Kế hoạch TTTD khủng
Kết thúc năm 2018, VIB đạt 2.741 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 95% so với năm 2017. Mức tăng đột biến này có sự đóng góp đáng kể từ lãi dịch vụ 734 tỷ đồng, tăng đến 80% so với năm trước. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I-2019, VIB ghi nhận 648 tỷ đồng lãi ròng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cơ cấu nguồn thu, dịch vụ vẫn tiếp tục là điểm sáng khi lãi thuần từ hoạt động này tăng mạnh 167%, đạt gần 348 tỷ đồng. Theo thuyết minh, thu phí hoa hồng bảo hiểm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động dịch vụ với 209 tỷ đồng, gấp 10,5 lần so với mức 20 tỷ đồng đạt được trong quý I-2018. Thu từ dịch vụ thanh toán cũng tăng trưởng 27%, đạt 99 tỷ đồng.
Thu dịch vụ ngày càng tăng nhưng các NH vẫn muốn mở rộng TTTD. Như VIB đặt mục tiêu TTTD đến 35% cho năm 2019. Qua đó thấy rằng, mặc dù có thể tăng trưởng bằng dịch vụ nhưng NH vẫn chưa thể mạnh tay buông bỏ mảng tín dụng vốn nhiều lợi nhuận này. Tại ĐHCĐ 2019 vừa diễn ra, OCB đặt chỉ tiêu TTTD đến 30%.
Tổng kết sau mùa ĐHCĐ, MSB công bố kế hoạch TTTD lên đến 35%, Kienlongbank có kế hoạch tăng 19,39%. Sacombank năm nay dự kiến tổng dư nợ tăng xấp xỉ 16%, và cho biết NHNN duyệt hạn mức TTTD 7% nhưng NH sẽ xin được cấp thêm. Các NH khác cũng đã đề ra mục tiêu TTTD ở khoảng 15-16%, chỉ ACB là NH hiếm hoi đặt ra mức tăng chỉ 13% trong năm nay.
Từ năm 2012 trở lại đây, NHNN đều đưa ra chỉ tiêu TTTD chung cho toàn ngành và cấp room tín dụng cho từng NHTM vào đầu năm. Các NH dựa vào đó triển khai hoạt động tín dụng cho cả năm. Theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, nguyên nhân áp trần TTTD cho toàn ngành do vòng quay của tiền tệ rất lớn và có thể tạo ra bất ổn vĩ mô, trực tiếp tác động đến lạm phát.
Năm 2008, lạm phát lên đến 2 con số nhưng khi NHNN áp dụng trần TTTD từ năm 2012, lạm phát đã giảm về một con số trong 7 năm liên tục. Có nghĩa kiểm soát tín dụng của NHNN nhằm giúp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, mặt bằng lãi suất huy động vốn và tăng trưởng ở mức vừa phải và thực chất, sẽ làm tăng chất lượng tín dụng và giảm hậu quả rủi ro rất nhiều.
Còn đối với từng NH, khi xác định hạn mức tín dụng, NHNN ngoài việc nhìn vào cầu vốn còn phải nhìn vào nguồn cung, tức tổng huy động vốn, tổng phương tiện thanh toán của NH đó có thể đáp ứng được cầu vốn hay không. Vì mỗi NHTM muốn cho vay được phải huy động được. Trường hợp nguồn cung hữu hạn nhưng TTTD rất cao sẽ tạo ra áp lực vốn lớn, khi đó sẽ khó kiểm soát lãi suất.
Ngoài những lý do này, một số lãnh đạo NH cho biết, hạn mức TTTD còn được xét trên tỷ lệ nợ xấu, lãi dự thu, dư nợ tại Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)… để đảm bảo an toàn cho từng NH.
Điều tiết giật cục
Điều tiết giật cục
Gần đây, các chuyên gia nhiều lần đề xuất dỡ bỏ trần TTTD để NH tự định đoạt, thay vì dùng biện pháp hành chính trong điều hành tín dụng. Song nhìn trên bình diện chung, điều này có lẽ khó sớm thành hiện thực. Bởi tín dụng năm 2018 không tăng đột biến và diễn biến tương tự tại các tháng đầu năm 2019.
Tính đến ngày 25-3, tín dụng đối với nền kinh tế mới tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018. Như vậy, NHNN đang kiểm soát các vấn đề liên quan đến hoạt động, trong đó bao gồm cả tín dụng để các NH đẩy nhanh tái cơ cấu theo đề án chung của toàn ngành và đề án riêng của từng NH. Gần đây, Chính phủ cũng khuyến khích doanh nghiệp tìm vốn từ phát hành trái phiếu nhằm giảm gánh nặng vốn cho ngành NH.
Trong bối cảnh trên, nhiều NH vẫn muốn vượt rào tín dụng với mức tự đề xuất rất cao. VIB là 1 trong 2 NH đầu tiên hoàn thành Basel II sớm, đã đề nghị NHNN cấp room TTTD cao hơn. NHNN cấp hạn mức tăng trưởng bao nhiêu, NH sẽ thực hiện bấy nhiêu. Kể cả NHNN cho hạn mức tín dụng thấp cũng không ảnh hưởng mục tiêu lợi nhuận, vì NH không làm tín dụng sẽ làm dịch vụ, mảng bancasurrance, mảng thẻ của NH rất đặc thù, sáng tạo sẽ là những đầu tàu về dịch vụ mang lại lợi nhuận. Có thể thấy, thay đổi cơ cấu nguồn thu và đã tăng thu tốt về dịch vụ, nhưng các nhà băng vẫn rất nặng lòng thu từ tín dụng.
Thực tế, các NHTM có tâm lý muốn tăng tín dụng hơn hạn mức được cấp, vì NHNN duyệt hạn mức tín dụng cho từng NH khá thấp, nhưng nếu NH nào xin nới sẽ được xem xét và điều chỉnh. Chẳng hạn năm ngoái, NHNN khẳng định không xem xét, không điều chỉnh room tín dụng, trừ một số trường hợp đặc biệt là các NHTM đang tham gia tái cơ cấu đối với các TCTD yếu kém.
Nhưng đến cuối năm, vài NH không nằm trong diện đặc biệt vẫn được nới room TTTD. Vừa sợ rủi ro tín dụng lại vừa cảm thông cho các NH hết quota, khiến việc điều tiết tín dụng cho từng NH trong các năm qua luôn giật cục.
Theo nhiều chuyên gia, để giúp các NH lành mạnh hơn, NHNN có thể cấp một hạn mức phù hợp, cố định cho từng NH trên cơ sở trao đổi với các NH. Những NH nào được cấp hạn mức tín dụng thấp, cần khuyến khích họ thay vì cho vay trên thị trường 1 có thể cho vay trên thị trường liên NH (thị trường 2).
Mặc dù lợi nhuận không cao bằng thị trường 1 nhưng cũng là chỗ để sử dụng vốn nếu NH huy động nhiều. Đó là bài toán để các NH tăng nguồn thu ổn định nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống, so với việc các nhà băng chú trọng cho vay khách hàng như hiện nay.