Con số gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau đúng 3 tháng kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn của dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khó khăn chính là thời điểm để bộc lộ các lợi thế hay những yếu điểm của doanh nghiệp. Đây cũng là thời cơ tốt để tái cấu trúc doanh nghiệp, giúp nền kinh tế bật lên với những bước tiến xa hơn.
Trong số các doanh nghiệp rút khỏi thị trường, đã có hơn 18.500 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, hơn 12.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động và chờ làm thủ tục giải thể cùng hơn 4.000 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong tổng số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có hơn 91% là doanh nghiệp có quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng. Điều này được nhìn nhận dịch bệnh và những hệ lụy theo sau đang tạo xu hướng thanh lọc những doanh nghiệp yếu về năng lực tài chính, thiếu về trình độ quản lý và hạn chế về sự sáng tạo, chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Trong nhiều cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp và báo chí, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc luôn nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong thời gian vàng để kiểm soát dịch bệnh và cũng là lúc cần khẩn trương để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt khỏi khó khăn. Nếu như hơn 50% doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại được trong thời gian 5, 6 tháng tới và 80% doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, thì trong năm và sáu tháng tới đây chắc chắn sẽ là khoảng thời gian vàng để có thể tiếp sức và giải cứu cho doanh nghiệp. Bằng nhiều cách thức, có thể là sự tiếp sức bằng nguồn lực, tiếp sức bằng thể chế. Nhưng nếu bằng nguồn lực là sự hữu hạn còn tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin sẽ là vô hạn...”
Truyền tải thông điệp từ cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc cho hay các doanh nghiệp mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới để yểm trợ và làm bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch, cũng là để chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi, phát triển về sau này.
“Thế giới đang và sẽ khác đi, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại. Chiến tranh, dịch bệnh, công nghệ sẽ biến đổi thế giới này. Do đó, việc chuẩn bị tâm thế và nền tảng để vượt qua thách thức cũng như tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế sau khủng hoảng là việc cần làm ngay trong những tháng sắp tới đây,” ông Lộc nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, để tránh những tác động của suy thoái kinh tế, ông Lộc khuyến nghị Nhà nước cần “mở ngân sách” với các biện pháp như miễn, hoãn, giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cho Nhà nước của doanh nghiệp và người dân; đồng thời, trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng khó khăn.
Bên cạnh đó, nới lỏng chính sách tiền tệ bao gồm việc tái cấu trúc các khoản nợ, giảm lãi suất, giảm chi phí và thủ tục cho vay, cung ứng kịp thời các nguồn tín dụng với chi phí rẻ hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Ông Lộc cho rằng lúc dịch bệnh cũng chính là thời điểm để đẩy nhanh đầu tư công bằng các biện pháp như: đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, các dự án đối tác công tư hay các công trình hạ tầng thiết yếu với sự tham gia vốn của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của mọi thành phần kinh tế.
Song song đó, Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Với những giải pháp toàn diện, bao trùm rộng khắp và liều lượng phù hợp, vấn đề còn lại là tổ chức thực thi. Theo ông Lộc, các địa phương, các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần thực thi nhanh, mạnh, minh bạch, nhất quán và đồng bộ, mới mong đem lại hiệu quả và đáp ứng sự mong mỏi của người dân cũng như tính bức thiết của bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đánh giá cao sự nỗ lực đồng hành của Chính phủ và các bộ, ngành khi đã kịp thời ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên là lực lượng chiếm số đông trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nên việc gia hạn nộp thuế, giảm thuế cần có chính sách riêng, hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng, cũng như có điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng hiệu quả hơn, nhất là nới lỏng điều kiện tiếp cận Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, khó khăn đã thấy rõ, song đây cũng là cơ hội, là dịp để các doanh nghiệp tăng cường “đề kháng,” rèn luyện sức khỏe bằng cách tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị và khả năng ứng phó với các tình huống xấu. Nhờ đó giúp các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, chú trọng hơn nữa vào việc tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, ông Thân nhận định.
