Theo ông Ninh, NHNN đã đề xuất giai đoạn 2016-2020 cần bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 4 ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên trên thực tế nguồn vốn được bố trí rất hạn chế chỉ vài chục phần trăm so với kế hoạch.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện có 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô khoảng 182.000 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thị công, thậm chí một số dự án chủ đầu tư xin chuyển sang nhà ở thương mại.
Hiện nay nhu cầu nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp rất cao, tính đến năm 2018 cả nước có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu tăng lên 1,7 triệu, trong đó hơn 50% lao động ngoại tỉnh, tập trung tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, TPHCM…
Tại hội thảo nhiều chuyên gia đã hiến kế giải pháp. Theo đó, để thực hiện các mô hình phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, đề nghị Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh “minh bạch, lành mạnh, bình đẳng, thông thoáng”. Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản, nhà ở.
Trong đó cần hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội và phát triển căn hộ vừa túi tiền. Cần cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, người lao động thu nhập thấp, người nhập cư.