Thuế khoán hộ kinh doanh gây thất thu ngân sách

(ĐTTCO) - ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Tú, người có 30 năm công tác trong ngành thuế, hiện là giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, về hiện tượng thất thu ngân sách từ thuế khoán hộ gia đình.
Thuế khoán hộ kinh doanh gây thất thu ngân sách

TS. Tú cho biết, hiện nay việc quản lý thuế đối với loại hình hộ kinh doanh chưa có phương pháp phù hợp, chủ yếu vẫn dựa vào thuế khoán, trong khi mức thuế khoán thường thiếu chính xác, minh bạch khiến ngân sách nhà nước (NSNN) đang bị thất thu ở mảng này.

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể lý giải việc thất thu như thế nào?

TS. NGUYỄN NGỌC TÚ: - Hiện nay cả nước có khoảng 6 triệu hộ kinh doanh đăng ký chính thức, trong đó có khoảng 5-10% là hộ kinh doanh lớn và đang nộp thuế theo hình thức kê khai. Nghĩa là họ có sổ sách kế toán cơ bản, tương tự như kê khai đối với doanh nghiệp. Còn lại khoảng 90% hộ kinh doanh vẫn đang nộp thuế khoán. Tôi phải khẳng định rằng thuế khoán không thể chính xác. Hiện nay thuế khoán được tính theo từng năm, nhưng chỉ đối với những hộ đã đăng ký.

Vì thế đối với những hộ kinh doanh kiểu buôn chuyến hay vãng lai sẽ khó xác định. Thậm chí, ngay cả số hộ kinh doanh thực tế cơ quan thuế cơ sở nắm được cũng rất ít. Thêm nữa, trong số 6 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế quản lý được và có nộp thuế chỉ khoảng hơn 3 triệu hộ. Có nghĩa khoảng 3 triệu hộ kinh doanh còn lại không thu được thuế.

Chúng ta đều biết sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ rất quan trọng để xác định được doanh thu, từ đó mới tính được thuế. Nhưng hiện tại các hộ kinh doanh hầu như không có hóa đơn (chưa nói đến hóa đơn điện tử). Họ chủ yếu mua bán không niêm yết giá, như các hộ kinh doanh du lịch… Chưa kể, nhiều cửa hàng còn xảy ra tình trạnh nói thách khi bán hàng, người mua như lạc vào ma trận, cơ quan thuế không thể kiểm soát được.

Điều này khiến người tiêu dùng mua hàng hóa không có hóa đơn, nên dễ mua phải hàng nhái, hàng giả, mỗi khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý giải quyết và thiệt thòi thường thuộc về người tiêu dùng. Thực trạng trên cho thấy việc quản lý thuế khoán hộ kinh doanh đang bị bỏ ngỏ, gây thất thu cho NSNN.

- Nói như vậy ngay cả khi hộ kinh doanh có hóa đơn, tình trạng gian lận thuế thông qua 2 giá cũng khá phổ biến?

- Bên cạnh các hộ kinh doanh không có hóa đơn, một số hộ kinh doanh có quy mô lớn có hóa đơn cũng không tránh khỏi tình trạng gian lận giá cả mua bán, để từ đó gian lận thuế. Đơn cử, khi bán chiếc xe máy, người mua hàng mua đúng giá, nhưng hóa đơn ghi thấp hơn để nộp thuế ít hơn. Đây là điều thường xuyên xảy ra. Ở đây không chỉ tính tự giác của người bán kém, phải nói đến vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước còn lỏng lẻo.

Cụ thể, chính quyền địa phương cấp cơ sở như quận, huyện, xã, phường, có đội thuế, cơ quan quản lý thị trường, thanh tra thương mại… thì không có lý gì lại không kiểm soát và phát hiện được việc này. Ở đây càng cho thấy công tác này bị buông lỏng, không kiểm soát được khối tư nhân, các chợ truyền thống, hộ kinh doanh. Điều này đang tạo ra thị trường không minh bạch, thất thu NSNN, ảnh hưởng đến môi trường tài chính, thậm chí cả uy tín quốc gia nếu là khách quốc tế.

- Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP, theo đó tất cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử để thay thế. Theo ông công cụ này có lấp được khoảng trống thuế khoán?

- Theo Nghị định 123 của Chính phủ về hóa đơn điện tử, từ 1-7-2022 tất cả loại hình kinh doanh đều phải sử dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, đến nay các hộ kinh doanh cá thể chưa có chuyển biến nhiều. Trong khi những siêu thị tiện ích nhỏ và cả nhiều hộ kinh doanh lớn, máy kết nối để tính hóa đơn điện tử vẫn chưa đảm bảo.

Theo quy định hiện nay, người tiêu dùng mua hàng có giá trị từ 200.000 đồng trở lên, nếu yêu cầu xuất hóa đơn cơ sở bán hàng phải xuất hóa đơn. Nhưng hiện nay, người tiêu dùng đi ăn ở các nhà hàng, quán ăn… muốn có hóa đơn để về thanh toán nhiều khi rất khó, đòi hỏi hóa đơn từ máy tính tiền cũng rất khó.

Ở đây cần khẳng định rằng, mục đích của nhiều hộ kinh doanh là trốn doanh thu, và thuế khoán giúp họ làm được việc này. Bởi nếu họ xuất hóa đơn nhiều sẽ vượt số thuế khoán. Như vậy sau 1 năm họ lại phải điều chỉnh mức thuế khoán tăng lên, sẽ không có lợi, nên không ai muốn xuất hóa đơn. Cái gốc ở đây là phải phủ đầy hóa đơn điện tử, tiến đến loại bỏ, thay thế hình thức thuế khoán. Trong việc này, vai trò quản lý của cấp chính quyền cơ sở và cơ quan thuế cơ sở rất lớn trong việc thực hiện Nghị định 123 của Chính phủ về hóa đơn điện tử.

- Vậy cần phải có giải pháp gì, thưa ông?

- Lâu nay, hầu như các địa phương ít tập trung vào quản lý thuế khoán hay cải cách hình thức thuế khoán, vì một phần tỷ trọng trong cơ cấu thu ngân sách chưa đến 10%, nên các cơ quan thuế ít chú ý đến. Nhưng quan trọng hơn, thuế khoán kinh doanh không sát thực tế, không có công thức. Hệ quả không thể tránh khỏi là lợi dụng sơ hở này, cán bộ thuế ở địa phương có thể bắt tay với cơ sở kinh doanh để chia chác tiền chênh lệch đáng ra phải nộp vào NSNN.

Theo tôi, cần đổi mới phương pháp quản lý, phân loại, phân nhóm và phân vùng. Chỉ nên áp dụng thuế khoán đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như bán nước, đồ ăn sáng, bún phở, buôn bán thời vụ. Còn với hộ kinh doanh lớn không thể khoán thuế, mà phải có bộ máy kế toán, sổ sách chứng từ, phải thực hiện hóa đơn điện tử như đối với doanh nghiệp. Đơn cử, thu thuế đối với dịch vụ cho thuê nhà đất, văn phòng.

Hiện nay đã hình thành rất nhiều ứng dụng cho việc thuê nhà, thuê văn phòng, căn hộ. Nhưng thực tế đây cũng chỉ là khâu trung gian để kết nối giữa chủ và người đi thuê nhà. Vì vậy, để nắm rõ được doanh thu của người cho thuê nhà ở, văn phòng phải có sự giám sát chặt chẽ từ nhiều bên.

- Xin cảm ơn ông.

Thuế khoán kinh doanh không sát thực tế, không có công thức. Hệ quả không thể tránh khỏi là lợi dụng sơ hở này, cán bộ thuế ở địa phương có thể bắt tay với cơ sở kinh doanh để chia chác tiền chênh lệch đáng ra phải nộp vào NSNN.

Các tin khác