapBank tin rằng có thể cải tiến quy trình cho vay tại NH, giúp NH giảm thiểu thủ tục hồ sơ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng và hiệu quả cho vay. Về phía cơ quan nhà nước, RapBank hy vọng có thể trở thành đơn vị thí điểm, đồng hành cùng NHNN xây dựng cơ chế, quy định chuẩn chỉnh để điều hành thị trường. 
 RapBank là thương hiệu của CTCP Dịch vụ Tư vấn RapBank Việt Nam. Đây là cổng kết nối các nhà cung cấp dịch vụ tài chính với khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính trên nền tảng internet.

Các tin khác