Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, tổng số dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP 441 dự án, trong đó sử dụng vốn ngân sách 417 dự án; tổ chức sử dụng đất ứng vốn để chi trả bồi thường, hỗ trợ TĐC 24 dự án.
Đến nay đã hoàn thành bàn giao mặt bằng 107 dự án, đang triển khai 310 dự án, chậm triển khai và quá hạn theo luật định 24 dự án. Tổng số người dân sử dụng đất bị thu hồi 20.865 trường hợp, có 11.313 trường hợp đã nhận tiền đền bù với số tiền hơn 11.766 tỷ đồng…
Theo ông Hồng, giá bồi thường đất ở được tính sát với giá thị trường nên phần lớn người dân đồng thuận. Tuy nhiên, một số dự án chưa được bố trí vốn để chi trả bồi thường, hỗ trợ, TĐC, nên một số quận, huyện đã đề xuất giá đất gửi Sở TN-MT trình Hội đồng thẩm định giá đất TP thông qua. Nhưng khi TP phê duyệt đơn giá bồi thường lại không có tiền chi trả.
“Cơ sở để xác định giá trị đất đền bù cho người dân bị thu hồi là dữ liệu thị trường. Nhưng hiện nay thông tin về thị trường hầu như không có dữ liệu, vì vậy việc xác định giá thị trường để đền bù cho người dân rất khó khăn”- ông Hồng chia sẻ.
Các quy định liên quan chồng chéo, mâu thuẫn đang khiến nhiều dự án của TP kéo dài, trong đó có những dự án trọng điểm mang tính cấp bách. |
Chính vì vậy đơn giá bồi thường, hỗ trợ không còn phù hợp, nhưng không được hồi tố, khiến người dân không đồng tình. TPHCM hiện nay có 2 dự án công tác đền bù, GPMB rất chậm là Khu đô thị Tây Bắc (9.000ha) và Khu đô thị Nam TP (2.900ha).
Đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, trong công tác TĐC cho người dân còn bất cập, do nhiều quy định tại các luật chồng chéo nhau, không khả thi trong thực tiễn. Theo UBND quận Thủ Đức, trong ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án trên địa bàn đang gặp nhiều vướng mắc.
Đó là công tác thẩm định giá đất, một khâu quan trọng và chiếm nhiều thời gian trong việc thực hiện quy trình bồi thường, hỗ trợ, TĐC các dự án theo Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, thời gian qua công tác này cũng như quy trình phê duyệt hệ số điều chỉnh giá để tính bồi thường, hỗ trợ TĐC của dự án được thực hiện rất chậm.
Cụ thể, các đơn vị tư vấn thẩm định giá gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm thông tin giao dịch tài sản, do những nơi thực hiện dự án thường có quy hoạch kéo dài, không có chuyển nhượng nhà, đất. Các thông tin tài sản so sánh tìm kiếm được cũng không thể hiện đúng giá trị thực tế chuyển nhượng tại thời điểm thu thập thông tin. Hầu hết hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường đều dựa trên bảng giá đất Nhà nước công bố (Quyết định 51/2014/QĐ-UBND ngày 31-12-2014) để làm cơ sở tính toán, cân đối.
Vì thế, giá đất của một số tuyến đường từ những năm trước vẫn được giữ nguyên theo Quyết định 51, dù hiện nay các tuyến đường này đã được mở rộng và đầu tư mới, kéo theo đơn giá bồi thường thấp.
Hiện nay thông tin về thị trường hầu như không có dữ liệu, vì vậy việc xác định giá thị trường để đền bù cho người dân rất khó khăn. |
Thủ Đức là quận vùng ven, đa số người dân sống trong nhà ở riêng lẻ, gắn liền với khuôn viên đất, nhiều hộ gia đình sinh sống bằng việc kinh doanh, buôn bán ngay tại nơi ở. Vì vậy, khi bị thu hồi đất họ đều mong muốn được TĐC bằng nền đất hơn là căn hộ chung cư. Tuy nhiên, do quỹ nền đất trên địa bàn quận hạn chế nên không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dân.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, được đưa ra. Cụ thể, đối với các dự án triển khai trước Luật Đất đai 2013, cho phép áp dụng quy định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc theo Điều 70 của Luật Đất đai 2013.
Đối với các dự án triển khai theo Luật Đất đai 2013, đề nghị sớm sửa đổi Thông tư 36/2014 của Bộ TN-MT quy định chi tiết phương pháp định giá, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.
Đối với công tác TĐC, để thuận lợi cho các dự án, ngoài 2 phương thức TĐC bằng nền đất và căn hộ chung cư, TP cần tạo điều kiện cho người dân TĐC tự nguyện, tăng giá trị hỗ trợ TĐC tự nguyện từ 5% lên 15-20%…