USD lao dốc, vốn ngoại có trở lại chứng khoán?

(ĐTTCO) - Chỉ số USDIndex lao dốc gần 3,5% kể từ đỉnh đầu tháng 10 và xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8. Trong nước, giá mua vào USD của nhiều ngân hàng đã tụt xuống dưới ngưỡng 24.000 đồng/USD.

USD lao dốc, vốn ngoại có trở lại chứng khoán?

Đà hạ nhiệt của tỷ giá không chỉ cởi bỏ áp lực cho chính sách tiền tệ, còn mở ra cơ hội đảo ngược dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, vốn đã chảy ra suốt từ khi Ngân hàng Nhà nước khởi động đợt giảm lãi suất tiền đồng.

USD lao dốc, vốn ngoại có trở lại chứng khoán? ảnh 1

Khối ngoại vẫn bán ròng trên thị trường

Sau khi đồng USD giảm giá trên toàn cầu và tỷ giá USD/VNĐ trong nước giảm, TTCK Việt Nam bắt đầu xuất hiện các phiên giao dịch mua ròng xen kẽ bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Đây là điều được chờ đợi từ nhiều tháng nay, kể từ khi dòng vốn ngoại bán ròng mạnh mẽ và các quỹ ETF bị rút vốn trên TTCK Việt Nam. Tuy nhiên đó mới chỉ là những tín hiệu mờ nhạt.

Thống kê giao dịch hàng ngày của NĐTNN trong tháng 11 này vẫn đem lại con số giật mình. Chỉ riêng trên sàn HoSE, tổng giá trị bán ròng của nhóm này vẫn tới 3.413 tỷ đồng, thậm chí còn lớn hơn cả tháng 10 với 2.739 tỷ đồng. Vì sao tỷ giá đã qua đỉnh và đang trên đường đi xuống nhưng khối ngoại vẫn bán nhiều?

Thực tế hoạt động mua bán được ghi nhận hàng ngày trên thị trường không nhất thiết trùng với hoạt động rút vốn, hay huy động vốn mới của các quỹ đầu tư. NĐTNN Việt Nam gần đây đã chứng kiến sự thay đổi trong “gu” đầu tư của khối ngoại, không còn là mua và nắm giữ trường kỳ nữa, mà đã có cả các hoạt động đầu cơ ngắn hạn mua bán liên tục.

Tùy từng thời điểm thị trường với các điều kiện giá khác nhau, khối ngoại cũng thực hiện giao dịch linh hoạt hơn. Việc tăng giảm vị thế tiền mặt hàng ngày không có nghĩa khối ngoại bán để rút vốn, dù trong nhiều trường hợp như với các chứng chỉ quỹ đại chúng, khả năng hút vốn mới và rút vốn đi đều thông qua việc mua bán này.

Một thống kê chính xác hơn là hoạt động tăng giảm vốn của các quỹ ETF chính đang đầu tư trên NĐTNN Việt Nam. Thống kê cho thấy, sau khi Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tiến trình giảm lãi suất, các quỹ ETF bắt đầu bị rút vốn với quy mô khác nhau, nhất là các quỹ có dòng vốn phương Tây như VanEck, FTSE hay iShare MSCI.

Đặc biệt từ khoảng đầu tháng 8 khi tỷ giá VNĐ/USD vượt mốc 24.000 đồng, đồng loạt các quỹ bị rút vốn rất mạnh. Số liệu của FinnTrade cho thấy trong tháng 8, các quỹ ETF đầu tư vào thị trường Việt Nam bị rút đi tới 4,5 ngàn tỷ đồng, mức cao kỷ lục tính theo tháng trong vòng 2 năm gần nhất.

