Tình thầy trò trong con chữ vùng cao

(ĐTTCO) - Đã bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, nhưng cuộc sống của người dân ở nhiều vùng miền núi vẫn rất khó khăn, lạc hậu. Nhưng khốn khó hơn là câu chuyện về những thầy, cô giáo phải ngày ngày cắm bản đem cái chữ truyền thụ cho học trò nghèo. Nơi xã vùng sâu Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã và đang viết nên câu chuyện tình thầy - con chữ thật cảm động.

(ĐTTCO) - Đã bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, nhưng cuộc sống của người dân ở nhiều vùng miền núi vẫn rất khó khăn, lạc hậu. Nhưng khốn khó hơn là câu chuyện về những thầy, cô giáo phải ngày ngày cắm bản đem cái chữ truyền thụ cho học trò nghèo. Nơi xã vùng sâu Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã và đang viết nên câu chuyện tình thầy - con chữ thật cảm động.

Gian khó đi tìm con chữ

Sơn Hải là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Lục Ngạn, các thôn của xã bị chia cắt bởi lòng hồ Cấm Sơn. Nhiều thôn như Đồng Mậm có 90% số hộ gia đình thuộc diện nghèo, đi kèm với đó là tình trạng “5 không”: Không đường, không điện, không trạm y tế, không sóng di động và thậm chí không một quán tạp hóa. Do vậy, sự nghiệp giáo dục ở Sơn Hải gặp vô vàn khó khăn. Đứng từ trụ sở UBND xã Sơn Hải trên đỉnh quả đồi có thể nhìn thấy Trường Tiểu học Tam Chẽ. Tưởng gần, nhưng chúng tôi phải mất gần 2 giờ đánh vật với con đường lầy lội bùn, đất đỏ mới tới được trường.

Những cái bắt tay nồng ấm của các giáo viên nơi đây, cùng tiếng chào chú, chào cô lễ phép của nhóm học sinh đang chơi ngoài sân khiến chúng tôi ấm lòng. Được trò chuyện, tham quan nơi ăn chốn ở, bục giảng của thầy cô trường Tam Chẽ, mới thấu hiểu phần nào cái gian khó cùng tấm lòng yêu nghề “gõ đầu trẻ”. Do điều kiện địa hình vô cùng khó khăn, bị chia cắt bởi lòng hồ Cấm Sơn nên học sinh từ các thôn đến trường Tam Chẽ buộc phải chèo thuyền. Những em nhỏ lớp 1, 2, 3 được bố mẹ, ông bà chèo thuyền đưa đón. Còn các em học sinh trung học cơ sở cấp 2 phải tự chèo thuyền đi học. Em Nguyễn Thanh Nga, lớp 7 Trường THCS Sơn Hải, đi cùng nhóm bạn tâm sự: “Bọn cháu phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đồ ăn trưa vì thường phải học cả ngày. Sau đó mấy đứa rủ nhau chèo cùng một thuyền. Đứa này mệt đứa kia chèo thay, nhiều hôm mưa gió cũng sợ lắm ạ”.

Trong các năm 2008, 2011 đã xảy ra nhiều trận lũ ở vùng miền núi Lục Ngạn, Bắc Giang. Nước lũ ngập toàn bộ trường học, phá hủy cơ sở vật chất, trường lớp, bàn ghế… học sinh buộc phải nghỉ học. Nhưng ngay sau khi nước rút, được sự giúp đỡ của các đội tình nguyện, bà con dân tộc trong xã sửa sang lại trường lớp, các thầy cô đã nhanh chóng bắt tay ngay vào việc giảng dạy để kịp giáo án. Một tín hiệu đáng khích lệ, từ năm 2010 đến nay, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đã chấm dứt, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Cô giáo Nguyễn Thị Thạo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Hải, tâm sự: “Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của các em học sinh, mỗi giáo viên đều xác định bám trường, bám lớp động viên nhau khắc phục những khó khăn trong cuộc sống”.

Những lớp ghép ở ốc đảo Đồng Mậm thưa thớt học sinh.

Những lớp ghép ở ốc đảo Đồng Mậm thưa thớt học sinh.

Nỗi buồn khi trao con chữ

Tìm hiểu về các thầy, cô giáo nơi đây chúng tôi được biết hầu hết họ từ miền xuôi lên. Có nhiều thầy, cô từ TP Bắc Giang vượt gần 70km đường đồi núi để lên Sơn Hải cắm lớp, cắm bản. Cô Nguyễn Thị Thạo dẫn chúng tôi xuống thuyền đi cùng mấy giáo viên vào ốc đảo Đồng Mậm, cho biết: “Trường Tiểu học Sơn Hải có 5 điểm trường, ngoài điểm trường Tam Chẽ ở trung tâm xã, còn 4 điểm trường là Cổ Vài, Đồng Mậm, Cầu Sắt và Thôn Đấp. Trong đó điểm trường Đồng Mậm đặc biệt nhất, khó khăn nhất, được ví như ốc đảo giữa hồ Cấm Sơn”.

