Ý tưởng cách mạng
Sinh ra ở London ngày 8-6-1955, Berners-Lee là hiện thân của kỷ nguyên máy tính. Cha mẹ ông gặp gỡ nhau khi cùng tham gia chế tạo chiếc máy tính thương mại đầu tiên, Ferranti Mark I. Họ đã dạy con phải tư duy một cách khác thường. Berners-Lee đã chơi đố với các con số bên bàn ăn sáng, thí dụ căn bậc 2 của -4 là bao nhiêu?
Cậu bé đã tạo ra chiếc máy tính giả bằng những hộp thẻ và băng giấy đục lỗ. Lớn lên, Berners-Lee học vật lý tại Đại học Oxford từ năm 1973-1976. Tại Trường Oxford, ông đã chế ra chiếc máy tính điện tử của mình từ những bộ phận vứt bỏ của máy truyền hình.
Sau khi ra trường, Berners-Lee làm việc cho một số công ty ở Dorset cho đến năm 1980, khi ông tìm được công việc là nhà thầu độc lập tại CERN ở Geneva, Thụy Sĩ, nơi ông lần đầu tiên đề xuất một dự án dựa trên khái niệm siêu văn bản (HTML).
Ông trở lại Dorset vào cuối năm 1980 trước khi gia nhập CERN với tư cách là thành viên vào năm 1984. Và chính tại CERN vào năm 1989, ông lần đầu tiên đề xuất “ý tưởng lớn” của mình là tạo ra một ngôn ngữ chung có thể mở các siêu liên kết giữa các mạng khác nhau. Đề xuất ban đầu của ông là tạo ra hệ thống cho phép đồng nghiệp ở CERN chia sẻ thông tin.
Từ hàng vạn nối kết internet, Tim Berners-Lee đã cho ra đời World Wide Web và hình thành nên truyền thông đại chúng của thế kỷ 21.
Dự án phải mất vài năm mới được đưa lên mạng, nhưng trang web và máy chủ web đầu tiên, info.cern.ch, được đưa lên mạng vào ngày 6-8-1991 và địa chỉ trang web đầu tiên là http://info.cern.ch/hypertext/WWW/TheProject.html.
Năm 1993 phần mềm World Wide Web được cấp giấy phép mở, khiến nó trở nên miễn phí cho mọi người. Berners-Lee đã thành lập World Wide Web Consortium vào năm 1994 và quyết định cung cấp Web miễn phí. Kể từ khi tạo ra bước ngoặt quan trọng của mình, Berners-Lee đã làm việc với Chính phủ để làm dữ liệu trở nên dễ tiếp cận và cởi mở hơn, đồng thời thành lập Quỹ World Wide Web vào năm 2009. Ông cũng đồng sáng lập Viện Dữ liệu mở, đang hợp tác với Liên minh Internet giá cả phải chăng để thu hút nhiều người trên khắp thế giới trực tuyến, và là trưởng dự án phân cấp web Solid.
Sir Tim Berners-Lee giàu hay nghèo?
Các báo cáo về sự giàu có của Berners-Lee rất khác nhau, nhưng có thể nói ông không nghèo. The Wealth Record nói giá trị tài sản ròng của ông là 60 triệu USD. Theo The Richest, tài sản cá nhân của Berners-Lee trị giá 50 triệu USD, trong khi Celebrity Net Worth cho rằng ông có tài sản trị giá 10 triệu USD.
Nhưng so với những người khác tham gia sớm vào lĩnh vực web, thực sự ông chỉ đáng gọi là người nghèo. Marc Andreessen, người từng tham gia xây dựng phần mềm duyệt Web phổ cập đầu tiên mang tên Mosaic (không giống browser của Berners - Lee ở chỗ đưa hình ảnh và văn bản vào cùng một vị trí), đã dấn tới trở thành người đồng sáng lập Công ty Netscape, và cũng là tỷ phú đầu tiên trong lĩnh vực web.
