Từ ngày 31-12 tới, các trạm thu phí trên cả nước đều có làn thu phí điện tử không dừng (ETC). Tuy nhiên, hiện mới có hơn 1 triệu ô tô đã dán thẻ Etag và sử dụng dịch vụ thu phí ETC trên tổng số hơn 4 triệu xe đang lưu hành. Nhiều chủ xe bày tỏ chưa sẵn sàng dán thẻ với những băn khoăn như: thẻ thu phí giao thông đã liên thông với thẻ ngân hàng hay chưa, dán thẻ Etag và mở tài khoản ở đâu, có thuận tiện không, chi phí ra sao?
Đơn giản thủ tục dán thẻ
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực miền Trung, Trưởng trạm thu phí BOT Nam Bình Định Nguyễn Văn Phồn cho biết, đầu tháng 8-2018, thông qua Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, đơn vị đưa vào sử dụng hệ thống dịch vụ thu phí tự động tại làn 3, làn 4 của trạm nằm trên tuyến quốc lộ 1A (đoạn qua phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, Bình Định). Theo lãnh đạo trạm BOT Nam Bình Định, bên cạnh những thuận lợi thì việc thu phí làn tự động vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Trong đó, tâm lý của người dân, doanh nghiệp tham gia giao thông vẫn chưa thực sự mặn mà, chưa quen với các thao tác, đăng ký, sử dụng dịch vụ VETC. Vì thế, doanh thu sau 2 năm triển khai thu phí không dừng thông qua dịch vụ VETC của đơn vị này rất thấp so với các làn thu phí thủ công.
Chiều 23-12, một đại diện Trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) cho biết, hiện nay Tập đoàn Đèo Cả (chủ đầu tư dự án BOT Ninh Lộc) đã triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị kỹ thuật ETC tại trạm BOT này. Sau 1 tuần triển khai chạy thử, hệ thống cho kết quả tốt và đang chờ kết nối với đơn vị cung ứng dịch vụ để sớm vận hành. Nói về việc chậm triển khai thu phí tự động đối với trạm thu phí này, đại diện Trạm BOT Ninh Lộc cho biết, do gặp khó khăn về đơn vị cung cấp dịch vụ nên chậm thống nhất phương án, quyền lợi các bên.
Tại ĐBSCL, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Bạc Liêu và Sóc Trăng Nguyễn Văn Phương cho biết, đã triển khai hệ thống ETC tại các trạm thu phí do đơn vị quản lý từ tháng 8-2018. Tuy nhiên, từ khi triển khai lắp đặt đến nay, tài xế sử dụng dịch vụ này rất ít, khoảng 10% trên tổng doanh thu xe lưu thông qua trạm. Vì vậy, 2 trạm BOT quốc lộ 1 Bạc Liêu và Sóc Trăng vẫn duy trì làn thu phí không dừng và làn thu phí bằng sử dụng vé. Ông Phương cho biết thêm, tỷ lệ xe dán thẻ Etag thì có, nhưng tỷ lệ nạp tiền thì ít. Vì vậy, nhiều lúc xe có dán thẻ nhưng khi qua trạm vẫn phải mua vé, dẫn đến việc dán thẻ không tác dụng.
Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng (STW) Đặng Văn Ngọ chia sẻ: “Thực tế công ty có khoảng 10 phương tiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, bao gồm cả ô tô cá nhân và ô tô tải, nhưng hiện vẫn không chọn thanh toán qua hệ thống thu phí tự động tại trạm BOT. Nguyên nhân là ban đầu có sử dụng thử dịch vụ thu phí tự động, tuy nhiên sau đó thì không dùng vì cảm thấy khá bất tiện và phiền phức”.
Thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ (Công ty TNHH Thu phí tự động - VETC) cho biết, để sử dụng dịch vụ ETC, trước hết người điều khiển phương tiện phải mở tài khoản giao thông (TKGT) và chuyển tiền vào tài khoản này. Việc mở TKGT và dán thẻ Etag có thể thực hiện được ở các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc nhưng không phải trung tâm nào cũng có, do đó, khách hàng có nhu cầu cần liên hệ với đường dây nóng của nhà cung cấp dịch vụ 1900.6010 để biết các trung tâm có thực hiện dán thẻ Etag gần với khu vực của mình. Thủ tục dán thẻ đơn giản, thời gian dán thẻ chưa đến 10 phút và chỉ cần 1 loại thẻ có thể thông qua được tất cả trạm thu phí trên toàn quốc.
Giai đoạn 2 sẽ liên kết với hơn 30 ngân hàng
Về việc chuyển tiền vào TKGT, hiện các chủ tài khoản vẫn phải chủ động nạp bằng nhiều hình thức như qua ứng dụng của nhà cung cấp dịch vụ, chuyển khoản ngân hàng cho nhà cung cấp dịch vụ với nội dung chuyển khoản là biển số xe hoặc số tài khoản giao thông, nạp qua các ví điện tử.
Nhiều chủ xe vẫn không đồng ý cách làm này vì mất thêm thao tác nạp tiền và tiền để trong TKGT không được tính lãi. Tuy nhiên, hiện nhà cung cấp dịch vụ dự án giai đoạn 1 (44 trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) mới chỉ đàm phán được để liên thông TKGT với tài khoản cá nhân của ngân hàng tài trợ vốn cho dự án là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Do đó, khách hàng cần trực tiếp đến các quầy giao dịch của ngân hàng BIDV trên toàn quốc và mang theo chứng minh nhân dân để đăng ký dịch vụ. Sau đó, tiền từ tài khoản BIDV sẽ tự động chuyển vào TKGT theo hạn mức đăng ký của khách hàng mà không cần thao tác nạp tiền. Hiện nhà cung cấp dịch vụ đang làm việc với các ngân hàng khác về liên thông tài khoản tương tự với BIDV nhưng chưa có kết quả.
Đối với dự án giai đoạn 2 (33 trạm còn lại), nhà cung cấp dịch vụ đã có giải pháp sử dụng ví điện tử kết nối với hơn 30 ngân hàng, việc nạp tiền qua ví điện tử khá dễ dàng, khách hàng có thể tự thực hiện trên điện thoại di động theo từng bước hướng dẫn với số tiền phù hợp với nhu cầu. Với việc mua vé tháng, vé quý online, khách hàng phải chú ý kích hoạt vé tháng/quý ngay sau khi nạp tiền, tránh trường hợp kích hoạt chậm sẽ bị trừ tiền vé lượt, dẫn đến không đủ tiền để kích hoạt vé tháng/quý.
Về việc vì sao không thực hiện trừ thẳng tiền phí dịch vụ ETC từ tài khoản ngân hàng của khách như nhiều nước trên thế giới, Phó Tổng Giám đốc VETC Hồ Trọng Vinh cho biết, tốc độ xe qua trạm rất nhanh, thời gian không đủ để đáp ứng việc kiểm tra số dư và trừ tiền từ tài khoản ngân hàng; chưa kể các rủi ro về lỗi giao dịch ngân hàng thông thường, dẫn tới việc kiểm tra không kịp thời, barie mở chậm, va đập vào xe.
Theo Quyết định 19/2020 về thu phí tự động không dừng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Đối với các trạm thu phí đã lắp đặt hệ thống ETC phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm thu phí đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống ETC, chậm nhất đến ngày 31-12-2020 phải chuyển sang ETC. Trong trường hợp đến thời điểm nêu trên, nếu việc triển khai ETC chậm trễ do lỗi của nhà đầu tư, BOT sẽ dừng thu phí. |