Sàn ngoại bao sân
Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh TMĐT nửa đầu năm 2022 của Công ty Nghiên cứu dữ liệu Metric, Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, trong bối cảnh phát triển vượt bậc sau đại dịch Covid-19. Dữ liệu của Metric còn cho thấy Shopee, Lazada, Tiki và Sendo là 4 sàn TMĐT nổi bật nhất.
Cụ thể, Shopee chiếm thị phần lớn nhất thị trường với doanh số lên tới 43.118 tỷ đồng, chiếm 72% thị phần tính từ tháng 11-2021 đến tháng 5-2022. Đứng thứ 2 là Lazada với thị phần 20,9%, tương ứng 12.539 tỷ đồng. Tiki và Sendo là những cái tên ngay sau đó.
Nếu xét ở số lượt truy cập Shopee cũng đang dẫn đầu. Cụ thể theo số liệu tháng 2, tổng số lượt truy cập trên Shopee 78,5 triệu lượt, trên Lazada 14,8 triệu lượt và Tiki 14,1 triệu lượt. Trong bảng xếp hạng các ứng dụng di động (Android, iOS) mua sắm tại Việt Nam, Shopee cũng là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất, xếp sau lần lượt là Lazada, Tiki.
Trong top 4 sàn TMĐT nổi bật của Việt Nam hiện nay, Shopee, Lazada là 2 “đứa con” của ông lớn ngoại. Còn Tiki và Sendo xuất phát điểm là doanh nghiệp nội, nhưng đến nay NĐTNN chiếm cổ phần chi phối. Cụ thể, với Tiki tính đến tháng 8-2020, tổng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN lên tới 54,5%. Sau đó sàn TMĐT này đã chuyển 90,5% cổ phần cho pháp nhân mới Tiki Global tại Singapore.
Như vậy Tiki đã trở thành doanh nghiệp Singapore. Với Sendo, xuất phát điểm là dự án TMĐT do CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT phát triển từ tháng 9-2012. Song sau nhiều vòng gọi vốn, đến tháng 5-2020 NĐTNN đã chiếm cổ phần chi phối với hơn 65% cổ phần tại Sendo.
Sức hấp dẫn của thị trường TMĐT Việt Nam còn kéo theo sự tham gia của các nền tảng mạng xã hội (MXH) như facebook, tiktok, youtube… Báo cáo chỉ số TMĐT năm 2022 (EBI) do Hiệp hội TMĐT Việt Nam mới công bố, cũng đưa ra nhận định những MXH hàng đầu hiện nay hỗ trợ mua bán đều của nước ngoài. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của TMĐT Việt Nam trong mắt NĐTNN.
Theo đó, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Báo cáo EBI đánh giá tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Hãng Statista nhận định thị trường TMĐT Việt Nam sẽ liên tục tăng trưởng mạnh mẽ, có thể cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam hiện đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, có tới hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn, tính từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021. Đáng chú ý hầu hết người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam cho biết có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai.
Sàn Việt liệu có cạnh tranh lại?
Trước sự áp đảo của các sàn TMĐT có vốn đầu tư nước ngoài tại thị trường trong nước, một số ý kiến cho rằng cần phát triển sàn TMĐT Việt Nam đủ sức cạnh tranh bình đẳng, tránh phụ thuộc. Việc này liệu có khả thi?
Trao đổi cùng ĐTTC, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, chia sẻ hiệp hội không phân biệt sàn nội hay sàn ngoại. Tuy nhiên trước ý tưởng phát triển sàn TMĐT nội để cạnh tranh ngang với Shopee, Lazada hay Tiki… nhằm tránh phụ thuộc nhiều vào sàn ngoại, theo ông Dũng rất khó bởi họ đã đi trước khá lâu.
Hơn nữa, các sàn TMĐT lớn hiện vẫn đang đổ tiền để chiếm thị phần, thị trường và hầu hết đều chưa có lãi. Số vốn đổ vào không nhỏ nên doanh nghiệp nội nếu không xác định gọi vốn đầu tư, rất khó chen chân vào cuộc chơi này.
Trở lại câu chuyện của Tiki để thấy rõ hơn vì sao doanh nghiệp nội khó chen vào cuộc chơi của các sàn TMĐT. Thành lập từ năm 2010 và bắt đầu từ năm 2012, Tiki liên tục nhận được các khoản đầu tư từ các NĐT trong và ngoài nước. Đặc biệt ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng đến nhiều quốc gia, Tiki vẫn hoàn thành vòng gọi vốn series E, với số vốn huy động thêm 258 triệu USD. Thế nhưng cho đến nay Tiki vẫn chưa thể báo lãi.
Theo đó, năm 2016 Tiki báo lỗ sau thuế 178 tỷ đồng, tăng lên 282 tỷ đồng năm 2017 và 756 tỷ đồng năm 2018. Thậm chí, công ty báo lỗ lên tới 1.765 tỷ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020 Tiki bất ngờ chỉ lỗ 3,8 tỷ đồng (theo báo cáo thường niên của VNG).
Trước câu hỏi liệu Việt Nam có thể làm như Trung Quốc, khi các sàn TMĐT của nước này chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn ra nước ngoài hay không, nhiều người cho rằng khó thậm chí là không. Bởi lẽ, Trung Quốc đã có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho sàn trong nước phát triển. Nếu Việt Nam muốn phát triển như vậy cũng phải có sự trợ lực của Nhà nước, trong khi việc này không dễ dàng.
Thực tế không phải Việt Nam không có sự tham gia của các sàn nội. Những năm trước chúng ta cũng có những cái tên nội được đặt nhiều kỳ vọng như vuivui.vn; adayroi.com…, nhưng rồi những cái tên này đều phải chia tay thị trường. Thời điểm vuivui.vn của Thế giới di động được thành lập đã từng được gắn vào nhiều kỳ vọng, nhưng đã đóng cửa chỉ sau 2 năm ra đời.
Mới đây nhất, vuivui.vn lại được tập đoàn này hồi sinh nhưng mới chỉ dừng ở thông báo: “Một dự án TMĐT thuộc Tập đoàn Thế giới di động sẽ ra mắt trong năm 2022”. Mọi thứ còn phải chờ và chưa biết vuivui.vn có thể làm nên chuyện gì mới trong cuộc cạnh tranh gay gắt ở sân chơi TMĐT.
Hiện nay nếu xét về sàn TMĐT Việt, chúng ta cũng có 2 cái tên được nhắc đến nhiều là Voso và Postmart, thuộc 2 doanh nghiệp bưu chính lớn là VNPost và Viettel Post. Đây là 2 sàn TMĐT chính tham gia kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh lên các sàn TMĐT (Kế hoạch 1034).
Tuy nhiên ngoài 2 cái tên này, top 4 sàn TMĐT nổi bật là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo cũng không đứng ngoài hành trình hỗ trợ người nông dân đưa hàng lên sàn TMĐT từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Vì lẽ đó vai trò của top 4 kể trên vẫn rất đậm nét trong thị trường TMĐT Việt Nam.
Các sàn TMĐT lớn của NĐTNN hiện vẫn đang đổ tiền vào để chiếm lĩnh thị phần, nếu doanh nghiệp nội không xác định gọi vốn đầu tư sẽ rất khó chen chân vào cuộc chơi này. |