Thương hiệu bán lẻ ngoại: Vào - ra, sống - chết

(ĐTTCO)-Hơn 20 năm trước thương hiệu bán lẻ nước ngoài đã bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam. Cho đến nay đã có rất nhiều thương hiệu ngoại trong  lĩnh vực bán lẻ với các mô hình đại siêu thị, siêu thị và cửa hàng tiện lợi (CHTL) đến rồi đi, nguyên nhân được cho bởi thua lỗ. Song khi họ đến và đi chúng ta còn lại gì, dù trước đó đã dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) ngoại. 
Thương hiệu Parkson một thời đình đám ở Việt Nam nay đã rút lui vì không thích ứng với cách bán lẻ hiện đại.
Thương hiệu Parkson một thời đình đám ở Việt Nam nay đã rút lui vì không thích ứng với cách bán lẻ hiện đại.
Đến rất nhiều
Năm 1998, Tập đoàn Bourbon (Pháp) đã thành lập Công ty Vinde’mia (có một phần vốn của Casino Group, Pháp) và khai trương đại siêu thị Cora tại tỉnh Đồng Nai. Với diện tích siêu thị lớn, trưng bày nhiều hàng hóa, Cora Đồng Nai đã trở thành điểm đến của rất nhiều khách hàng.
Cũng từ đây, năm 2000 và 2001, 2 siêu thị Cora nữa được khai trương tại TPHCM. Năm 2003 Bourbon thông báo hệ thống Cora đổi tên thành Big C và tiếp tục mở thêm Big C Thăng Long (Hà Nội).
Sau đó vài năm Big C chính thức thuộc về Tập đoàn Casino. Năm 2016 (trước khi Casino quyết định bán) chuỗi Big C đã có 32 đại siêu thị, 10 CHTL trên toàn quốc và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn. 
4 năm sau, năm 2002 Metro Cash & Carry (Đức) chính thức xuất hiện ở Việt Nam, với mô hình bán sỉ hiện đại đầu tiên vào thời điểm đó. Suốt 12 năm có mặt ở thị trường Việt Nam, Metro đã hình thành 19 trung tâm thương mại (TTTM) tại 14 tỉnh/thành và 5 kho trung chuyển.
Metro đã có tốc độ tăng trưởng không ngừng về doanh thu, nhưng trong 12 năm ở Việt Nam có đến 11 năm Metro báo lỗ. Đó cũng là lý do cho cuộc chuyển nhượng đình đám vào năm 2014, đặt ra hàng loạt câu hỏi  về việc chuyển giá, trốn thuế của DN này trong suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam. 
Khác với Big C và Metro, Parkson (Malaysia) mang đến thị trường bán lẻ Việt Nam làn gió mới, với mô hình TTTM cao cấp, bán lẻ hàng hiệu đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2005. Trong suốt 5 năm sau đó, Parkson phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2012, tức sau 7 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Parkson có 8 TTTM, gồm 5 TTTM Parkson sở hữu là Hùng Vương, Flemington, Long Biên, Viet Tower và Landmark; 3 trung tâm Parkson thuê lại để quản lý là Saigon Tourist, Paragon và C.T.
Ngoài ra đơn vị này còn có 1 TTTM tại Hải Phòng. Năm 2013, Parkson công bố sẽ tiếp nhận 2 TTTM nữa tại TPHCM dưới dạng hợp đồng quản lý là Parkson Cantavil (quận 2) và Parkson Leman (quận 3). Nhưng từ năm 2014 mọi chuyện đã khác, Parkson không mở thêm bất cứ TTTM nào và bắt đầu chuỗi ngày đen tối của mình ở thị trường bán lẻ luôn được đánh giá đầy tiềm năng này. 
3 năm sau sự có mặt của Parkson, ông lớn ngành bán lẻ Hàn Quốc là Lotte đã ra mắt TTTM Lotte Mart đầu tiên tại TPHCM năm 2008. Sau hơn 11 năm hoạt động, Lotte đã có 13 TTTM trên cả nước và vẫn không ngừng đưa ra những kế hoạch đầy tham vọng trong thời gian tới. 
Sức hấp dẫn của thị trường liên tiếp kéo theo những tên tuổi mới trong mảng bán lẻ đến Việt Nam. Đó là sự xuất hiện của Emart Hàn Quốc (2015), Auchan (Pháp), đặc biệt là AEON với sự ra đời của mô hình TTTM one stop shopping (điểm đến cho mọi nhu cầu của gia đình từ mua sắm, vui chơi, ăn uống, chưa kể hàng hóa đáp ứng mọi tầng nấc tiêu dùng từ bình dân đến hàng hiệu), đầu tiên tại TPHCM năm 2014, đã làm lu mờ các TTTM cao cấp như Parkson, mở ra xu hướng mới được người tiêu dùng ưa thích.
