Thương mại điện tử: Bát nháo sẽ thoái trào?

(ĐTTCO)-Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành hàng nhưng lại thúc đẩy kênh bán hàng online tăng tốc. Từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đến mạng xã hội (MXH) đều trở nên sôi động. Tuy nhiên không ít người bán lợi dụng tính năng livestream (phát trực tiếp) - đưa người bán đến gần người mua hơn để bán hàng giả, nhái, kém chất lượng. 
Thương mại điện tử: Bát nháo sẽ thoái trào?
“Thánh chém” trên livestream
Hình thức bán hàng qua livestream không phải mới, nó được người bán sử dụng từ đầu năm 2019, nhưng trong đợt dịch vừa qua khi mọi người hạn chế ra ngoài, ưu tiên mua sắm online, nó thực sự bùng nổ, đặc biệt trên MXH facebook.
Mọi sản phẩm từ quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, kính mắt, đồng hồ, thực phẩm… đều được người bán sử dụng livestream để tăng tương tác, chốt đơn nhanh hơn, nhiều hơn.
Với thuật toán cho phép các nội dung livestream hiển thị nhiều hơn trên giao diện chính của người dùng, facebook từ một MXH kết nối trở thành nơi bán hàng. Người bán sử dụng mọi hình thức giảm giá, những lời giới thiệu “có cánh” về chất lượng sản phẩm để thu hút người tham gia xem, mua hàng. 
Những lời giới thiệu như “ngay trong livestream này bên em sẽ tung ra 120 mã giày xịn nhất, giá rẻ nhất cho những anh/chị nhanh tay nhất. Các anh/chị để lại số điện thoại ở phần bình luận bên em sẽ liên hệ và giao hàng sớm nhất. Khi nhận hàng các anh chị có quyền kiểm tra, hàng không đúng cứ gửi trả lại cho em vì hàng nhà em lấy từ nhà máy ra nên em hoàn toàn tự tin để bán cho các anh/chị, chắc chắn trên thị trường không đâu rẻ hơn…” ra rả trên facebook. 
Để thu hút người xem, người bán hàng không ngại ăn mặc mát mẻ, thậm chí với nhiều mặt hàng như quần áo lót người bán còn thử hàng ngay trên sóng trực tiếp. Bán mỹ phẩm, người bán xinh đẹp như hoa xuất hiện trên livestream, trực tiếp thoa chát mỹ phẩm lên mặt để người mua tin tưởng.
Nhiều thương hiệu còn thuê diễn viên, ca sĩ quảng cáo thông qua livestream. Nhiều thương hiệu đình đám bán trên facebook giá lại cực kỳ dễ chịu, người bán còn trưng ra cả giấy tờ nhập khẩu. 
Song người dùng facebook đang ngày càng cảm thấy khó chịu, khi cứ mở ứng dụng để giao lưu với bạn bè, đã bị người lạ nhảy vào trang của mình rao bán hàng. Quan trọng hơn, không ít người mua đã nếm trái đắng khi nhận hàng không như video. Trả lại thì mất thời gian vì người bán một nơi, người mua một nẻo, chưa kể phí gửi qua gửi lại không ít, rồi liệu khi nhận hàng người bán có nhanh chóng gửi sản phẩm khác hay không, có đảm bảo chất lượng và nếu không ưng có thực sự lấy lại được tiền…
Livestream không chỉ nở rộ trên facebook mà trên nhiều sàn TMĐT như Shopee hay Lazada. Hình thức này cũng đang được người bán rất ưa chuộng. Xét ở góc tích cực, theo chị N.H một người bán hàng online: “Livestream giúp người mua thấy rõ hơn sản phẩm, cảm nhận tốt hơn tính năng, công dụng, được trao đổi trực tiếp với người bán hàng. Không chỉ ở Việt Nam tại nhiều quốc gia hình thức livestream cũng rất được ưa chuộng. Nhưng mặt tích cực ấy đang bị lép về trước những chiêu trò của người bán”. 

Bất lực trong quản lý? 
 Bán hàng online phù hợp với thời đại 4.0, nhưng nếu cứ bát nháo như hiện nay, chắc chắn sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng với hình thức này. 
Lâu nay việc quản lý nguồn gốc hàng hóa bán online vốn đã là bài toán khó cho các cơ quan quản lý nhà nước. Ngay tại nhiều sàn TMĐT tên tuổi việc bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng cũng nhan nhản. Chủ sàn luôn miệng nói chung tay chống hàng giả nhưng thực tế lại không như vậy.
Không chỉ người mua, cả những DN có uy tín cũng cảm thấy bất mãn với việc hàng giả bán tràn lan trên online. Thế mới có chuyện Công ty Trí Việt khởi kiện, yêu cầu Lazada tháo gỡ thông tin trên các gian hàng bán sách giả và ngăn chặn trình trạng bán sách giả trên hệ thống. 
Nay việc bán hàng online nở rộ qua hình thức livestream, dường như hàng giả, nhái, kém chất lượng lại càng có cơ hội lộng hành công khai hơn. Những món hàng “ngon, bổ, rẻ” có hay không. Khẳng định là có nhưng rất ít. Vậy lấy đâu ra hàng cho những đợt livestream liên tục của người bán, nếu không phải bán hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Thực tế đã chứng minh khi cơ quan quản lý đột nhập vào kho hàng lậu khủng tại Lào Cai. Tại kho hàng này hàng chục ngàn sản phẩm nghi giả các nhãn hiệu nổi tiếng cùng dàn máy móc khủng để livestream bán hàng. Được biết doanh thu mỗi tháng của kho hàng này 10 tỷ đồng, những nhân viên tham gia livestream cũng có thu nhập vài chục triệu đồng/tháng.
Đây chỉ là một trong những vụ việc bị cơ quan chức năng xử lý. Nhưng không gian mạng quá lớn, người bán ở khắp mọi nơi, thậm chí rao bán hàng nhưng trong nhà không hề có hàng, nên cơ quan chức năng rất khó để quản lý chất lượng, nguồn gốc hàng hóa bán online. 
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số, nhìn nhận việc ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT là điều nan giải nhất các cơ quan quản lý đang tập trung giải quyết.
Mới đây, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT. Theo đó, để giải quyết những vấn đề bất cập hiện nay, Nghị định sẽ sửa đổi bổ sung một số nội dung sau: bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website TMĐT, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong quản lý các hoạt động trên sàn, quy định cụ thể về hoạt động TMĐT trên MXH và trách nhiệm tương ứng của đơn vị quản lý MXH…
Những nội dung sửa đổi, bổ sung đều là những điều nhận được nhiều sự quan tâm. Nhưng điều không ít người lo lắng, dù Nghị định sửa đổi có ra đời việc quản lý có thực sự được như kỳ vọng, hay người tiêu dùng luôn phải nỗ lực để trở thành người tiêu dùng thông minh.  
Thực tế người Việt Nam vẫn còn thói quen thích cầm, nắm sản phẩm trước khi mua. Vì thế, thời điểm dịch hầu hết siêu thị đều phát triển mạnh hình thức mua sắm online, nhưng ngay khi dịch từng bước được khống chế lượng người quay lại siêu thị đã ngày càng đông hơn.
Điều này cho thấy mua hàng online, nhất là qua hình thức livestream có thể là lựa chọn trong thời điểm này. Nhưng nếu người bán vẫn bất chấp bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, việc người mua quay lưng là điều khó tránh khỏi. 
Covid-19 là cơ hội để TMĐT bùng nổ nhưng nếu không đi kèm với chất lượng, sự bùng nổ ấy cũng chỉ trong thoáng chốc, kinh doanh online vẫn không thể chiếm thế thượng phong, nhất là khi dịch qua đi. 

Các tin khác