Với mức tiêu thụ khoảng 120.000 tấn thép không gỉ mỗi năm, ngành sản xuất đồng hồ của Thụy Sỹ là một trong những ngành sử dụng nhiều kim loại nhất châu Âu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này ngày càng chịu áp lực về việc giảm tác động đến môi trường.
Các doanh nhân địa phương đang thiết lập những dây chuyền tái chế để tái sử dụng nguyên liệu thô quý giá này, kể cả trong lĩnh vực sản xuất đồng hồ. Ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ đang chú trọng hơn đến một nền kinh tế tuần hoàn.
Trung tâm tái chế
Reconvilier là một đô thị của bang Bern với khoảng 2.000 dân, là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và các trung tâm tái chế lớn. Precycling, một trung tâm tái chế tại Reconvilier, thoạt nhìn trông giống như nhiều trung tâm khác ở Thụy Sỹ.
Người ta có thể nhìn thấy vỏ của những chiếc ô tô cũ, gỗ, giấy, bìa cứng, chai lọ rỗng, vải vụn và các vật liệu khác đang chờ được chuyển đến các kênh tái chế chuyên dụng. Tại đây cũng tọa lạc một tòa nhà văn phòng hoành tráng.
Với hệ thống an ninh nghiêm ngặt, phòng hội nghị được thiết kế với TV màn hình phẳng lớn - một sự tương phản nổi bật với những hình ảnh thường liên quan đến một kho tái chế. Giám đốc Precycling, Alexandre Haussener, giải thích: “Chúng tôi đã phải điều chỉnh các tiêu chuẩn của mình cho phù hợp với các tiêu chuẩn của lĩnh vực sản xuất đồng hồ".
Bên cạnh các hoạt động tái chế truyền thống, công ty Precycling còn tháo rời hàng trăm nghìn linh kiện đồng hồ - tất nhiên là trong điều kiện bí mật nhất - được thu thập từ khoảng 20 thương hiệu trong khu vực. Đây chủ yếu là những chiếc đồng hồ không bán được hoặc sản phẩm lỗi. Chúng được đưa ra khỏi thị trường để không bị cung cấp cho “thị trường xám” (các hoạt động trao đổi hàng hóa không chính thức, không được ủy quyền và ngoài mong muốn của nhà sản xuất).
Thép tái chế - "vàng đen" của Jura
Trước đây, ngành sản xuất đồng hồ của Thụy Sỹ đối mặt với “cơn ác mộng” về môi trường. Đồng hồ mang ra khỏi thị trường chỉ đơn giản là bị phá hủy. Một báo cáo năm 2018 của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã mô tả các tác động xã hội và môi trường của lĩnh vực sản xuất đồng hồ là “quan trọng hơn nhiều so với những gì người ta thoạt nghĩ”. WWF cho biết nhu cầu của ngành đối với số lượng lớn nguyên liệu thô quý giá, cùng với sự thiếu minh bạch trong quá trình sản xuất đồng hồ, là "cực kỳ đáng lo ngại".
Cho đến một vài năm trước, đồng hồ dư thừa thường bị nghiền nát. Nhưng ở Reconvilier hiện nay, các kim loại khác nhau - vàng, bạc, titan, thép - được tách cẩn thận, thường bằng thủ công, trước khi được cắt nhỏ và tái sử dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau, chủ yếu là sản xuất đồng hồ, vật tư y tế và sản xuất. Một trong những kim loại quý nhất được phục hồi từ đồng hồ là thép. Thép thường được gọi là "vàng đen" của Jura do màu tối của kim loại này.
Thép thu hồi tại Reconvilier - ước tính hơn 20 tấn mỗi tháng - được vận chuyển đến lò nung tại một nhà máy ở vùng Savoie của Pháp. Tại đây, thép được nấu chảy và làm thành các thanh thép có thể gia công trước khi được tái sử dụng.
Thép là nguyên liệu thô được sử dụng nhiều nhất trong ngành sản xuất đồng hồ, với gần 9.000 tấn mỗi năm. Theo Raphael Broye, người sáng lập Panatere - doanh nghiệp thép không gỉ tái chế đầu tiên của Thụy Sỹ đặt mục tiêu giữ thép tái chế ở Thụy Sỹ chứ không xuất sang nước ngoài. Kế hoạch của ông là xây dựng một lò công nghiệp di động, chạy bằng năng lượng Mặt Trời.
Ông Broye cho biết, ông đang liên hệ với các công ty sản xuất đồng hồ lớn, những người quan tâm đến thép tái chế. Trong những thập kỷ tới, việc sản xuất nhiều hơn tại địa phương được coi là trọng tâm chính của ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ.
Tầm quan trọng của yếu tố bền vững
Công ty khởi nghiệp ID Genève Watches gần đây đã ra mắt chiếc đồng hồ đầu tiên được làm từ thép tái chế 100% của Thụy Sỹ. Trong chiến dịch huy động vốn vào tháng 12/2020, 300 sản phẩm của mẫu đồng hồng có tên là “Circular 1” đã bán hết trong vòng chưa đầy 48 giờ.
Có giá 3.500 CHF (3.760 USD) và được dán nhãn “Circular Swiss Made” (tạm dịch “chiếc Circular sản xuất tại Thụy Sỹ”), những chiếc đồng hồ này cũng đi kèm với hộp đựng làm bằng vật liệu tái chế, một bộ chuyển động tự động được cải tạo lại và một dây đeo được làm từ bã nho.
Nhà đồng sáng lập ID Genève Watches, Nicolas Freudiger, cho biết “phần lớn, khách hàng của họ là những người thuộc thế hệ ‘millennials’ (những người sinh khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) - những người muốn thể hiện sự năng động chứ không chỉ đeo một biểu tượng phô trương của sự giàu có".
Ông Freudiger thừa nhận ngày nay, một phần lớn khách hàng truyền thống của ngành đồng hồ Thụy Sỹ, đặc biệt là ở các nước châu Á, vẫn phản đối ý tưởng đeo một chiếc đồng hồ danh giá được làm từ vật liệu tái chế.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả trong phân khúc hạng sang, tính bền vững đang trở thành một yếu tố quan trọng hơn. Một báo cáo được Deloitte công bố vào tháng 6/2021 cho thấy 50% người tiêu dùng hiện đang đề cao tính bền vững trước khi mua đồng hồ.
Tại Reconvilier, Giám đốc Haussener tự tin rằng những luồng gió của ngành đang thay đổi và hy vọng doanh nghiệp của mình sẽ có một tương lai vững chắc. Ông Haussener nói: “Chúng tôi đang hướng tới một ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ sinh thái và bền vững hơn nhiều. Tôi tin rằng thép tái chế sẽ trở thành tiêu chuẩn cho hầu hết các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ trong vòng vài năm tới”.