Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như đánh giá của Bộ Tài chính gần đây cho thấy thu ngân sách đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đó là duy trì thuế suất cao để bù cho các nguồn thất thu.
Bất ổn nguồn thu
Báo cáo về kinh tế vĩ mô 2012 vừa được công bố của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đánh giá quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Tài chính đã cho thấy tổng thu thuế và phí của nước ta chủ yếu đến từ 3 nguồn chính: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu.
Trong đó, đáng lưu ý tỷ trọng thuế thu nhập đang có xu hướng giảm dần từ 36% trong giai đoạn 2006-2008, xuống còn 28% trong giai đoạn 2009-2011; tỷ trọng các khoản thu từ thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu tăng từ 10% trong năm 2006 lên 14,5% trong năm 2010. Điều này cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động thương mại quốc tế; mặt khác phản ánh mức độ bảo hộ thương mại cao của Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý trong thu ngân sách là khoản thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất đang có xu hướng ngày càng giảm dần về quy mô tuyệt đối cũng như tỷ trọng trong tổng thu và viện trợ, từ 9,3% năm 2007 xuống còn khoảng 6,6% trong năm 2011.
Như vậy các tài sản thuộc sở hữu nhà nước đang dần cạn. Về bản chất, việc làm này cũng giống như việc một cá nhân bán tài sản của mình để chi tiêu. Khoản vay nợ có thể giảm nhưng tài sản cũng giảm tương ứng, tức cá nhân này đã nghèo đi. Tương tự, thu từ việc khai thác dầu thô và các tài nguyên khác cũng có bản chất giống các khoản thu từ việc bán tài sản quốc gia và không bền vững do nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn.
Bộ Tài chính cho biết 7 tháng thu ngân sách được 60% kế hoạch; thu từ sản xuất kinh doanh nội địa 58%. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê tính đến ngày 15-8, thu ngân sách bằng 56,5% dự toán năm.
Đặt trong bối cảnh hoạt động sản xuất của nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn (chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-8 của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,8% so với cùng thời điểm năm trước), cùng với đó là các giải pháp miễn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người nộp thuế, đã làm hụt thu so với dự toán ban đầu có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, con số thu ngân sách 8 tháng năm 2012 cũng được nhìn nhận là tích cực.
Né thuế, trốn thuế
Không chỉ thế, hoạt động thu ngân sách hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập do thất thu và gian lận thương mại, nợ thuế, tình trạng bất minh trong lỗ - lãi của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chẳng hạn, với hoạt động tạm nhập tái xuất, theo Bộ Tài chính, kim ngạch tạm nhập tái xuất gia tăng nhanh trong thời gian qua và bất thường trong thời gian gần đây với mức tăng cụ thể năm 2006 là 1,3 tỷ USD, đến năm 2011 tăng lên 6,3 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2012 tăng 3,8 tỷ USD.
Như vậy trong vòng 5 năm tăng gần 5 lần. Một con số bất thường tác động rủi ro tới nền kinh tế, đó là số chênh lệch giữa tạm nhập và số tái xuất. Cụ thể, trong năm 2007 tạm nhập 1,7 tỷ USD nhưng tái xuất chỉ có 120 triệu USD; năm 2010 tạm nhập 5 tỷ USD, tái xuất 4 tỷ USD.
Giá xăng liên tục tăng nhưng thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn chưa giảm. |
Theo nhận xét từ báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế, phí/GDP cao từ 1,4-3 lần so với các nước trong khu vực. Mức thu này đã làm hạn chế khả năng tích lũy, làm giảm đầu tư phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân. Điều đó cũng khuyến khích các hành vi gian lận về thuế như hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.
Số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy dù chiếm khoảng 20% GDP trong toàn nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp FDI chỉ đóng góp trên dưới 10% tổng thu ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ nhưng lại xin mở rộng đầu tư. Do vậy một trong những động cơ hấp dẫn các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhằm hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những khó khăn phải đối mặt trong việc thu ngân sách năm nay là nguyên nhân khiến việc điều hành giá xăng dầu cuối tháng 8 qua gặp nhiều khó khăn. Theo đó, dù lần thứ 3 liên tiếp giá xăng dầu trong tháng được điều chỉnh, nhưng thuế suất xăng dầu không có điều chỉnh (hiện nay thuế nhập khẩu xăng 12%, dầu diezel 10%).
Mới đây, trả lời báo giới về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ sản xuất và đời sống người dân, nên thu ngân sách khá căng thẳng. Vì vậy, việc giảm thuế nhập khẩu phải cân nhắc, tính toán hết sức cẩn trọng. Nếu giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất và người tiêu dùng, sẽ áp dụng các biện pháp tổng hợp để xử lý và không loại trừ việc giảm thuế. Còn giảm bao nhiêu, giảm đối với mặt hàng nào, cần tiếp tục theo dõi, cân nhắc, tính toán trên cơ sở bảo đảm cân đối vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tránh gây sốc cho nền kinh tế”.