Tín hiệu vui cho ngành dệt may

(ĐTTCO)-Bất chấp tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, khó lường, ngành dệt may vẫn đón tin vui khi đơn hàng dồi dào trở lại, đáp ứng đủ cho các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất từ nay đến cuối năm. 
Công nhân may hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Fly High Garment
Công nhân may hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Fly High Garment

Dần hồi phục

 Ghi nhận tại Công ty TNHH Fly High Garment (quận Gò Vấp) cho thấy, gần 10 dây chuyền sản xuất với trên 300 công nhân đang khẩn trương may hoàn thiện những đơn hàng quần, áo thun thời trang xuất khẩu đi Mỹ.

Ông Ly Yung Chinh, Giám đốc Công ty TNHH Fly High Garment cho biết, hiện DN đã có đơn hàng sản xuất đến cuối năm với sản lượng khoảng 2 triệu sản phẩm. Tuy nhiên, do thị trường đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu nên DN chỉ mới chính thức ký kết khoảng 500.000 sản phẩm.

“Tùy diễn biến dịch bệnh và nguồn nguyên liệu, phía DN sẽ ký tiếp các đơn hàng mà khách hàng yêu cầu để tránh trường hợp phải bồi thường khi không giao hàng đúng cam kết”, ông Ly Yung Chinh chia sẻ.

Tương tự, Công ty cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công thông tin, DN đã nhận được đơn hàng đến hết quý II-2021 nên đảm bảo được khối lượng công việc trong thời gian tới.

Đóng góp gần 10 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 39 tỷ USD của ngành dệt may (năm cao điểm 2019), đến nay hầu hết DN thuộc hệ thống Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có quy mô xuất khẩu khoảng vài trăm triệu USD/năm cũng đã có khách hàng cho năm 2021; đặc biệt tập trung vào những mặt hàng như dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trần Văn Cẩm xác nhận, hầu hết các DN dệt may đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số DN có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8 như May Sài Gòn 3, Saigon Garmex, Việt Tiến... Tiêu thụ chính vẫn là những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật.
“Lượng đơn hàng dẫu chưa thể nhiều như thời điểm trước dịch bệnh nhưng việc có đủ đơn hàng, duy trì các dây chuyền sản xuất, đủ việc làm cho người lao động là điểm tích cực cho quá trình phục hồi của ngành dệt may”, đại diện Vitas đưa ra nhận định. 


Theo nhận định của Vitas, với tình hình tiêm vaccine Covid-19 và khả năng có được miễn dịch ở quy mô lớn trong 6 tháng cuối năm, ngành dệt may tiếp tục có nhiều thông tin lạc quan hơn. Theo đó, các mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm thường là hàng thu-đông sẽ có giá trị cao hơn.

Do vậy, mức độ tăng trưởng cả năm 2021 có thể đạt mức 10% và dệt may Việt Nam có thể quay trở lại mức xuất khẩu của thời điểm trước dịch, sớm hơn tối thiểu một năm so với nhiều nước trên thế giới.

Thiết thực hỗ trợ DN

Dù khá lạc quan về đơn hàng, nhưng phía Vitas cũng cảnh báo, các DN dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Đơn cử, từ tháng 12-2020 đến nay giá sợi đã tăng 25%, trong khi giá vải bán ra chưa tăng tương ứng. Nguyên nhân giá sợi tăng cao là do mùa vụ bông vừa qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp, tồn kho bông toàn thế giới cũng giảm.

“Dự kiến lượng bông tiêu thụ năm nay của thế giới vượt quá lượng bông có thể thu hoạch 1 triệu tấn”, Chủ tịch HĐQT Vinantex Lê Tiến Trường  cho hay. Bên cạnh đó, các DN còn phải đối mặt với rủi ro trong quản trị dịch bệnh. Bởi nếu không quản trị tốt, để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy hoặc không may nhà máy nằm trong vùng dịch phải đóng cửa, không sản xuất được sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Để hỗ trợ DN ổn định sản xuất trong tình hình mới, Vitas vừa có kiến nghị gửi cơ quan có thẩm quyền đề xuất cho phép tiếp tục sử dụng nguồn từ các gói hỗ trợ chưa sử dụng hết (mới sử dụng khoảng 20%) để hỗ trợ cho DN và người lao động, với các điều kiện dễ tiếp cận hơn và kéo dài thời hạn hỗ trợ ít nhất đến hết năm 2021.

Cụ thể, tiếp tục giảm tiền thuê đất, tiền điện, nước, giãn nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho các DN khó khăn đến hết năm 2021. Vitas cũng kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan có chính sách giảm phí đường bộ, phí BOT, phí hạ tầng cảng biển.

“Chính phủ và các bộ, ngành can thiệp để không xảy ra việc nâng giá vận chuyển bằng tàu biển bất thường và tình trạng thiếu container rỗng đang xảy ra cũng như mong muốn các địa phương cần có chính sách thống nhất trong việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, không gây khó khăn cho DN”, đại diện Vitas nói.

Theo báo cáo thị trường dệt may toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, tổng cầu dệt may thế giới dự kiến sẽ tăng từ 594 tỷ USD năm 2020 lên 654 tỷ USD vào năm 2021, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ-thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam tăng 20% so với cùng kỳ, lên 115 tỷ USD. Trong nước, mức độ tăng trưởng cả năm 2021 đạt ở mức 10% và có thể quay trở lại mức xuất khẩu của đỉnh cao năm 2019.

Các tin khác