Nắm rõ quy tắc FAST
Theo thống kê của Bộ Y tế, đột quỵ ở Việt Nam hiện nay nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người bệnh. Nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người sống sót nhưng phải chịu cảnh tàn phế chiếm tỷ lệ gần 30% và chỉ có khoảng 30% có thể trở về cuộc sống bình thường.
Đột quỵ cũng được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người lớn. Vậy đột quỵ là gì. Đột quỵ là bệnh của não bộ (hư hỏng một phần não) do mạch máu tắc hoặc vỡ. Cần hiểu rõ mỗi vùng não có chức năng khác nhau, nên khi vùng não nào bị tổn thương sẽ gây ra triệu chứng đó như yếu tay, nói không được… Nếu não bị tổn thương càng lớn triệu chứng càng nhiều. Chính vì vậy nên triệu chứng đột quỵ của mỗi người khác nhau tùy theo tổn thương vùng nào trên não, có lớn hay nhỏ.
Để phát hiện sớm cơn đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu (quy tắc FAST) sau đây. F - Face (liệt mặt): người bệnh có thể bị liệt một bên mặt với biểu hiện méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi người bệnh há miệng hoặc cười. A - Arm (liệt cánh tay): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động một tay hoặc tay chân một bên cơ thể.
Cách nhận biết nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên sẽ thấy một bên không giơ hoặc không giữ lại được. S - Speech (nói chuyện): Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, hoặc không hiểu lời nói. T - Time (thời gian): tranh thủ tối đa thời gian gọi xe cứu thương ngay đưa người bệnh đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, có thể ghi nhớ các dấu hiệu và cách xử trí bằng câu: “Méo cười, ngọng nói, xuội tay / Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ”. Mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần 2 triệu tế bào thần kinh, vì vậy người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa những tổn thương về não. Một câu hỏi nhận được nhiều quan tâm là đối tượng nào dễ bị đột quỵ.
Theo nghiên cứu và thực tế chữa trị, những người càng lớn tuổi nguy cơ đột quỵ càng cao nhất trên 50 tuổi. Nam có nguy cơ nhiều hơn nữ. Ngoài ra những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, hay hút thuốc, nghiện rượu, béo phì… đều có nguy cơ bị đột quỵ, tuy nhiên đây là những yếu tố chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được để giảm nguy cơ đột quỵ.
Hiện nay có 2 dạng đột quỵ, trong đó đột quỵ thiếu máu não chiếm đại đa số (khoảng 85%). Cấp cứu đột quỵ thiếu máu cần ghi nhớ thông mạch máu càng sớm càng tốt thông qua 2 phương pháp bằng thuốc (cửa số vàng là 4,5 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi can thiệp) mới có hiệu quả. Thứ hai là thông bằng dụng cụ (cửa sổ chuẩn là 6 giờ từ khi có triệu chứng đến khi can thiệp).
Người bệnh đến trong khoảng 4,5 giờ từ khi khởi phát có 2 lựa chọn hoặc phối hợp cả 2. Nếu bệnh nhân đến khi đã qua 4,5 giờ chỉ còn một lựa chọn can thiệp nội mạch. Tất nhiên có những tình huống can thiệp được, có những tình huống không can thiêp được thì hết cơ hội.
Lưu ý quan trọng khi cấp cứu đột quỵ
Những điều nên làm ngay khi phát hiện những dấu hiệu đột quỵ của người thân, bạn bè là phải đảm bảo an toàn cho người bệnh, gọi ngay xe cấp cứu tốt nhất là gọi của trung tâm 115, trong trường hợp không gọi được xe cấp cứu nên đưa người bệnh đến bệnh viện bằng xe 4 bánh tránh đi xe hai bánh vì khi đột quỵ người bệnh có thể không kiểm soát được hoạt động của mình nên đi bằng xe 2 bánh rất nguy hiểm.
Khi tay chân của người bệnh có dấu hiệu bị liệt cần hỗ trợ ngay tránh té ngã, chấn thương. Nếu bệnh nhân bị nôn, ói gây sặc đường thở, viêm phổi phải giữ sạch đường thở bằng cách lấy hết thức ăn ra, đặt bệnh nhân nằm thoải mái chờ xe cấp cứu.
Bên cạnh việc cấp cứu ngay, cần đưa người bệnh đến đúng chỗ là những bệnh viện có cấp cứu đột quỵ để tận dụng thời gian vàng, tránh đi những thủ tục rườm rà từ lúc đầu. Đặc biệt lưu ý, để được chăm sóc, điều trị chuyên sâu, phòng ngừa biến chứng, nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng, người bị đột quỵ nên được cấp cứu ngay tại các cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ.
Đơn vị đột quỵ là nơi chuyên điều trị đột quỵ với các nhân sự được đào tạo chuyên sâu, phối hợp đa chuyên khoa theo một quy trình chuẩn hóa để đảm bảo người bệnh được chăm sóc điều trị tốt nhất, giảm thiểu tối đa hậu quả. Những nghiên cứu trên thế giới thấy rằng đơn vị đột quỵ giảm tử vọng, biến chứng, tàn phế giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống độc lập của mình.
Những điều không nên làm khi phát hiện triệu chứng đột quỵ. Thứ nhất, khi thấy triệu chứng nghi ngờ không nên đến phòng khám kể cả phòng khám ở các bệnh viện lớn vì khám mất khá nhiều thời gian mà nên vào cấp cứu ngay vì đột quỵ là cấp cứu ưu tiên.
Không chờ người nhà hoặc chờ tới sáng khi bị lúc nửa đêm bởi làm như vậy mất thời gian vàng. Cũng có trường hợp người bệnh đột quỵ tự hồi phục nhưng khả năng tái phát cao vì thế cần tới bệnh viện đánh giá lại. Đặc biệt lưu ý, không cạo gió, không cho người bệnh uống bất cứ thuốc nào đặc biệt là các loại thuốc truyền miệng. Những thuốc này không có hiệu quả mà đôi khi còn có hại.
Mỗi người cần dành thời gian tầm soát một số bệnh có nguy cơ gây đột quỵ như huyếp áp, đái tháo đường, khám tim. Nếu có bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra nên bỏ thuốc lá, với bia rượu nếu không thể bỏ hoàn toàn nên uống điều độ. Cố gắng thường xuyên vận động, tránh ngồi một chỗ quá lâu. Ngoài ra cũng cần lưu ý đến chế độ ăn nhiều rau xanh, không quá mặn…