Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của một số Bộ, ngành, địa phương, từ năm 2008 đến năm 2012, số tiền tiết kiệm được qua việc mua sắm tài sản tập trung là trên 467 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền tiết kiệm được qua việc mua sắm tài sản tập trung trong 6 tháng đầu năm 2012 là 5,2 tỷ đồng. Các năm trước đó, số liệu này lần lượt là: 2008 tiết kiệm được 66,5 tỷ đồng; năm 2009 là 109,3 tỷ đồng; năm 2010 là 21,2 tỷ đồng; năm 2011 là 266,5 tỷ đồng.
Thực tế là sau 5 năm thực hiện mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung, công tác này đang ngày càng được đẩy mạnh, hoàn thiện và mở rộng hơn về quy mô và đối tượng.
Trước đây, tài sản mua sắm tập trung chủ yếu là các trang thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục, trang thiết bị y tế, tin học.
Đến nay nhiều loại tài sản khác đã được thực hiện mua sắm tập trung, như xe ô tô, phương tiện vận tải chuyên dùng, máy soi container, máy đo CO2, N2, tem thuốc lá, dịch vụ bảo hiểm tài sản, thiết bị an toàn kho quỹ, phương tiện của lực lượng bảo vệ, đồ dùng cho công tác đối ngoại, lễ tân của nhà nước, các công cụ, phương tiện hỗ trợ công tác thi hành án...
Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện mua sắm tài sản tập trung đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức của các cơ quan, đơn vị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là việc trang bị thiết bị công nghệ thông tin, trang thiết bị chuyên dùng trong ngành: Kho bạc Nhà nước, Hải quan, Dự trữ Nhà nước, Ngoại giao, Toà án, Kiểm sát, Y tế, Giáo dục...
Cũng từ việc thực hiện mua sắm tài sản tập trung, các Bộ, ngành, địa phương có điều kiện rà soát, điều chuyển, bố trí sử dụng có hiệu quả tài sản giữa các cơ quan, đơn vị khi cần phải xử lý; các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản không mất nhiều thời gian cho việc mua sắm tài sản, dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn của đơn vị mình.