Guồng quay hút vốn tăng tốc
Trong một hội nghị của ngành NH diễn ra mới đây, VietinBank cho biết đến giữa tháng 6 tăng trưởng tín dụng đạt 4,9%; BIDV tăng 4,7% và tín dụng chỉ mới bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3-2024; Vietcombank tăng 2,1%; với Agribank đến cuối tháng 5-2024 chỉ tăng trưởng 1,2%.
Tương tự ở nhóm NHTMCP, ACB công bố tín dụng tăng khoảng 9,5% vào thời điểm gần cuối tháng 5-2024; VIB trước đây thường có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống, thì đến 31-5 chỉ mới 1,14%; cùng thời điểm VPBank mới tăng 1,91%; SHB dự kiến hết tháng 6 tín dụng tăng 5%, nhưng thực tế giữa tháng 6 mới đạt mức tăng 2,54%.
Trên toàn hệ thống, tính đến ngày 14-6, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thêm, vẫn còn 23 tỉnh tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%. Đối với hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), bên cạnh những NH tăng trưởng cao hơn 10%, vẫn có những NH tín dụng âm hơn 4%.
Tín hiệu này cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ. Song thực tế này vẫn không cản trở các nhà băng tăng tốc guồng quay huy động vốn.
Lãi suất huy động sau khi tạo đáy vào tháng 3 đã tăng dần đều cho đến nay. Tháng 6 này, có 23 NH trong đó có nhiều NH quy mô lớn đã tăng lãi suất huy động, thậm chí nhiều NH đã điều chỉnh lãi suất đến 3 lần trong tháng. Các mức lãi suất 5-6%/năm cũng dần dày đặc hơn tại các NHTMCP.
Trong khi đó, ghi nhận từ báo cáo của CTCP FiinRatings, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong tháng 5 có 26 đợt phát hành mới với tổng giá trị đạt 23.200 tỷ đồng, tăng 20,6% so với tháng trước và tương đương 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm ngành TCTD, với 19 đợt phát hành trị giá 16.500 tỷ đồng (tăng 76,8% so với tháng trước). Trong đó, BIDV và Techcombank sở hữu lượng phát hành lớn nhất 5.300 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng.
Báo cáo về Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA), tiếp tục cho thấy các TCTD vẫn đang đẩy mạnh hoạt động này trong tháng 6-2024. Cụ thể, trong 19 đợt phát hành tính đến ngày 21-6, có 18 đợt phát hành của các TCTD.
Bảng thống kê của VMBA cho thấy, ngoài 2 đợt phát hành huy động 1.000 tỷ đồng của Home Credit, 10 nhà băng đã phát hành thành công 32.600 tỷ đồng trái phiếu trong thời gian này. Cụ thể ACB huy động 10.000 tỷ đồng, Shinhan Việt Nam và Techcombank cùng phát hành ở mức 5.000 tỷ đồng, MB Bank huy động 4.000 tỷ đồng, BIDV với 3.500 tỷ đồng, MSB với mức 2.000 tỷ đồng, BacABank huy động 1.500 tỷ đồng, OCB với 1.300 tỷ đồng, HDBank 300 tỷ đồng.
Cần nhiều tiền để làm gì?
Theo NHNN, hoạt động tín dụng luôn là nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao với nhiều văn bản Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, Thông báo chỉ đạo. NHNN cũng đã ban hành 8 văn bản (gồm 1 chỉ thị, 1 quyết định, 1 thông báo và 5 công văn), chỉ đạo toàn hệ thống về công tác tín dụng.
Ngày 18-6-2024, NHNN đã ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024; nâng quy mô gói tín dụng lâm sản thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn…
Song NHNN đã đánh giá, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ được cho là động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.
Vậy các NH vẫn tăng lãi suất hút vốn để làm gì? TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH cho rằng, tuy tín dụng tăng chậm nhưng so với thời điểm đầu năm đang dần khởi sắc hơn; kênh tiền gửi không còn là lựa chọn số một, nhưng các NH phải tăng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng.
Mặt khác, lãi suất tăng lên còn đến từ áp lực tỷ giá USD/VNĐ. Kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá tăng gần 5%, lên hơn 25.000 đồng/USD. Bên cạnh đó, sức nóng của vàng trong tháng 5 được các chuyên gia nhận định đã hút một lượng lớn tiền nhàn rỗi trên thị trường, trở thành đối thủ cạnh tranh của kênh tiền gửi
Còn trên kênh trái phiếu, FiinRatings cho biết, tận dụng môi trường lãi suất thấp, các TCTD tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung, dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm, hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14-15% cả năm của NHNN.
Ngoài ra, theo ghi nhận của ĐTTC, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chưa có nhu cầu vay vốn, nhiều nhà băng đã đưa vốn vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). 2 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của hệ thống âm nhưng tín dụng BĐS vẫn tăng 0,23% so với cuối năm 2023.
Xét riêng cơ cấu tín dụng BĐS, Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ NHNN cho biết, tính đến hết tháng 2, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS đạt hơn 1,11 triệu tỷ đồng, tăng gần 2% so với cuối 2023, tương ứng với việc NH đã bơm thêm 20.700 tỷ đồng cho các chủ đầu tư BĐS.
Một số liệu gần hơn được NHNN chi nhánh TPHCM công bố, đến cuối tháng 4-2024, tổng dư nợ tín dụng BĐS trên địa bàn đạt 981.500 tỷ đồng, tăng 1,61% so với cuối năm 2023, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung 1,31% của TP.
Một chuyên gia tài chính chia sẻ, khi nhà băng đổ vốn cho vay kinh doanh BĐS, họ không chỉ cần nguồn vốn lớn mà còn cần nguồn vốn cao hơn nhu cầu thực, bởi hệ số rủi ro cho vay kinh doanh BĐS lên đến 200%. Nói cách khác, khi NH cho vay BĐS số tiền 1 tỷ đồng, nhưng xét trên hệ số rủi ro này, họ cho vay 1 tỷ đồng phải dự trữ 1 tỷ đồng.
Ở góc độ khác, Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn của các NH phải đạt mức tối thiểu 8%. Cho vay kinh doanh BĐS nhiều sẽ ảnh hưởng tỷ lệ an toàn vốn, và có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng tín dụng trong tương lai.
Do đó, các NH vừa phải tăng huy động vốn để cho vay, vừa phải tăng vốn cấp 1, tăng vốn cấp 2 bằng cách huy động trái phiếu liên tục trong suốt thời gian qua để vừa thực hiện bài toán kinh doanh, vừa đáp ứng các quy định đặt ra.