Thủy sản Việt Nam tận dụng từng cơ hội thị trường cuối năm

(ĐTTCO)-Tổng Thư ký VASEP cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp thủy sản là duy trì lực lượng lao động có tay nghề cao, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất cho giai đoạn phục hồi.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ở nhà máy của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cửu Long An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ở nhà máy của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cửu Long An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Qua 8 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn giảm khoảng 25%. Nhưng, những tháng gần đây, xuất khẩu mặt hàng này đã có những dấu hiệu tích cực hơn mặc dù chưa được như kỳ vọng.

Những tháng cuối năm luôn là cơ hội trong xuất khẩu thủy sản nên ngành nông nghiệp luôn bám sát tình hình, chỉ đạo sát sao trong sản xuất để thủy sản Việt Nam có thể tận dụng được từng cơ hội từ các thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 8 tháng 2023, nhóm thủy sản xuất khẩu đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%. Mặc dù còn giảm mạnh song mức giảm này đang có dấu hiệu rút ngắn hơn so với những tháng đầu năm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phân tích tháng 6, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 767 triệu USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tháng 7 đạt 778 triệu USD, giảm 17,5%; tháng 8 ước đạt 846 triệu USD, vẫn giảm hơn 15%, nhưng đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng gần đây.

Điều này cho thấy thị trường sẽ có xu hướng khả quan hơn trong các tháng cuối năm 2023.

Trong tháng 8, xuất khẩu cá tra đã ghi nhận mức sụt giảm ít nhất trong 6 tháng. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu cá tra gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023.

Mới đây, Đoàn thanh tra của Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Dù mới có đánh giá ban đầu, song kết quả thanh tra tích cực một lần nữa khẳng định uy tín và chất lượng cá tra của Việt Nam. Đây sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ trong những tháng tới.

Xuất khẩu mặt hàng tôm tuy chưa đột phá nhưng 3 tháng gần đây có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Sự khởi sắc thể hiện rất rõ rệt ở thị trường Hoa Kỳ, khi mà doanh số tăng liên tục qua các tháng.

Sau khi tăng trưởng âm liên tục trong suốt 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ trong tháng 7 đã ghi nhận mốc tăng trưởng dương đầu tiên với mức tăng 14%.

Hay xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 7 ghi nhận tháng tăng trưởng dương thứ hai, giúp kéo sự sụt giảm xuất khẩu tôm sang thị trường này 7 tháng còn giảm khoảng 9%.

So với tôm và cá tra, xuất khẩu các mặt hàng hải sản giảm nhẹ hơn, với mức giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và duy trì doanh số ổn định qua từng tháng. Những thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU.

Điển hình là mặt hàng cá ngừ sang Hàn Quốc tăng ấn tượng. Tính lũy kế 7 tháng năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 7 triệu USD.

Tuy đã có những tín hiệu khởi sắc hơn ở một số ngành hàng, thị trường, nhưng nhìn lại cho thấy, từ năm 2021 trở lại đây, dịch bệnh COVID, xung đột Nga-Ukraine, lạm phát… khiến cho diễn biến xuất khẩu thủy sản bị xáo trộn, không theo quy luật hàng năm là sẽ tăng cao hơn vào nửa cuối năm, đặc biệt vào giai đoạn quý 3.

Trong bối cảnh đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng doanh nghiệp cần xác định khoảng thời gian khá dài hoạt động cầm chừng.

Mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp hiện nay là duy trì lực lượng lao động có tay nghề cao, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất cho giai đoạn phục hồi.

Trong bối cảnh những thị trường chính sụt giảm sức mua, doanh nghiệp và hiệp hội đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả dư địa của từng thị trường, kể cả thị trường nhỏ.

Điển hình như Hội chợ Thủy sản Quốc tế Vietfish 2023 vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, với hơn 420 gian hàng của hơn 220 doanh nghiệp đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hội chợ đã thu hút hơn 15.000 lượt khách tham quan; trong đó có rất nhiều nhà nhập khẩu và đối tác nước ngoài đến từ các nước.

Về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ngành đã đẩy mạnh phát triển với ba thị trường lớn là châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường tiếp tục triển khai phát triển thị trường Quảng Tây (Trung Quốc) thông qua hoàn thành ký kết ghi nhớ hợp tác về hợp tác phát triển nông nghiệp và thương mại nông sản, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thị trường Vân Nam.

Các chuyên gia dự báo nhu cầu nhập khẩu sản phẩm hải sản của Trung Quốc, cũng như của Nhật Bản sẽ tăng thời gian tới.

Cùng với các thị trường khác thường có nhu cầu cao hơn khi vào dịp Lễ Giáng sinh và năm mới sắp đến nên thời gian tới nhu cầu thủy sản trên thị trường trên thế giới nói chung sẽ tăng.

Hộ nông dân nuôi cá tra thương phẩm ở xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Để nắm bắt cơ hội cho xuất khẩu thủy sản cuối năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Bộ đã phối hợp cùng các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2023, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.

Bởi giá sản phẩm thủy sản hiện tại vẫn đang ở mức thấp, lợi nhuận không nhiều, người dân có tâm lý “treo ao” chờ tín hiệu của thị trường.

Điều này dễ dẫn đến nguy cơ các tháng cuối năm có thể thiếu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến và xuất khẩu, ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023.

Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Thủy sản sắp tới tổ chức hội nghị phát triển thủy sản trong tình hình mới để chủ động nguyên liệu, nắm tốt cơ hội thị trường, làm sao để về đích được 10 tỷ USD trong năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Các tin khác