Liên quan tới có quá nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, một số chuyên gia kinh tế phân tích, thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa tính hết được tác động nhiều mặt lên hoạt động sản xuất kinh doanh và cả sự tồn vong của chính doanh nghiệp mình. Vì thế, đã có không ít doanh nghiệp ra những quyết định thiếu tính linh hoạt xuất phát từ thiếu nguồn thông tin đầy đủ, xác thực hoặc thiếu kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng...
Từ sự bị động tới việc phát hiện vấn đề chưa đầy đủ và ra quyết định thiếu linh hoạt, có thể dẫn đến việc lập kế hoạch hoặc xây dựng kịch bản đối phó khủng hoảng không sát với thực tiễn nên khi triển khai dễ dẫn tới thất bại là điều đương nhiên.
Là cố vấn cao cấp của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Giáo sư John Quelch, nhận định trên một phương diện nào đó, đại dịch COVID-19 có thể xem là một kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong quản trị rủi ro, đặc biệt là quản trị tài chính và quản trị chuỗi cung ứng để tăng cường “đề kháng” và năng lực cạnh tranh.
Vì lẽ đó, thời điểm này, đề tồn tại và rút ngắn thời gian hồi phục sau khi đại dịch đi qua, các doanh nghiệp nên tập trung vào một số giải pháp để tìm hướng đi cho riêng mình.
Các doanh nghiệp nên cắt giảm chi phí tối đa bằng cách rà soát kỹ lưỡng mọi hạng mục như: chi phí thuê mặt bằng, chi phí hành chính, các chi phí cơ bản trong vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp; đồng thời chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến.
Cùng với đó, doanh nghiệp chủ động phát triển và khai thác chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục tình trạng khó khăn về nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu đầu vào trong sản xuất kinh doanh; tránh bị lệ thuộc, phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường đầu vào nhất định.
Doanh nghiệp nên tận dụng sớm các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đa dạng hóa chuỗi cung ứng đầu vào.
Bên cạnh đó, các mô hình kinh doanh online, thương mại điện tử, làm việc trực tuyến, kể cả sử dụng robot trong công xưởng cũng đã thể hiện được vai trò nổi bật trong bối cảnh dịch bệnh.
Lúc này, các doanh nghiệp nên quan tâm tới việc chuyển đổi số và cần xây dựng chiến lược và định hướng cụ thể, lâu dài và toàn diện. Điều đó chắc chắn mang lại hiệu quả cao cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai.
Vấn đề chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới cách thức marketing cũng cần phải được tính đến để thích nghi với sự thay đổi về phương thức mua hàng và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh.
Từ chỗ trực tiếp đến cửa hàng, hiện nay phần lớn người tiêu dùng đều lựa chọn mua hàng qua mạng, đặt hàng trực tuyến và giao hàng nhanh với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ.
Do dó, các doanh nghiệp nên nghiên cứu những cách tiếp cận mới với thị trường, đầu tư xứng đáng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để tìm ra mô hình kinh doanh hiệu quả nhất trong thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng.
Bảo toàn hệ thống và bộ máy nhân sự luôn là vấn đề cần được ưu tiên đối với mỗi doanh nghiệp. Vì thế, cho dù việc chuyển chế độ làm việc tại nhà thay vì tập trung tại công sở sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động thì cũng là hình thức nên làm để bảo hộ cho nhân sự và khách hàng của doanh nghiệp.
Các nhà lãnh đạo, các CEO nên tăng cường trao đổi qua mạng, cân bằng tốt nhu cầu kinh doanh với các mục tiêu kỳ vọng cũng như ổn định tinh thần cho nhân viên để đội ngũ người lao động luôn ý thức rằng phúc lợi và sức khỏe của họ luôn là ưu tiên hàng đầu đối với doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn.
Song song đó, các doanh nghiệp cần triển khai việc lập kế hoạch các kịch bản ứng phó linh hoạt và phục hồi kinh doanh nhanh nhất có thể sau khi đại dịch giảm tốc.