Thực tế, AEON đã đến Việt Nam từ năm 2011, với việc mở chuỗi CHTL Ministop. Mô hình này đến nay tại Việt Nam có đầy đủ thương hiệu nổi tiếng trong khu vực và thế giới, như Family Mart,  Ministop - Aeon, 7-eleven (Nhật Bản), Circle K (Mỹ), Shop & Go (Singapore), B’s Mart (Thái Lan)… 
Như vậy trong khoảng 20 năm, các tập đoàn bán lẻ châu Âu, châu Á mở các đại siêu thị, TTTM, TTTM cao cấp ở Việt Nam. Những thương hiệu nội như Saigon Coop, Maximark, Hapro… thời điểm đầu những năm 2000 vẫn chưa đủ tầm để sánh với những ông lớn này. Song quan trọng hơn, việc các nhà bán lẻ liên tiếp vào, liên tiếp mở rộng tại nhiều tỉnh/thành ở Việt Nam nhờ chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng, DN trong ngành bán lẻ của Việt Nam khó chống đỡ. 

Nhưng đi cũng không ít
 Có một số yếu tố trong mảng bán lẻ cơ quan thuế vẫn chưa quản lý hết được. Chẳng hạn với các hóa đơn bán hàng ở các siêu thị, các cửa hàng thức ăn nhanh, nếu chưa nối mạng với cơ quan thuế vẫn có thể lách được. Để chống chuyển giá phải có hệ thống pháp luật đủ mạnh. 
Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh
Sức hấp dẫn của các chuỗi bán lẻ nước ngoài lại luôn đi kèm với sự khốc liệt trong cạnh tranh, để rồi nhiều tên tuổi tiên phong phải từng bước chia tay thị trường bán lẻ Việt Nam. Sự rệu rã đầu tiên phải kể đến là chuỗi Parkson.
Đó là năm 2014, khi AEON mở TTTM với mô hình one stop shopping, đó cũng là thời điểm Parkson liên tục phải đóng cửa các TTTM của mình do kinh doanh thua lỗ và không chịu thay đổi mô hình. Hiện tại Hà Nội đã không còn bóng dáng của TTTM cao cấp Parkson, trong khi TPHCM cũng chỉ còn 1 TTTM Parkson tại Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn.
Cũng trong năm 2014, thị trường chứng kiến vụ mua bán đình đám của Tập đoàn BJC của Thái Lan. Theo đó, BJC đã mua lại Metro Việt Nam với giá 879 triệu USD. Ngay sau đó, năm 2016, thị trường tiếp tục chứng kiến sự vào cuộc của nhà bán lẻ Thái Lan khác là Central Group khi mua lại Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD.
Thực tế, cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam là cuộc đua ngầm của nhà bán lẻ lớn Lotte (Hàn Quốc) và Saigon Coop (Việt Nam), nhưng cuối cùng Central Group đã về đích trước. Thời điểm bán mình, Big C đang ăn nên làm ra. Đã có những câu hỏi rằng thương vụ chuyển nhượng này có đơn thuần chỉ trong mảng bán lẻ, hay người nhận chuyển nhượng còn nhắm đến giá trị bất động sản (giá thuê đất rẻ) của 32 siêu thị Big C thời điểm đó. 
Trong sự rút lui của các thương hiệu ngoại phải nói đến sự lớn mạnh của DN nội khi thâu tóm lại các chuỗi thua lỗ. Cuối tháng 6 vừa qua, Saigon Coop đã nhận chuyển giao 18 siêu thị Auchan tại Việt Nam. Ở Pháp hay châu Âu, Auchan là thương hiệu bán lẻ lớn với hàng trăm năm kinh nghiệm, nhưng ở Việt Nam chuỗi này lại khá chật vật trong việc chinh phục thị trường.
Sự thua lỗ có lẽ cũng xuất phát từ việc nghiên cứu thị trường sai của chuỗi này. Từ khi vào Việt Nam năm 2015, Auchan đã bắt tay với các chủ đầu tư bất động sản để mở siêu thị ở các chung cư. Sau 4 năm với 18 siêu thị nhưng Auchan không để lại dấu ấn trong lòng người tiêu dùng Việt Nam vì sản phẩm thiếu đa dạng, giá thành lại cao. 