Sở dĩ Berners-Lee có tài sản khiêm tốn như vậy vì ông luôn chọn con đường ít sinh lợi nhất từ các phát minh của mình. Đầu tiên, sau khi phát minh Web ông đã chuyển sang công việc hành chính và nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Từ văn phòng của mình ở MIT, ông điều hành tổ hợp W3, bộ phận lập tiêu chuẩn hỗ trợ cho Netscape, Microsoft và bất cứ công ty nào khác chấp nhận phổ biến rộng rãi phát minh của ông, thay vì giữ nó làm của riêng.
Trong khi cả thế giới lao vào kiếm tiền từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của web, Berners-Lee vẫn hài lòng lao động lặng lẽ ở hậu trường, với niềm tin tất cả môi người sẽ tiếp nối những gì ông khởi xướng
Hiện nay, Berners-Lee là người lớn tiếng ủng hộ khái niệm trung lập mạng và internet miễn phí. Nói với tờ Standard gần đây, ông cho biết cảm thấy không thoải mái khi khái niệm internet miễn phí đang bị các công ty lớn đe dọa. “Tôi từng nói rằng hoặc là chính phủ kiểm soát internet ở các nước như Trung Quốc, hoặc các công ty lớn kiểm soát internet ở các nước như Mỹ. Mối đe dọa lớn nhất là bất kỳ lực lượng lớn mạnh nào có thể chiếm lấy internet" - Berners-Lee nói.
Một trong những ý tưởng của ông là internet “phi tập trung” - một mạng tổ ong nơi không ai có quyền kiểm soát tổng thể và tin rằng sự độc quyền là nguy hiểm. Ông cũng cảnh giác với lượng dữ liệu và thông tin riêng tư mọi người chia sẻ trực tuyến, cũng như việc Web bị các công ty lạm dụng. Ông cũng cho biết tác động của tin giả ngày càng đáng lo ngại, đồng thời tiết lộ kế hoạch giải quyết vấn đề quảng cáo chính trị "phi đạo đức" và thu thập dữ liệu.
Vinh danh
Berners-Lee đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu. Ông được phong tước Hiệp sĩ vào năm 2004, khi được thăng cấp từ bậc Sĩ quan của Tước vị Hiệp sĩ Đế quốc Anh lên Chỉ huy Hiệp sĩ của Tước vị Hiệp sĩ Đế quốc Anh, trong dịp Vinh danh mừng Năm mới "vì những phụng sự cho quá trình phát triển toàn cầu của internet", và được bổ nhiệm chính thức vào ngày 16-7-2004.
Ngày 13-6-2007, ông được bổ nhiệm Huân chương Công lao (Order of Merit - OM), một tước vị giới hạn trong 24 thành viên. Việc ban cho tư cách thành viên của Huân chương Công lao nằm trong quyền hạn cá nhân của Nữ hoàng, không cần đề nghị của các Bộ trưởng hoặc Thủ tướng. Ông được bầu làm Ủy viên Hội hoàng gia năm 2001. Ông đã được trao bằng danh dự từ một số trường đại học trên thế giới, trong đó có Manchester, Harvard và Yale.
Năm 2012, Berners-Lee là một trong những biểu tượng văn hóa Anh được lựa chọn bởi nghệ sĩ Sir Peter Blake để xuất hiện trong một phiên bản mới của tác phẩm nổi tiếng nhất của ông - bìa album Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band của The Beatles - nhằm tán dương các nhân vật văn hóa Anh. Ngày 4-4-2017, Hiệp hội Máy tính đã xướng tên Berners-Lee là chủ nhân của Giải thưởng Turing năm 2016 "vì đã phát minh ra World Wide Web, trình duyệt web đầu tiên, và các giao thức và thuật toán cơ bản cho phép Web có thể mở rộng quy mô".
Berners-Lee đã kết hôn với Nancy Carlson năm 1990, họ có với nhau 2 con trước khi ly hôn vào năm 2011. Năm 2014, Berners-Lee kết hôn với Rosemary Leith, Giám đốc của Quỹ World Wide Web và là thành viên của Trung tâm Berkman ở Đại học Harvard.