Bất ngờ đô la Mỹ
Kỳ vọng hạ lãi suất (LS) đã khiến USD Index (USDX) giảm giá ở phần lớn thời gian của năm 2024, đã hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) và các tài sản tài chính khác như vàng. Tuy nhiên, khi Fed chính thức hạ LS, thậm chí “mạnh tay” với 50 điểm cơ bản thay vì chỉ 25 điểm ở lần đầu tiên kể từ sau dịch Covid-19, thì USDX bất ngờ bật dậy mạnh mẽ.
Mức tăng USDX còn gây bất ngờ hơn khi Fed tiếp tục hạ LS vào tháng 11, nhưng USDX vẫn tiếp tục tăng tiếp. Trong giai đoạn này USDX đã tăng có lúc vượt hơn 108 điểm, gây áp lực lên các tài sản tài chính, đẩy giá vàng lao dốc.
Lý giải điều này có nhiều lý do. Thứ nhất, kỳ vọng làn sóng giảm LS từ các ngân hàng trung ương (NHTW), đặc biệt là Fed, đã khiến USDX giảm giá từ năm ngoái bất chấp năm 2023 Fed đã tăng LS 4 lần (trong chuỗi tăng 11 lần từ 3-2022). Điều này do kỳ vọng hạ LS đã khiến thị trường phản ứng từ trước. Do đó, lần này khi Fed chính thức giảm LS thì kỳ vọng cũng đạt được khiến USDX bật tăng trở lại.
Thứ hai là các NHTW lớn khác cũng hạ LS liên tiếp, như NHTW châu Âu (ECB), NHTW Thụy Sĩ (SNB), NHTW Anh (BoE)… Thậm chí mức độ và tốc độ còn nhanh hơn Fed, làm những đồng tiền của họ có thể yếu hơn tương đối so với USD, nghĩa là làm USD tăng giá.
Thứ ba là ẩn số từ BRICs, khi khối này đang cố gắng phi đô la hóa, dù chưa thật sự có giải pháp cụ thể nhưng với sức mạnh của khối, cũng sẽ tác động đến USD và cả TTTC. Điều này cũng khiến cho các lớp tài sản trên TTTC phân cực hơn.
Thứ tư, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, đã giúp tâm lý giới đầu tư lạc quan hơn khi họ tin rằng lạm phát được kiểm soát tốt hơn, căng thẳng địa chính trị dịu bớt. Kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, giúp đồng đô la lấy lại vị thế cũng như những tài sản được xem là rủi ro như CK, bất động sản (BĐS) hay tài sản số sẽ tích cực dưới thời Trump 2.0.
TTTC bắt đầu phân hóa
Mặc dù nhiều tài sản đang ở đỉnh cao, nhưng việc tìm kiếm lợi nhuận trong 2024 lại không hề dễ dàng. Điều này có thể nhận thấy như Bitcoin tăng giá nhưng nhiều Altcoins vẫn còn… rất xa bờ. Hay như vàng, dù tăng mạnh nhưng rất khó mua, thậm chí nhiều người còn lỗ vì “đu” theo khi giá cao, hay thấy giá cao vay vàng để bán rồi mua trả lại sau đó nhưng giá vẫn tăng tiếp.
Ngay như TTCK, dù CK Mỹ lên cao, nhưng chủ yếu lại tập trung vào các nhóm công nghệ nhờ sự bùng nổ của AI (trí tuệ nhân tạo) và chip bán dẫn, trong khi các ngành nghề truyền thống khác có sự tăng trưởng kém hơn, thậm chí suy giảm. Chỉ số Nasdaq và S&P500 có sự tăng trưởng tốt cũng như vượt đỉnh lịch sử nhiều lần hơn (20-30 lần), so với Dow Jones chỉ hơn 10 lần do chỉ số này đa dạng ngành công nghiệp hơn.
TTCK Việt Nam thì ngược lại, khi ngành ngân hàng chiếm khoảng 35% vốn hóa sàn HoSE. Nếu tính chung nhóm ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và bất động sản thì tỷ lệ này chiếm khoảng 50%. Chính vì vậy, dù TTCK Mỹ liên tục có những phiên vượt đỉnh lịch sử, nhưng VN Index chỉ tái lập mốc 1.300 điểm trong khoảng... 5 phút. Thế nhưng, điều này không gây nhiều bất ngờ với nhà đầu tư (NĐT), bởi VN Index chỉ dao động trong khoảng 1.200-1.300 điểm suốt gần 18 năm qua.
Đi tìm nguyên nhân
Chỉ số VN30 Index có mức độ tăng trưởng tốt hơn VN Index, do nhóm cổ phiếu (CP) này định kỳ được thay đổi mã CP, được đánh giá tốt hơn theo từng thời gian bổ sung vào trong danh sách VN30, trong khi VN Index phản ánh toàn bộ thị trường.
Trong khi đó, các chỉ số CK Mỹ như Dow Jones 30 (DJIA30), S&P500 đều dùng cách tính giống VN30, tức sẽ có sự thay đổi ở từng thời kỳ và chọn lọc những CP đại diện cho ngành công nghiệp then chốt hoặc lĩnh vực tiềm năng. Như mới đây, NVIDIA đã thay thế Intel để vào DJIA30. NVIDIA tăng trưởng thần tốc những năm gần đây, thậm chí đã trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới trong năm 2024, nên việc tham gia chỉ số cũng giúp chỉ số dễ có sự tăng trưởng hơn.
Như vậy, những CP công nghệ vẫn được hưởng lợi, dù có thể không liên quan trực tiếp (hoặc chỉ một phần) đến AI. Chẳng hạn như FPT, khi CP này đã có hơn 30 lần phá đỉnh lịch sử trong năm 2024, thậm chí vẫn tiếp tục lập kỷ lục vào tháng cuối năm 2024, mang lại nhiều niềm vui cho cổ đông công ty này.
Những lý do kể trên có thể giải thích vì sao quy mô TTCK vẫn phát triển, trong khi NĐT ngoại vẫn liên tục bán ròng trên TTCK. Do quy mô của CK Việt chủ yếu ở nhóm tài chính, trong khi CK Mỹ chủ yếu là nhóm công nghệ, nên những năm gần đây chính sách của Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư trong đó ưu tiên các tập đoàn công nghệ lớn như NVIDIA.
Ngoài việc thu hút dòng vốn FDI, thì cần có thêm thời gian để TTCK ngày càng có nhiều các công ty trong lĩnh công nghệ niêm yết, giúp hàng hóa trên thị trường phong phú hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn cho cả DN lẫn các NĐT. Khi đó dòng vốn từ các kênh an toàn như vàng, tiết kiệm cũng được sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn khi chuyển sang nền kinh tế.