Một nhà bán lẻ nội khác cũng đình đám trong các thương vụ mua lại các chuỗi từ nội đến ngoại chính là Vingroup. Tháng 4 vừa qua, Vingroup nối dài danh sách mua bán của mình bằng việc mua lại chuỗi CHTL Shop & Go (Malaysia) với giá 1USD, do chuỗi này đang thua lỗ kéo dài. Hợp đồng chuyển nhượng 1USD được ngầm hiểu là tuyên bố phá sản của Shop & Go. 
Thực tế mô hình kinh doanh CHTL tại Việt Nam cho đến nay vẫn còn rất khó khăn, nhiều đại gia khi nhập cuộc đưa ra những kế hoạch đầy tham vọng nhưng càng đi tốc độ lại càng chậm lại.
Cụ thể, Familymart - thương hiệu bán lẻ lớn của Nhật Bản, từng đặt mục tiêu có 1.000 CHTL ở Việt Nam vào năm 2020, nhưng đến nay chưa tới 200 cửa hàng tại TPHCM và các tỉnh/thành khác. Lãnh đạo tập đoàn bán lẻ này cho biết sẽ không tiếp tục đầu tư vì thua lỗ do chi phí mặt bằng cao, khách hàng ít.
7-Eleven một thời đình đám đến nay cũng khá im hơi lặng tiếng trong các kế hoạch mở rộng tại thị trường Việt Nam. Sự khó khăn này xuất phát phần nhiều từ thói quen mua hàng ở các tiệm tạp hóa vẫn tồn tại trong nhiều người tiêu dùng Việt. 

Chúng ta được gì?
Việc nhà bán lẻ ngoại liên tiếp mở rộng tại nhiều tỉnh/thành ở Việt Nam, cũng nhờ chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng đối với DN FDI nói chung, DN trong ngành bán lẻ nói riêng. 
Trao đổi với ĐTTC, ông Phạm Việt Anh, chuyên gia chiến lược tăng trưởng DN, cho rằng trong những thời điểm nhất định việc thu hút FDI là ưu tiên, khi đầu tư trong nước còn chưa mạnh. Lĩnh vực bán lẻ cũng không ngoại lệ. DN FDI nếu không nhìn thấy cái lợi họ có thể đến đầu tư ở nước khác. Nhà đầu tư nước ngoài đến tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới…
Còn việc chuyển giá, né thuế… của DN FDI nói chung và trong mảng bán lẻ nói riêng, không chỉ là chuyện của Việt Nam mà là câu chuyện toàn cầu. Ngay tại Mỹ cũng có những DN chuyển doanh thu sang các thiên đường thuế để trốn thuế. Quan trọng là pháp luật cần điều chỉnh mạnh mẽ hơn để hạn chế vấn đề đó. 
Chia sẻ với ĐTTC về việc chuyển giá, trốn thuế, LS. Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cũng khẳng định: “Hành vi chuyển giá không mới, nó đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, và hiện nay rất nhiều nước đang đau đầu xử lý vấn đề này. Nhiều tập đoàn đa quốc gia vẫn tiếp tục thực hiện việc chuyển giá, né thuế ở mức tinh vi hơn”. 
Mới đây trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện các thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đã đề ra nhiệm vụ phải nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư chui…
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu như trước đây phải dành nhiều ưu đãi cho DN FDI để thu hút đầu tư, nay cần phải công bằng hơn. Theo đó, Nhà nước cần tạo môi trường minh bạch, công khai cho các DN trong và ngoài nước trong cuộc đua trên thị trường bán lẻ. 
Đánh giá về vấn đề nhà bán lẻ ngoại khi vào Việt Nam đưa ra những kế hoạch đầu tư khủng nhưng rồi rút lui vì thua lỗ, ông Phạm Việt Anh cho rằng, trong kinh doanh việc mua bán chuyển nhượng là hết sức bình thường. Nhà bán lẻ ngoại có thể bán cho đối tác ngoại hoặc đối tác Việt Nam.
Điều đáng quan tâm trong các cuộc mua bán sáp nhập này là khi DN ngoại mua lại DN nội, khi ấy họ nắm nhiều quyền chi phối hơn trong mảng phân phối, một kênh quan trọng đưa hàng ra thị trường. Nếu không có cách thức kiểm soát để chi phí phân phối cao, cũng có nghĩa hàng sản xuất trong nước giảm sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. 
Mua bán nhiều, rút lui cũng nhiều nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn khá nhiều tên tuổi mạnh của nước ngoài và sự lớn mạnh của các nhà bán lẻ trong nước. Sự cạnh tranh sẽ còn rất khốc liệt vì sức hút thị trường vẫn rất mạnh mẽ. Việt Nam hiện có quy mô dân số lớn (hơn 97,5 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50).
Dự báo, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. 

Các tin khác