Xuất nhập khẩu là một điểm sáng nổi bật của năm 2022 khi Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 732 tỷ USD, mức xuất siêu đạt hơn 11 tỷ USD với hàng chục mặt hàng xuất khẩu tỷ USD. Ngành Công Thương đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 tới sẽ tăng 6%.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề cập tới nhiều giải pháp cho mục tiêu này, trong đó tiếp tục tận dụng, phát huy các FTA thế hệ mới.
- Bước sang năm mới 2023, Bộ trưởng có những nhận định, đánh giá như thế nào để đạt được mục tiêu nói trên, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Để tiếp tục thúc đẩy xuất nhập khẩu phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ giải pháp, chủ yếu là chủ động rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đang ký kết; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, ưu tiên nguồn lực cho phát triển thương mại điện tử góp phần phát triển chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ các địa phương doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập vào các thị trường mới; cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.
Vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thực thi các Hiệp định Tự do thương mại (FTA) thế hệ mới của Việt Nam trong năm vừa qua và nó sẽ tác động, hỗ trợ gì cho chúng ta trong năm tới 2023?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thành tích về kinh ngạch xuất nhập khẩu và duy trì xuất siêu trong năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ của các FTA thế hệ mới. Cụ thể xuất siêu sang các thị trường năm 2022 ước đạt trên 30 tỷ USD, tức không có thị trường FTA thế hệ mới chúng ta đã nhập siêu mà không phải xuất siêu. Đây là các thị trường khó tính nên việc hàng hóa của ta tìm được chỗ đứng đã cho thấy năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp đã có những bước cải thiện giúp cho Việt Nam từng bước khai thác hiệu quả hơn các FTA thế hệ mới.
Việc tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới cũng là bước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia, khu vực.
Theo dự báo các khó khăn của kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài sang năm 2023. Để tiếp tục phát huy vai trò của các FTA thế hệ mới trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chú trọng triển khai một số nhiệm vụ cụ thể đó là: Chủ động tham mưu với Chính phủ xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương mới của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặc biệt là tranh thủ quan hệ trong các FTA để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng và một số ngành mang tính đột phá; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và hệ thống thương vụ Việt Nam ở ngoài nước tiếp tục tăng cường theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới và khu vực; chủ động đánh giá tác động đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới.
Tiếp tục công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng tong thương mại quốc tế. Chú trọng việc hội nhập ở cấp độ địa phương, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường thế giới.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!