Đi cùng thuyền với chúng tôi vào Đồng Mậm là 4 thầy cô. Cô Giáp Thị Tâm dạy mầm non, thầy Lâm Văn Thức dạy lớp ghép 1-2, cô Nguyễn Thị Nga dạy lớp ghép 3-4 và cô Vương Thị Thêu dạy lớp 5. Các thầy cô đều ở Thị trấn Chũ (cách trường hơn 20km) hoặc dưới TP Bắc Giang (cách trường 70km). Do đường sá xa xôi và đặc biệt phải chèo thuyền từ trung tâm xã vào điểm trường Đồng Mậm nên các thầy cô phải ở lại đây từ thứ 2 đến thứ 7. Chính vì thế hành lý dạy học của các thầy cô có đủ thứ: mì tôm, lạc, gạo, muối, dầu ăn, nước mắm, xà phòng…

Cô giáo Nguyễn Thị Nga, 52 tuổi đã có 30 năm dạy học ở vùng cao Sơn Hải, trong đó có hơn 10 năm cắm ốc đảo Đồng Mậm, tâm sự: “Trước đây chưa có thuyền máy, chúng tôi phải tự chèo thuyền tay mất 3-4 giờ mới từ trung tâm xã tới được Đồng Mậm. Mấy năm gần đây tuy có thuyền máy, nhưng cũng không thể đi về trong ngày được, nên giáo viên buộc phải ở lại đảo. Nhiều đợt cuối tuần mưa gió không về được cũng đành ở lại luôn”. Để tiện cho việc công tác, vợ chồng thầy Thức đã bàn nhau chuyển từ thị trấn Chũ vào sống ở gần trung tâm xã Sơn Hải. Thầy Thức tâm sự: “Tội nhất là mấy đứa trẻ ở xóm Suối Khoang, thôn Đồng Mậm. Nhiều em không được bố mẹ, ông bà đưa đi, nên phải dậy từ 4-5 giờ sáng chuẩn bị cơm nắm, cặp sách chèo đò tay hơn 1 giờ đến điểm trường tiểu học. Bọn trẻ ở đây đều rất chăm học. Những hôm rét mướt, mưa gió nhìn chúng đến lớp mà thầy cô ứa nước mắt”. Thương lũ học sinh nghèo hiếu học, nhiều hôm thời tiết xấu, thầy Thức cùng các cô giáo đã chèo thuyền vào tận nhà đón bọn trẻ đến lớp.

Vào thăm một số gia đình có con em theo học ở trường Đồng Mậm, nhìn cảnh buổi tối các em phải học dưới ánh đèn dầu leo lét, không có góc học tập riêng, nhiều khi phải học ngay trên giường ngủ, chúng tôi càng thương cảm. Khó khăn là vậy, nhưng bằng tình thương của người thầy, người cô và sự hiếu học của lũ trẻ mà các buổi học ở Đồng Mậm chẳng bao giờ đứt gánh. Nhiều em dân tộc Tày, Nùng đã quyết tâm học lên cao đẳng, đại học. Như cô gái Tày Vương Thị Quyên là thí dụ tiêu biểu. Nhà Quyên ở xóm Suối Khoang thuộc diện nghèo nhất. Nhưng bằng ý chí, nghị lực vượt khó, Quyên đã đỗ Đại học Sư phạm Thái Nguyên và hiện nay đang dạy ở Trường THCS Sơn Hải.

Niềm hạnh phúc

Trong chuyến lên Sơn Hải, chúng tôi được chứng kiến bao gian khó nhưng còn có những câu chuyện về miền đất hạnh phúc. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Lê (nhà dưới TP Bắc Giang) tình nguyện lên Sơn Hải dạy học rồi nên duyên với chàng trai nghèo xóm Suối Khoang. Sau gần 30 năm dạy học, chắt chiu, hiện nay gia đình cô giáo Lê đã mua được mảnh đất gần trung tâm xã để xây căn nhà mái bằng khang trang. Không những giỏi việc nhà nuôi 2 con học đại học, cô giáo Lê còn giỏi việc trường, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Tiếp bước cô Lê, cô giáo Trần Thị Khiêm cũng xây dựng gia đình với người đàn ông xã Sơn Hải và hiện đang định cư, dạy học tại Trường Tiểu học thôn Cổ Vài... Mới đây nhất, các đồng nghiệp đã tiết lộ cho chúng tôi chuyện tình của cô giáo Vương Thị Thêu với anh chàng Nùng ở Sơn Hải. Cô Thêu sinh năm 1989, sau khi ra trường đã về Sơn Hải dạy học đến nay được 5 năm. Tình yêu nghề, yêu con người vùng đất này rồi dần dần đã dẫn đến tình yêu đôi lứa.

Có thể nói, những giáo viên ở Sơn Hải chúng tôi đã gặp đều có chung một ý nghĩ, niềm tin phải đem hết nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho các thế hệ học sinh thân yêu. Chính từ đức hy sinh cao đẹp đó, họ đã chắp cánh cho những ước mơ các em học sinh nơi đây bay cao, bay xa hơn.

Các tin khác