Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, tỷ giá có diễn biến tăng trong thời gian qua, nhưng việc lúc tăng, lúc giảm là điều hết sức bình thường.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện hàng loạt các biện pháp như nâng lãi suất OMO (lãi suất linh hoạt) và lãi suất trúng thầu tín phiếu, tuy nhiên áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu dù trong tuần (27-31/5) đã giảm nhẹ.
Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 31/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa USD/VND là 24.261 VND, giảm 7 đồng so với ngày đầu tuần (ngày 27/5).
Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.474 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.047 VND/USD. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD tại BIDV được niêm yết ở mức 25.254-25.474 VND/USD (mua vào-bán ra), giảm 27 đồng ở chiều mua vào và giảm 7 đồng ở chiều bán ra so với đầu tuần.
Tương tự, tại Vietcombank niêm yết giá "đồng bạc xanh" ở mức 25.224-25.474 VND/USD (mua vào-bán ra), giảm 27 đồng ở chiều mua vào và giảm 7 đồng ở chiều bán ra so với đầu tuần.
Phát biểu giải trình về các giải pháp hạ nhiệt tỷ giá trước các đại biểu Quốc hội trong tuần, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá ở mức độ tương đối cao. Đối với Ngân hàng Nhà nước, trong môi trường kinh tế thế giới biến động như hiện nay, tỷ giá có lúc tăng, lúc giảm là điều hết sức bình thường. Chính phủ đã chỉ đạo phải ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước cũng theo dõi rất sát...
Với sự phát triển quay trở lại của sản xuất và tăng xuất khẩu trong thời gian tới, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, điều này sẽ hỗ trợ cho cung-cầu ngoại tệ. Nhiều dự báo cho thấy tỷ giá vào cuối năm nay sẽ được hạ nhiệt và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để các doanh nghiệp yên tâm về sự điều hành của Chính phủ.
"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để các doanh nghiệp yên tâm vấn đề điều hành của Chính phủ," Thống đốc nhấn mạnh.
Ứng phó với áp lực mất giá của đồng nội tệ, ngân hàng trung ương các nước có hai lựa chọn, hoặc bán ngoại tệ can thiệp hoặc tăng lãi suất đồng nội tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang sử dụng linh hoạt cả hai công cụ này, trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế có thể còn tiếp tục neo cao khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang trì hoãn việc giảm lãi suất.
Mới đây, David Solomon, CEO của Goldman Sachs, dự báo rằng Fed sẽ không giảm lãi suất trong năm 2024. Trước đó vào tháng Tư vừa qua, nhóm các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự báo sẽ chỉ có hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, với đợt cắt giảm đầu tiên diễn ra vào tháng Bảy tới, sau đó là vào tháng 11 tới.