Dù là nước đang phát triển, với hệ thống y tế còn nhiều khó khăn, dân số đông, lại ở sát gần tâm dịch, nhưng tới nay cả nước chỉ có hơn 300 ca nhiễm virus, đặc biệt chưa có trường hợp nào tử vong.
Dù vậy, đại dịch toàn cầu này đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế nước nhà, nhất là các ngành xuất khẩu như dệt may, da giày, nông sản. Đầu ra tắc, đầu vào bị đóng cửa, trong 4 tháng đầu năm 2020, các ngành xuất khẩu này đều tăng trưởng âm.
Thậm chí, hiện tại nguyên liệu không thiếu, nhưng do các đơn hàng bị hủy, hoãn, lượng tồn kho ngày càng cao, hoạt động của các doanh nghiệp trên gặp rất nhiều khó khăn, hàng triệu lao động các ngành rơi vào tình trạng thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp trong ngành đứng trên bờ vực phá sản.
Tương tự, với ngành du lịch và hàng không, việc ngưng các đường bay quốc tế đã khiến lượng khách du lịch nước ngoài giảm 98%. Cùng với đó, thực hiện giãn cách xã hội, các điểm du lịch bị đóng cửa, các lễ hội lớn nhỏ bị ngưng tổ chức… đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành du lịch. Ngay cả khi chúng ta bỏ việc giãn cách xã hội, chuyển qua trạng thái bình thường mới, người dân vẫn chưa sẵn sàng đi du lịch.
Đại diện Tập đoàn Sun Group đã phải cay đắng chia sẻ: “Khu du lịch Bà Nà Hills ở Đà Nẵng thời gian này vào lúc cao điểm cũng chỉ đón khoảng 500 khách nội địa, giảm mạnh so với bình quân 20.000 khách/ngày trước đây, nên không đủ chi phí để vận hành…”.
Chúng ta đã khống chế được dịch nhưng thế giới vẫn chưa thoát, Covid vây quanh, nguy cơ dịch vẫn rất lớn, và như vậy chúng ta không thể mở rộng thị trường, giao lưu hàng hóa, cũng chưa thể đưa khách hàng thế giới vào.
Tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, gây suy thoái kinh tế toàn cầu, làm đình trệ hoạt động sản xuất, thương mại, nhất là ở các nước đối tác lớn của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, phát huy sức mạnh thị trường nội địa nổi lên như điểm sáng, trở thành điểm tựa cho tăng trưởng, duy trì sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng và an sinh xã hội. Đây có thể coi là thời điểm vàng để chúng ta tập trung cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu gần 100 triệu dân.
Triển khai việc tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tổng cục Du lịch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Chương trình ngay lập tức được các địa phương cả nước hưởng ứng, tổ chức triển khai các gói kích cầu du lịch hậu Covid-19. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các cuộc vận động này, đòi hỏi cả sự nỗ lực mỗi người trong chúng ta.
Thống kê từ nhiều khảo sát, cho thấy người Việt ngày càng chuộng hàng ngoại. Thí dụ, năm 2018 tỷ lệ người tiêu dùng Việt mua hàng nội giảm 22% xuống còn 70% chỉ sau 1 năm. Nguyên nhân của xu hướng chuộng hàng ngoại trong phần đông người Việt, xuất phát từ tâm lý muốn thể hiện đẳng cấp, phải dùng hàng hiệu, "độc - lạ", mới xứng đáng với vị trí đương chức của mình.
Nguyên nhân nữa do chất lượng sản phẩm hàng nội vẫn chưa làm người tiêu dùng hài lòng. Mẫu mã quần áo, giày dép đơn điệu, chất lượng kém vẫn tràn lan; sản phẩm du lịch nghèo nàn, cộng với thực trạng “chặt chém” tại các điểm du lịch; hàng nông thủy sản dư thuốc kháng sinh, mập mờ trong truy xuất nguồn gốc…
Thực tế cho thấy, khi thị trường thế giới có biến động, nguồn cung bị gián đoạn, thị trường nội địa như một bức tường thành kiên cố, bao quanh và bảo vệ vững chắc nền kinh tế. Thị trường nội địa Việt Nam có không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn trước những rủi ro, biến động từ bên ngoài.