Bỏ quên “miếng bánh” Halal
Theo số liệu từ Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), số lượng người Hồi giáo trên toàn thế giới là 1,6 tỷ người. Theo đó, ngành công nghiệp Halal (tức ngành cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) đang phát triển mạnh trên thế giới, có giá trị 2.300 tỷ USD doanh thu mỗi năm, thu hút không chỉ các nước Hồi giáo mà cả các nước không có người Hồi giáo tham gia. Tại khu vực ASEAN, 1/2 dân số là người Hồi giáo, công nghiệp Halal thực sự trở thành ngành còn nhiều tiềm năng và đang tiếp tục phát triển.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Trưởng bộ phận marketing Văn phòng chứng nhận Halal cho biết, thị trường Hồi giáo có sức mua lớn và có nhu cầu cao với các sản phẩm của Việt Nam như nông sản và thủy sản, họ cũng sẵn sàng chi trả chi phí cao để mua các sản phẩm/dịch vụ Halal. Đặc biệt thị trường này không có nhiều các rào cản kỹ thuật và thuế quan. Thế nhưng, để vào được sản phẩm cần đạt được chứng nhận Halal. Một quan điểm sai lầm vẫn thường được truyền tai nhau là thực phẩm Halal đơn giản, chỉ cần không có thịt lợn. Thực tế, thực phẩm Halal bao gồm cả việc áp dụng các quy trình liên quan đến việc giết mổ, xử lý, chế biến, các loại gia súc, gia cầm khác như gà, vịt, bò, dê, cừu và cả hải sản…
Thí dụ, nhiều người cho rằng hải sản mặc nhiên là thực phẩm Halal, nhưng nếu người nuôi hải sản bằng thức ăn không phải Halal, điều này có nghĩa các sản phẩm tạo ra không phải thực phẩm Halal. Đây cũng chính là lý do các DN Malaysia không nhập khẩu hải sản của Việt Nam, cho dù đây là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và Malaysia là đất nước tiêu thụ hải sản rất nhiều. Ngoài ra, trong quá trình chế biến, quản lý phải có sự tách biệt giữa sản phẩm Halal và không Halal.
Những nhà hàng, quán ăn, hàng rong đều dán dấu "Halal" để phục vụ người theo đạo Hồi.
Dưới góc nhìn của một người đang làm cố vấn nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia, bà Nguyễn Phi Vân cho rằng, thị trường thực phẩm cho người Hồi giáo hiện nay là mảnh đất rất màu mỡ mà các DN Việt cần quan tâm. Theo bà Vân, DN cần thay đổi tư duy bán cái đang có thành bán những sản phẩm phù hợp với thị trường mà mình muốn đến. Hiện nay tại ASEAN khu vực theo đạo Hồi nhiều nhất là Indonesia, nhưng vào thị trường này không dễ, vì có rất nhiều rào cản về pháp lý, nhập khẩu, nên xin phép rất khó khăn…
Do đó, DN Việt nên vào Malaysia trước làm "bàn đạp" để qua các thị trường khác như Myanmar, Brunei và sau đó là ảnh hưởng đến Indonesia.
Hiện có nhiều tổ chức cung cấp chứng nhận Halal tại Việt Nam, nhưng không xác định được tổ chức nào được công nhận giấy phép, giấy phép có phù hợp với các thị trường hay không. Bởi thực tế đã có DN lấy được chứng nhận Halal, nhưng khi xuất khẩu bị trả về do chứng nhận không phù hợp. Vì lẽ đó, để DN có thể vào thị trường này, không chỉ cần nỗ lực của riêng DN mà còn có sự trợ giúp của cơ quan chức năng.
Ngắm Trung Quốc ở phân khúc trung - cao
Ngắm Trung Quốc ở phân khúc trung - cao
Cũng giống như thị trường ASEAN, Trung Quốc cũng là một thị trường rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 11 tháng năm 2018 kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc hơn 38,1 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ, cao hơn rất nhiều so với mức xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang các thị trường khác. Các mặt hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh và đạt giá trị trên 1 tỷ USD như rau quả, cao su, xơ sợi dệt các loại, hàng dệt may…
Chia sẻ với ĐTTC, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng nông dân cũng như DN Việt Nam nên thay đổi suy nghĩ xuất khẩu sang Trung Quốc là chọn phân khúc dễ tính, giá thấp, mà hãy chọn những phân khúc khó tính của giới trung lưu, đây là phân khúc hết sức tiềm năng và lợi nhuận không thua gì khi xuất đi các thị trường khó tính, đó là chưa kể lợi thế Việt Nam rất gần Trung Quốc, nên chi phí vận chuyển cũng rẻ hơn. Chuối của Huy Long An cũng đang đi vào phân khúc này.
Đồng quan điểm này, ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc Công ty tư vấn XNK Toàn Cầu, cũng cho rằng thị trường dễ tính nhất cũng đang không còn dễ nữa, nếu chúng ta không chịu thay đổi suy nghĩ cũng như cách thức làm ăn lâu nay thì cánh cửa vào thị trường này cũng dần khép lại.
Hiện Trung Quốc đang trở thành một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Mới đây, một số địa phương của Trung Quốc đã đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch.
Theo lời khuyên của ông Ngô Tuấn, tất cả các DN và cá nhân không nên sản xuất và bán các sản phẩm chất lượng kém vì lợi ích trước mắt mà nên có tầm nhìn lâu dài nhằm bảo vệ uy tín chung của ngành thậm chí cả các sản phẩm của Việt Nam.
Nên nghiên cứu thiết kế bao bì riêng cho thị trường Trung Quốc, trong đó ưu tiên thông tin trên bao bì bằng tiếng Trung. Đặc biệt, DN nên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm thương mại, các đoàn khảo sát thị trường để tìm kiếm các hội chợ xuất khẩu tiềm năng. Chỉ khi có thương hiệu chúng ta mới có thể nhắm đến phân khúc trung – cao cấp đầy tiềm năng ở thị trường này.
Trong 15 năm tới các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ vượt qua 30.000 tỷ USD và đây cũng được xem là cơ hội tốt cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, lâu nay DN Việt Nam vẫn quen với khái niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, đồng thời duy trì thói quen xuất khẩu qua các kênh thương mại không chính thức nên tăng độ rủi ro, khó tiếp cận thông tin, thiếu hiểu biết về các quy định cũng như yêu cầu của thị trường. Ông Ngô Tuấn, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam |