Thiếu đơn hàng, ngành điều tiếp tục xin giảm chỉ tiêu xuất khẩu

(ĐTTCO) - Trước tình hình khó khăn, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tiếp tục đề nghị điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2023 đạt 3,05 tỷ USD, giảm 50 triệu USD so với kế hoạch đã đề ra.
Thiếu đơn hàng, ngành điều tiếp tục xin giảm chỉ tiêu xuất khẩu

Trước đó, VINACAS xin được điều chỉnh chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu giảm từ 3,8 tỷ USD theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT xuống 3,1 tỷ USD.

Tại hội nghị thông tin thị trường điều được tổ chức chiều 26-7, tại TPHCM, VINACAS cho biết trong 6 tháng đầu năm, ngành điều đã xuất khẩu được 279.000 tấn điều nhân các loại, kim ngạch đạt khoảng 1,6 tỷ USD, tăng 9,49% về lượng và tăng 7,65% về trị giá nhưng giá xuất khẩu nhân điều bình quân chỉ đạt khoảng 5.717 USD/tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực VINACAS phân tích 6 tháng đầu năm nay, sản xuất, kinh doanh xuất khẩu điều đối mặt nhiều khó khăn, phần lớn đến từ yếu tố khách quan như khủng hoảng địa chính trị, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng Trung ương, lạm phát toàn cầu, sức mua tại các thị trường trọng điểm thấp, người tiêu dùng toàn cầu tiết kiệm chi tiêu… Tại Bình Phước, "thủ phủ" của ngành điều, nửa đầu năm 2023, có 30% nhà máy chế biến điều nhỏ và vừa phải đóng cửa vì không có đơn hàng.

Cũng theo ông Nhựt, những tháng cuối năm nay cho đến quý I-2024, tăng trưởng của ngành điều tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong trường hợp kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái, điều không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm.

Ở kịch bản lạc quan, ngành điều tăng trưởng nhờ tiêu thụ nhân điều, khi việc kích cầu tiêu thụ hiệu quả, lượng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ lớn gồm Mỹ, châu Âu giảm xuống sẽ đẩy nhu cầu mua hàng vào cuối năm.

Dù vậy, VINACAS vẫn điều chỉnh mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm nay đạt 3,05 tỷ USD, giảm 50 triệu USD so với kế hoạch đã đề ra trước đó và thấp hơn 750 triệu USD so với chỉ tiêu Bộ NN-PTNT đề ra cho ngành điều từ đầu năm.

Trước bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, VINACAS kiến nghị Nhà nước tiếp tục xem xét, hỗ trợ ban hành cơ chế, chính sách nhập khẩu nhân điều phù hợp để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp chế biến trong nước theo; đề nghị các bộ, ngành và các địa phương tạo điều thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp ngành điều, đặc biệt là về lĩnh vực cho vay tín dụng của ngân hàng, các chính sách thuế và hải quan.

Hướng tới mục tiêu nâng cao tỷ lệ chế biến sâu, VINACAS kiến nghị Bộ Công Thương có các chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, cải tiến công nghệ, thiết bị, chuyển đổi số, nâng cấp cơ sở chế biến phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tìm khách hàng, đầu tư chế biến sâu, điều hữu cơ, dầu vỏ hạt điều và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.

Các tin khác