Trong đó các quỹ ETF ngoại bị rút khoảng 2,8 ngàn tỷ đồng và quỹ ETF nội bị rút 1,7 ngàn tỷ đồng. Tới tháng 9, các quỹ ETF ngoại giảm cường độ, chỉ còn bị rút đi khoảng 636 tỷ đồng nhưng các quỹ ETF nội vẫn bị rút khoảng 1,2 ngàn tỷ đồng. Sang tháng 10, dòng vốn ở các quỹ ETF ngoại đã đảo ngược, vào ròng gần 1,4 ngàn tỷ đồng trong khi các quỹ ETF nội vẫn bị rút đi hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.

Trong gần 4 tuần của tháng 11 này, tín hiệu tiếp tục tích cực với lượng vốn vào các quỹ ETF ngoại ở mức +440 tỷ đồng, tập trung vào quỹ Fubon +277,2 tỷ đồng và quỹ Kim Kindex Vietnam VN30 +100,6 tỷ đồng. Các quỹ ETF nội tính chung vẫn bị rút ròng khoảng 219 tỷ đồng nhưng chủ yếu do quỹ SSIAM VNFINLED -698 tỷ đồng, còn quỹ VFMVN Diamond vẫn vào ròng 128,6 tỷ đồng và quỹ VFM VN30 vào ròng 347 tỷ đồng.

Nói ngắn gọn, mặc dù dòng vốn ngoại vẫn chưa thực sự vào ròng rõ ràng một cách tổng thể, nhưng đang có sự chuyển biến tốt hơn hẳn giai đoạn từ tháng 8 tới tháng 10 vừa qua. Có quỹ vẫn bị rút vốn khá mạnh, nhưng nhiều quỹ khác lại huy động được vốn mới.

USD lao dốc, vốn ngoại có trở lại chứng khoán? ảnh 2

Cơ hội hút vốn vẫn nằm ở thị trường

Chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và việc đồng USD lên giá mạnh trong giai đoạn tháng 8 tới tháng 10, cũng tạo nên sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Báo cáo của SSI Research tháng 10 vừa qua thống kê các nguồn quốc tế, cũng cho thấy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 2007, khiến các quỹ trái phiếu mỗi tháng hút được hàng tỷ USD liên tục trong 9 tháng, trong khi dòng vốn lại chảy ngược khỏi các quỹ cổ phiếu. Khi những yếu tố vĩ mô liên thị trường thay đổi, dòng vốn đầu tư cũng sẽ thay đổi theo.

Rất có khả năng tháng 11 này dòng vốn ETF sẽ vào ròng với TTCK Việt Nam, và đó sẽ là sự xác nhận phù hợp với diễn biến hạ nhiệt của tỷ giá, cũng như kỳ vọng thị trường sẽ dần hồi phục theo chu kỳ kinh tế cải thiện.

Dòng vốn gián tiếp, đặc biệt từ các quỹ ETF có thể xem là dòng vốn “nóng”, tức có thể vào nhanh, ra nhanh theo cơ hội đầu tư, nên khả năng hút vốn lại phụ thuộc nhiều hơn vào triển vọng thị trường.

Thực tế cho thấy dòng vốn nước ngoài thường vào mạnh trong điều kiện thị trường suy giảm, vì đó là cơ hội để đầu tư có lời, như giai đoạn khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2022.

Các quỹ ETF trở nên hấp dẫn NĐT và dễ huy động được vốn hơn. Gần nhất như nhịp điều chỉnh trong tháng 10 vừa qua, các quỹ ETF ngoại cũng đã bắt đầu hút được dòng vốn mới. Giai đoạn vừa qua kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết kém hấp dẫn cộng với sức ép tỷ giá.

Những tín hiệu tích cực trong tháng 10 và triển vọng quý IV cũng như năm 2024 mở ra cơ hội tăng trưởng mới, đúng vào thời điểm chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed đi đến hồi kết và có thể đảo ngược sang chu kỳ nới lỏng.

Dù dòng vốn ngoại vẫn chưa thực sự vào ròng TTCK Việt rõ ràng, nhưng đang có sự chuyển biến tốt hơn hẳn giai đoạn từ tháng 8 tới tháng 10 vừa qua.

Các tin khác