![]() |
Từ đầu năm đến nay đã diễn ra hàng chục cuộc họp, tham vấn, hội thảo bàn cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Có lẽ, chưa khi nào cùng một chủ đề lại nhận được sự quan tâm của xã hội nhiều như vậy.
Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra nhưng một số chuyên gia nhận định những “liều thuốc” đang áp dụng chưa đủ mạnh để “cấp cứu” được tình trạng khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.
Mô tả tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng thanh khoản khó khăn trong nền kinh tế không còn đơn thuần ở khía cạnh khó khăn “thanh khoản của các NH”, bao gồm sự thiếu hụt thanh khoản của các NH hay doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do lãi suất tín dụng cao.
Hiện nay, tình trạng khó khăn thanh khoản của nền kinh tế gia tăng một phần do nhiều doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ vốn vay dù các NH đã cải thiện khả năng cung ứng và lãi suất có xu hướng hạ một cách chắc chắn, tuy còn chậm.
Có nghĩa khi khó khăn thanh khoản của hệ thống NH bắt đầu được hóa giải thì dòng lưu chuyển vốn tiếp sức cấp cứu cho các doanh nghiệp vẫn bị cản trở mạnh. Nguyên nhân không chỉ ở sự đình trệ mà còn do lạm phát. Lâm vào tình trạng đình trệ, các doanh nghiệp khó tiêu thụ sản phẩm, dẫn tới không trả nợ kịp thời cho các NH.
Nợ xấu của doanh nghiệp tăng nhanh (vì lãi suất vay cao, thời hạn nợ đọng kéo dài), NH không thể cho doanh nghiệp vay thêm. Doanh nghiệp không bán được hàng nên cũng không có nhu cầu vay vốn để sản xuất.
Để cứu doanh nghiệp theo chúng tôi, việc đầu tiên là phải hạ lãi suất tiền vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các NHTM; có thêm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho.
Bên cạnh đó tạm dừng việc thu các loại phí mới và sẽ phát sinh như phí bảo trì đường bộ (đã ban hành), phí hạn chế phương tiện (đang đề xuất). Mạnh dạn miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 để kích thích tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng cho sản xuất và giúp các doanh nghiệp bảo toàn vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần thường xuyên theo dõi “sức khỏe” của doanh nghiệp, không nên để sắp “chết” mới vội vàng tìm thuốc cứu.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, một trong những hướng đi quan trọng hiện nay là phải tự tái cấu trúc để xác định đâu là thế mạnh, đâu là điểm yếu từ đó điều chỉnh và tiếp tục phát triển. Doanh nghiệp cần gia tăng năng lực quản trị bởi nguy cơ thua lỗ, nợ nần và phá sản có thể xảy ra với bất cứ doanh nghiệp nào nếu vấn đề quản trị không được thực hiện nghiêm túc.
Do vậy, doanh nghiệp cần hoàn thiện tổ chức và hệ thống thông qua tái cấu trúc, cắt giảm những phần không hiệu quả. Với việc tái cơ cấu, doanh nghiệp cần xác định chiến lược sản phẩm gắn với việc lựa chọn thị trường mục tiêu và lập kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh như: áp dụng công nghệ sản xuất mới và công nghệ quản lý mới; phát triển nguồn nhân lực; thay đổi cấu trúc tổ chức phù hợp với sự thay đổi công nghệ và thị trường; phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Một điểm quan trọng khác theo tôi doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện liên kết chiến lược. Đây là giải pháp hữu hiệu được nhiều doanh nghiệp áp dụng bởi thông qua liên kết có thể khai thác được những giá trị gia tăng của nhau, đồng thời tạo ra liên minh chống lại áp lực của khủng hoảng. Với tốc độ phát triển hoạt động marketing và nghiên cứu thị trường như hiện tại, các doanh nghiệp có thể dễ dàng đưa ra các tiêu chí hợp tác chiến lược.
Tuy nhiên việc lựa chọn phương án liên kết không phải dễ dàng đối với chủ doanh nghiệp, đặc biệt khi văn hóa phát mại, phá sản, sáp nhập, mua lại, tái cấu trúc chưa được phổ biến trong cộng đồng doanh nhân.