Thu hút 11 triệu khách quốc tế đến TPHCM vào năm 2020

(ĐTTCO)-Ngày 4-8, tại huyện Cần Giờ (TPHCM) đã diễn ra phiên họp Thường trực HĐND TP về phát triển du lịch trên địa bàn TPHCM.
 
Khách du lịch chụp hình lưu niệm trước Bưu điện TPHCM (quận 1) Ảnh: Cao Thăng
Khách du lịch chụp hình lưu niệm trước Bưu điện TPHCM (quận 1) Ảnh: Cao Thăng
Chương trình do đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì. Hàng loạt vấn đề “nóng” liên quan tới kích cầu du lịch, thu hút du khách, phát triển du lịch bền vững… được các đại biểu thảo luận, chất vấn. 

Sản phẩm phải đặc trưng

Thống kê của Sở Du lịch TPHCM cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, TP đã đón gần 3 triệu lượt du khách quốc tế, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt gần 50% kế hoạch năm 2017. Tổng doanh thu của ngành du lịch mang lại từ đầu năm đến nay đạt gần 54.000 tỷ đồng, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2016.
Năm 2016, một số cơ quan, tổ chức quốc tế đã xếp TPHCM vào tốp 25 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á, tốp 100 điểm đến khách quốc tế lưu trú nhiều nhất thế giới, tốp 20 TP có mức tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, tốp 2/10 TP tốt nhất cho khách đi du lịch một mình…
 Tuy nhiên, các đại biểu nhận định, muốn đạt mốc 11 triệu lượt khách quốc tế đến TPHCM vào năm 2020, thì các sản phẩm du lịch cần mới, lạ, hấp dẫn hơn. Gần đây, TP đã nỗ lực liên tiếp cho ra các sản phẩm du lịch mới như: biểu diễn nghệ thuật đường phố, Khu phố thuốc Đông y... Sắp tới có thêm Liên hoan ánh sáng nghệ thuật, Lễ hội Marathon quốc tế…
Đáng chú ý, việc khai thác các tour, tuyến du lịch đến các bảo tàng cũng được TP rất quan tâm. Một trong những đơn vị tiên phong đổi mới nhằm thu hút du khách là Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.
Theo bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, sắp tới bảo tàng sẽ đưa vào hoạt động hệ thống tương tác thông minh, qua đó người xem có thể tham quan độc lập, tìm hiểu các thông tin liên quan đến hình ảnh, hiện vật trưng bày, không cần người thuyết minh.
Ví dụ, người xem có thể thấy được hình ảnh người ngồi dệt vải bên khung cửi thay vì chỉ đọc thông tin thô; hay như hình ảnh người thồ hàng, đi giao liên trước kia được tái hiện sinh động. Dự kiến có khoảng 4 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Nhật) sẽ được phục vụ tại bảo tàng. 
Liên quan đến khai thác sản phẩm du lịch đường sông, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt câu hỏi: “Sông Sài Gòn rất đẹp nhưng chưa khai thác hiệu quả là do đâu? Các sở ngành cần lưu ý đến quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn. Không thể cấp phép xây dựng các công trình ồ ạt, tràn lan, làm mất mỹ quan tổng thể của dòng sông. Du khách ngắm cảnh sông Sài Gòn, không lẽ giới thiệu cho người ta các tấm biển quảng cáo, các công trình nhà cao tầng…?”.  2 triệu USD cho chiến lược phát triển
 “Các sở ngành, các đơn vị, người dân… đều phải chủ động tham gia để kiến tạo một môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn thu hút du khách”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, TP có hàng loạt thế mạnh về du lịch. Riêng đối với huyện Cần Giờ, được thưởng thức món đặc sản cơm nắm, khô cá dứa hoặc tham quan khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là điều du khách rất thích thú. Nơi đây có thế mạnh phát triển thành khu đô thị giải trí và nghỉ dưỡng, từ đó thu hút du khách giống như Pattaya của Thái Lan.  Ông Bùi Tá Hoàng Vũ nêu một số khó khăn làm giảm bước tiến của ngành du lịch TP, chẳng hạn như công tác xúc tiến, quảng bá còn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, hệ thống phát triển hạ tầng chưa đáp ứng…
Ngoài ra, việc thiếu chiến lược cũng như quy hoạch phát triển tổng thể ngành du lịch TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển du lịch TP.

 Về kinh phí thực hiện chiến lược phát triển, Sở Du lịch cho biết, TP đã vận động xã hội hóa được khoảng 2 triệu USD, đồng thời đã chọn được đơn vị tư vấn nước ngoài (khu vực châu Á, có năng lực, am hiểu thị trường nước ta). Theo đó, khoảng cuối tháng 12-2017 sẽ có những khảo sát đánh giá chốt lại.
Đến quý 1-2018 đơn vị tư vấn được chọn sẽ trình bày cụ thể. Riêng Sở Du lịch, trong tháng 9 này sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng vị trí của ngành du lịch TPHCM so với các nước bạn trong khu vực, từ đó đưa ra định hướng phát triển cho ngành du lịch TP.  
Phát biểu kết thúc cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định ngành du lịch TPHCM đã đóng góp tích cực vào sự phát triển TP trong suốt thời gian qua. Tuy vậy, cần phải gấp rút chấn chỉnh một số vấn đề sau đây để khai thông việc tăng tốc ngành du lịch TP.
Cụ thể, sớm có chiến lược phát triển du lịch cũng như quy hoạch đồng bộ ngành du lịch TPHCM. Cần quan tâm đến thị hiếu, đối tượng khách hàng tiềm năng để biết cách phục vụ. Phải nhanh khai thác các sản phẩm du lịch có giá trị văn hóa, làm nổi bật cốt cách người dân Nam bộ, để từ đó có chính sách thu hút du khách hiệu quả. Đặc biệt, cần lưu ý yếu tố môi trường du lịch phải tốt, sạch, xanh; đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách…

Đồng chí TRẦN VĨNH TUYẾN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM:

Tiềm năng nhiều nhưng chưa biết quảng bá

Từ các video quảng cáo của một số nước bạn, sau đó có dịp đi du lịch thực tế để kiểm chứng mới thấy, đôi khi vẻ đẹp của nước bạn chỉ đạt từ 3 - 4 điểm nhưng sẵn sàng “vẽ” tới 6 - 7 điểm. Còn ở nước ta thì ngược lại, rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng thế giới, khiến du khách quốc tế từng tham quan cảm thấy “chết mê chết mệt”, nhưng ta chỉ mới quảng cáo ở mức 3 - 4 điểm. Do vậy, ngành du lịch cần xem xét, triển khai các ý tưởng quảng cáo sao cho thật hấp dẫn, gây ấn tượng với du khách, qua đó hút khách đến TPHCM với mức độ chi tiêu nhiều hơn. 

Đại biểu HĐND TPHCM VƯƠNG ĐỨC HOÀNG QUÂN:

Phân tích số liệu du khách thực tế đến TPHCM

TPHCM nên lưu ý phân tích số liệu thực tế khách đến TP chứ không tính đến lượng khách chỉ ghé qua. Song song đó, cần quan tâm đến mối tương quan của ngành du lịch trong bối cảnh hội nhập giữa nước ta với các nước trong khu vực, giữa TPHCM với một số TP của các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Campuchia… TPHCM cần xem du lịch như một ngành bán lẻ hàng hóa để có cách khai thác sao cho phù hợp. 

Các tin khác