Nhiều tiềm năng
Trong giai đoạn 2010 - 2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng đạt mức 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hoá. Trong 6 tháng đầu năm, vận tải hành khách đường hàng không đã đạt mức 24,6 triệu lượt khách, tăng 15,2%; vận tải hàng hóa đạt 176.400 tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Năm 2017, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, cùng với đó có 7,5 triệu lượt người Việt Nam du lịch ra nước ngoài và trên 70 triệu lượt người Việt du lịch trong nước. Đa số khách hàng đã lựa chọn hàng không là phương thức di chuyển.
Theo ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright, 20 năm qua, ngành hàng không đã tăng ngoạn mục 16 lần, đặc biệt từ năm 2010 đến nay đã tăng đáng kể, trong khi đó, nhu cầu đường bộ cũng tăng lên rất nhiều. Đặt trong bức tranh toàn cầu, Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao so với thế giới. Việt Nam có thị trường hàng không năng động, mức tăng trưởng ngành hàng không tương đương với Philipines.
Dự báo toàn cầu năm 2036 cho thấy, lượng khách sẽ tăng gấp 2 lần, và tăng trưởng năng động nhất trong 20 năm tới là các nước Châu Á - Thái Bình Dương, đạt 2,1 tỷ người, mức tăng 4,6%/năm.
Đối với Việt Nam, đến năm 2034 dự báo tổng dân số là 105 triệu người, GDP bình quân là 18.000 - 22.000 USD. Cũng theo dự báo, nếu trung bình các nước có thu nhập 18.000 – 24.000 USD thì khách hàng không sẽ đạt 58 triệu hành khách/năm. Còn nếu thu nhập tương đương với Thái Lan hiện tại thì khách hàng không có thể lên đến 110 triệu người.
Ngành hàng không có tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế nói chung, đối với ngành du lịch, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nếu Việt Nam có thể đạt được mức khách hàng so với dân số như Thái Lan thì tiềm năng của ngành hàng không còn rất lớn.
Thách thức và cách thức phát triển cơ sở hạ tầng, tác động lan tỏa của ngành hàng không là rất lớn. Cũng theo ông Huỳnh Thế Du, việc phát huy vai trò của tư nhân, ví dụ kế hoạch của Bamboo Airways là kịch bản tốt cho sự cạnh tranh phát triển ngành hàng không.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), chia sẻ, theo quy hoạch trước đây, đến năm 2020, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt 10,5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng trên thực tế đến năm 2017, con số này đã đạt 13 triệu khách và năm 2020 có thể đạt 21 triệu khách. Tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam đang rất cần đến lực lượng phương tiện cả đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy. Trong đó khách đến bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Có nhiều đường bay mở ra, chuyến bay nối chuyến mang lượng khách lớn đến Việt Nam, các hãng lữ hành lớn trên thế giới đều có đội máy bay riêng phục vụ cho cho các điểm đến.
Sự đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam trong đó có FLC mang đến sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, tạo ra hạ tầng phục vụ không chỉ khách nội địa mà còn cả khách quốc tế, tăng sức hấp dẫn, đáp ứng tăng trưởng của lượng khách thời gian qua.
Với sự đầu tư hiện nay, lượng khách sắp tới đến Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn.
“Hiện thu nhập người dân Việt Nam đã tăng cao, nhu cầu du lịch lớn, các khu như FLC Sầm Sơn đều quá tải vào cuối tuần đã cho thấy sự gia tăng du lịch nội địa là rất cao. Chính vì vậy cùng với phát triển khách quốc tế, chúng tôi cũng hướng các địa phương tăng trưởng vào du lịch nội địa, thu hút khách nội địa”, ông Phương nói.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, riêng du lịch đã đóng góp 15% vào GDP toàn tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến 12 triệu khách đến Quảng Ninh, trong đó lượng khách nước ngoài là 5 triệu khách.
Khi sân bay Vân Đồn được đưa vào khai thác và kết hợp với các hãng bay, hãng lữ hành, đặc biệt là sự ra đời của Bamboo Airways, Quảng Ninh kỳ vọng lượng khách sẽ tăng lên.
Ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TPHCM, chia sẻ, ngành hàng không có tác động lớn đến nền kinh tế. Bình quân khách hàng không nội địa đóng góp cho phát triển kinh tế là 100 USD, 1.000 khách nội địa đóng góp 1 tỷ USD cho nền kinh tế còn khách quốc tế là 500 USD, 200 triệu khách quốc tế đóng góp 10 tỷ USD cho kinh tế. Do đó, Nhà nước cần phải có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư phát triển hàng không. Đặc biệt là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia. Đây cũng là xu hướng trên thế giới khi có 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân, và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế.
Cơ hội nào cho Bamboo Airways?
Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, tháng 3-2018, FLC mua 24 máy bay Airbus, tháng 6-2018 mua 20 máy bay Boeing 787 đường dài để bay châu Âu và Mỹ. FLC đã ký với 2 hãng hàng không ký thỏa thuận và thanh toán tiền. Bàn giao sớm nhất nếu không thay đổi là tháng 1-2020 đối với Airbus và có thể giao sớm hớn nếu điều kiện cho phép. FLC đã chuẩn bị 4 năm cho sự ra đời này và quyết liệt 2 năm trở lại đây cả về nhân sự, tài chính.
“Về câu hỏi có mạo hiểm không? Câu trả lời là chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ. Đến năm 2019 -2020, FLC có trên 20 quần thể nghỉ dưỡng và Bamboo Airways có đường hướng riêng để phát triển. Hạ tầng du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng đã mang lại hiệu quả cho hãng khác thì không có lý do gì để FLC không hiệu quả. Ví dụ nếu nghỉ ở Thanh Hóa, thì từ Sài Gòn ra chúng tôi chỉ tính tiền phòng, không tính tiền vé”, ông Quyết nói.
Về vấn đề quản trị, theo ông Quyết, FLC cần tuyển 600 người cho hãng hàng không Bamboo và cho đến nay đã tuyển được 300 người. Việc tuyển dụng cho Bamboo, điều kiện tiên quyết phải nói được ngoại ngữ, trong hãng, các cuộc giao ban đều phải nói được bằng tiếng Anh. Cán bộ chủ chốt của Bamboo đều là người nước ngoài, tiếp viên trưởng phó đều là người nước ngoài có nhiều năm kinh nghiệm. Hãng hàng không 5 sao, nhưng giá vé chưa đến 1 sao.
Nếu Bamboo Airways ra đời, quản trị của chúng tôi sẵn sàng sánh ngang các hãng lớn trên thế giới. Tuyến đầu tiên mà Bamboo Airways dự kiến khai thác là Sài Gòn - Quy Nhơn hoặc Hà Nội - Quy Nhơn, sau đó có thể là Vân Đồn - Quảng Bình, Vân Đồn - Quy Nhơn, hoặc Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Cần Thơ... Hãng sẽ ưu tiên các đường bay phục vụ trong nước mà các hãng hàng không khác chưa ưu tiên.
Người đứng đầu FLC chia sẻ quan điểm, chặng bay Thanh Hóa - Quy Nhơn có nhiều tiềm năng; những tuyến bay như Thanh Hóa - Cần Thơ hoặc Thanh Hóa - TPHCM đương nhiên cũng là đường bay vàng. Ví dụ như TPHCM - Thanh Hóa, chỉ tính riêng khu nghỉ dưỡng FLC Thanh Hóa đã có 5.000 người. Ngày thường, mùa cao điểm cũng kín hết phòng; thứ 7, chủ nhật lên đến hơn 6.000 người. Với một lượng người bình quân 5.000 người mùa cao điểm thì 10 ngày đã 50.000 người. Vì thế, tiềm năng của Thanh Hóa là rất lớn.
Còn theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways, trong đề án thành lập, hãng đã nói rất rõ kế hoạch để không gây áp lực đến các sân bay. Hiện sự tắc nghẽn lớn chỉ ở sân bay Hà Nội và TPHCM, các sân bay khác vẫn còn dư địa. Chiến lược của hãng là tập trung phát triển gắn liền với du lịch, nên đưa ra các chuyến bay không ảnh hưởng đến hạ tầng của Hà Nội, TP HCM.
“Chúng tôi sẽ khai thác các tuyến bay mà các hãng khác không khai thác, để khách hàng không mất thời gian, chi phí trung chuyển mà có thể đến thẳng các địa điểm du lịch tiềm năng của Việt Nam. Đây là chiến lược mà chúng tôi sẽ bám chắc, và là lý do vì sao mà chúng tôi lại được cấp phép”, ông Thắng nói.