Mặc dù mới phát động nhưng cũng nhận được sự hưởng ứng của người dân, và đây đó bắt đầu xuất hiện những vạt trầu nhỏ nhỏ xanh mướt.
Đối với người cao tuổi sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này quả thật đây là tin vui, như bà Bảy nói: “Tôi sống ở xã Bà Điểm từ nhỏ nên hình ảnh cây cau, dây trầu ăn sâu trong tiềm thức. Buồn là diện tích trồng trầu, cau ngày càng thu hẹp. Tôi chỉ sợ sắp nhỏ sau này không còn thấy cây cau, dây trầu ngay trên quê hương 18 thôn vườn trầu”.
TPHCM được cấu thành bởi nhiều nhóm dân cư khác nhau với nhiều khu vực văn hóa khác nhau. Trung tâm quận 1, 3 mang dấu ấn của kiến trúc Pháp và văn hóa Tây Âu. Các quận 5, 6, 8 và 11 mang đậm dấu ấn của người Hoa trong kiến trúc, đời sống và văn hóa thương mại. Khu vực Tân Bình, Bình Thạnh (Gia Định cũ) mang dấu ấn của người Việt di cư 1954 và người miền Trung.
Phía Tây Bắc, Đông Bắc TPHCM (Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức) là văn hóa nông nghiệp trồng rau trái. Phía Nam (Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) mang văn hóa của người dân trồng lúa nước và đánh bắt cá, tôm. Ngoài ra còn các khu vực cư trú của người Khmer và người Chăm theo đạo Hồi (có 15 quần cư xung quanh các thánh thất Hồi giáo).
Cách nay chừng 20 năm, những khu vực mang nét văn hóa riêng biệt này rất đậm nét và dễ nhận ra. Nhưng sau hơn 20 năm đô thị hóa, các quận bắt đầu na ná nhau, đâu cũng nhà cao tầng, nhà bọc kính. Thủ Đức nổi tiếng với các vườn mai nay không tìm thấy bóng dáng đâu nữa. Các làng nghề nổi tiếng như đúc đồng ở Gò Vấp, đan lát ở Củ Chi cũng chịu chung số phận.
Đặc biệt, Hóc Môn từng là vùng văn hóa Nam bộ điển hình, từng tràn ngập màu xanh của những vườn trầu, vườn cây ăn trái, vườn rau, những hàng cây cau, cây tầm vông thẳng tắp. Đây là nơi có nhiều nhà kiểu Nam bộ nhất với 2 loại nhà chữ đinh và nhà vuông.
Những nhà 3 gian 2 chái kiểu chữ đinh thường nằm trong không gian xanh, được bao bọc bởi những hàng rào cây xanh cao ngang ngực, phía trước nhà là vườn trầu với những hàng cau cao vút. Còn nhà vuông là nơi thờ vị Tiên sư - người được coi là bậc tiên hiền bảo trợ cho từng ấp - và cũng được coi là nhà cộng đồng.
Hóc Môn cũng nổi danh là nơi có nhiều đình, chùa, miếu nhất Đông Nam bộ. Các đình ở Hóc Môn là nơi thờ Thần Hoàng có tuổi đời hơn trăm năm, với thiết kế kiến trúc độc đáo như đình Tân Thới Nhất, đình Bình Lý, đình Tân Đông (xã Đông Thạnh), đình Mỹ Hòa (xã Tân Xuân), đình Xuân Thới Thượng, đình Hòa Bình (xã Xuân Thới Sơn). Từ năm 1995 quá trình đô thị hóa đã làm vùng văn hóa Nam bộ này bị biến dạng hoàn toàn.
Các vườn trầu cau, hoa trái không còn nữa một phần vì người trẻ không ăn trầu, phần khác đất chuyển đổi thành các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, các loại nhà chữ đinh, nhà vuông chuyển thành nhà ống mặt phố, mảng xanh giảm đi rõ rệt.
Có một thực tế, khi quy hoạch đô thị, chúng ta quá thiên về khía cạnh kỹ thuật mà quên mất khía cạnh văn hóa-xã hội. Kiểu đô thị hóa lan tỏa từ một trung tâm theo các trục lộ đã làm mất đi bản sắc văn hóa của khu vực. Các nước phát triển khi tiến hành đô thị hóa họ dành sự ưu tiên thích đáng, để làm sao chuyển từ nông thôn sang đô thị vẫn giữ được bản sắc và sự đa dạng xã hội của các vùng văn hóa.
Người viết bài này đã nhiều lần đến lãnh thổ Đài Loan và có thời gian dài nghiên cứu về mô hình đô thị hóa nông thôn ở đảo quốc này. Thủ đô Đài Bắc là thí dụ thành công của việc quy hoạch không gian trên cơ sở của phân vùng văn hóa. Trong vùng đô thị Đài Bắc (2.400km2) có rất nhiều huyện (thí dụ huyện Đào Viên) và làng nông nghiệp trồng lúa nước, làng trồng cây ăn trái, làng sản xuất đồ thủ công.
Những làng này vẫn giữ nguyên được các nét văn hóa truyền thống của cha ông trong đời sống hàng ngày, các hoạt động lễ hội, đời sống tinh thần và tổ chức vật chất tín ngưỡng (đình, chùa, miếu) nương vào nhau một cách nhuần nhị, không khiên cưỡng.
Sau khi mở rộng diện tích năm 2008, Hà Nội bắt đầu chuyển dần từ đô thị hóa theo chiều rộng sang đô thị hóa theo chiều sâu, chú trọng hơn đến các lĩnh vực văn hóa và xã hội. Có thể nói, dù còn nhiều điều chưa hài lòng, nhưng so với cả nước Hà Nội được coi thành công trong việc phát triển văn hóa và xã hội. Hà Nội lên kế hoạch giữ gìn 3 vùng văn hóa. Vùng văn hóa thứ nhất là Hà Nội cũ (gồm 10 quận nội thành trước 2008).
Đây là vùng văn hóa được hình thành từ lâu, chịu ảnh hưởng của các văn hóa được tiếp biến từ bên ngoài (chủ yếu là Pháp), với mức độ văn minh khá cao. Văn hóa của vùng trung tâm này còn được hình thành từ các vùng miền khác nhau bởi những người nhập cư nên cũng rất đa dạng. Vùng thứ 2 là văn hóa về phía Tây và Bắc của Hà Nội. Đây là vùng văn hóa mang đặc trưng của trung du (bán sơn bán địa) và chịu ảnh hưởng của văn hóa vùng núi cao.
Vùng văn hóa thứ 3 ở phía Đông và Nam của Hà Nội. Đây là vùng văn hóa đồng bằng châu thổ sông Hồng, điển hình của văn minh lúa nước, chịu ảnh hưởng của văn hóa biển. Mặc dù mỗi vùng có hiện tượng văn hóa giao thoa và chồng lấn nhau, ảnh hưởng qua lại, nhưng chúng cũng có những dấu ấn văn hóa và định dạng riêng.
Một thí dụ, tỉnh Hà Tây sáp nhập có trên 200 làng nghề truyền thống, trong đó nổi tiếng như làng lụa Vạn Phúc, làng thêu Quất Động, làng tò he Xuân La, làng mộc Chàng Sơn, làng sơn mài Duyên Thái… Hà Tây cũng có hơn 100 lễ hội từ cấp quốc gia, tỉnh thành, làng, dòng họ, trong đó những lễ hội nổi tiếng như chùa Hương, chùa Thầy, hát Du… Có thể nói Hà Tây là một trong số vùng văn hóa mang đậm tính chất nông nghiệp Bắc bộ và truyền thống làng xã nhất cả nước.
TPHCM còn 5 huyện ngoại thành, dù đã hao hụt, nhưng rõ ràng Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ là nơi còn lưu giữ được văn hóa truyền thống của từng vùng đất. Do vậy, việc định hướng phát triển 3 huyện này thành TP trực thuộc TPHCM cần cẩn trọng, cân nhắc được-mất.