Theo đó, 4 tổng công ty Điện lực Vinacomin, Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Khoáng sản Vinacomin, Hóa chất mỏ và một số đơn vị thành viên TKV đang đi vào vết xe đổ của công ty mẹ.
Đụng đâu sai đó
Theo Thanh tra Chính phủ, vào tháng 10-2009 Điện lực Vinacomin được thành lập với số vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng, nhưng sau hơn 4 năm hoạt động, TKV mới góp khoảng 5.329 tỷ đồng, còn thiếu 1.470 tỷ đồng. Điều này vi phạm quy định Nghị định 102/2010/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật DN.
Do TKV không góp đủ vốn, Điện lực Vinacomin phải đi vay vốn hoạt động, chịu chi phí lãi vay tương ứng trong 2 năm 2013-2014 là 74,7 tỷ đồng và hạch toán chi phí để khấu trừ thu nhập chịu thuế. Điều này sai quy định nên cơ quan thanh tra đã kiến nghị Bộ Tài chính loại ra khỏi quyết toán, truy thu thuế thu nhập DN tại tổng công ty con này số tiền 17,8 tỷ đồng.
4 tổng công ty con và các đơn vị thành viên TKV đã có những sai phạm trong quản lý chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, lãng phí trong đầu tư xây dựng, đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, tính toán sai số thuế phải nộp, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. |
Tuy nhiên, sau kết luận thanh tra, TKV đã góp đủ vốn điều lệ vào Điện lực Vinacomin. Qua thanh tra cũng phát hiện nhiều kẽ hở trong quản lý chi phí giá thành điện tại Điện lực Vinacomin.
Theo hợp đồng mua bán điện được ký kết giữa tổng công ty này và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện được thanh toán theo tỷ giá biến đổi khi có quyết định của Bộ Công Thương.
Nhưng đến thời điểm thanh tra, Bộ Công Thương chưa ban hành văn bản xác định tỷ giá biến đổi, trong khi các nhà máy điện thuộc tổng công ty đã vận hành thương mại từ nhiều năm qua, làm phát sinh chênh lệch tỷ giá rất lớn nhưng chưa có nguồn bù đắp. Các đơn vị thuộc tổng công ty đã hạch toán toàn bộ giá trị chênh lệch tỷ giá vào chi phí sản xuất kinh doanh, làm tăng chi phí, giá thành sản xuất 3.311,6 tỷ đồng.
Đối với các nhà máy nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Đông Triều, Điện lực Vinacomin đã không quy định việc điều chỉnh giá bán điện theo giá dầu, trong khi than, dầu là 2 nguyên liệu chính của các nhà máy nhiệt điện này, nên không có cơ sở điều chỉnh giá điện khi giá dầu thế giới tăng, giảm. Trong khi giai đoạn từ tháng 8-2014 đến tháng 9-2015 giá dầu thế giới giảm từ 120USD xuống 40USD/thùng, theo đó giá thành điện tương ứng giảm 416,7 tỷ đồng. Việc làm này của EVN và các nhà máy điện không đúng quy định của Luật Cạnh tranh. Ngoài ra TKV quy định giá bán bất hợp lý đã làm tăng giá bán điện khoảng 196,5 tỷ đồng.
Việc xác định sai giá trị DN khi cổ phần hóa Điện lực Vinacomin đã làm giảm, mất vốn nhà nước tại DN. Cụ thể, cơ quan thanh tra xác định giá trị Nhà máy nhiệt điện Na Dương khi cổ phần hóa hơn 2.547 tỷ đồng, trong khi Điện lực Vinacomin chỉ xác định khoảng 1.906 tỷ đồng, đã làm mất vốn nhà nước tại Nhiệt điện Na Dương khoảng 640,6 tỷ đồng. Khi đầu tư 2.957 tỷ đồng ngoài DN, tổng công ty này đã không tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, nên lợi nhuận thu về thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 3%/năm.
Quá trình đầu tư xây dựng một số dự án của Điện lực Vinacomin chậm tiến độ, chi phí đầu tư vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Các dự án nhiệt điện Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả 1 chậm tiến độ, dự án Cao Ngạn, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2 chi phí đầu tư vượt tổng mức được phê duyệt. Kiểm tra chi phí đầu tư tại 4 dự án thủy điện Đồng Nai 5, nhiệt điện Nông Sơn, Cao Ngạn, Lý Sơn đã phát hiện TKV và Điện lực Vinacomin duyệt chi dự án tăng sai quy định 49,4 tỷ đồng.
Khai thác khoáng sản tại Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc.
Sai phạm phổ biến và giống nhau
Cùng là đơn vị trực thuộc TKV, Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc (VVMI) những năm qua cũng tồn tại nhiều sai phạm trong chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Kiểm tra 3 công ty trực thuộc VVMI, gồm than Na Dương, Núi Hồng, Khánh Hòa, cho thấy trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6-2015, 3 DN này đã triển khai nhiều dự án để mở rộng khai trường và bãi đổ thải, với tổng số tiền ứng trước để giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 769 tỷ đồng.
Vậy nhưng VVMI đã không làm thủ tục khấu trừ tiền GPMB cho tiền thuê đất phải nộp, mà hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh số tiền trên là sai quy định. Việc hạch toán sai dẫn đến VVMI nộp thiếu thuế tài nguyên số tiền tương ứng 44,8 tỷ đồng.
Tại dự án đầu tư khai thác mỏ hầm lò Rìa Moong lộ thiên của Công ty TNHH MTV Than Khánh Hòa, Chủ tịch HĐTV VVMI đã phê duyệt dự án khi chưa đủ điều kiện, thiếu chính xác, tồn tại nhiều bất cập. Dẫn đến dự án triển khai từ năm 2009 đến năm 2012 liên tục xảy ra sự cố cháy hầm lò, bục nước nên phải dừng thi công. Việc phê duyệt sai này đã làm tăng tổng mức đầu tư dự án thêm hơn 109 tỷ đồng.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện, VVMI chưa thực hiện nộp tiền thuê gần 4.882m2 đất tại Hà Nội, xác định sai giá trị DN khi cổ phần hóa khách sạn Heritage số tiền khoảng 1,48 tỷ đồng.
Đối với Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin (Vimico), quá trình thanh tra phát hiện việc đầu tư vào 6 công ty ngoài ngành, có nhiều khoản đầu tư không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm, nguy cơ mất vốn. Đó là việc đầu tư 7 tỷ đồng vào CTCP Vận tải và thương mại Liên Việt, 5,3 tỷ đồng vào Công ty gạch ngói Đồng Nai. Tại Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên, Vimico đã góp vốn thành lập Công ty liên doanh công nghiệp kẽm Việt Thái (Vithaizinco) để xây dựng nhà máy sản xuất bột ôxit kẽm. Kết quả Vithaizinco liên tục hoạt động thua lỗ, nợ đọng 24,6 tỷ đồng.
Đặc biệt lãnh đạo Vimico đã tự ý vượt thẩm quyền ký bảo lãnh, chịu trách nhiệm trả nợ thay Vithaizinco khoản vay Eximbank Thái Lan. Đến nay Vithaizinco không có khả năng trả nợ, trọng tài Thái Lan đã quyết định Vimico phải trả nợ thay số tiền 13,7 triệu USD, tương đương 300 tỷ đồng.
Mặc dù đã có quy định cấm DN không có chức năng kinh doanh tiền tệ cho vay vốn, nhưng Vimico vẫn ký các hợp đồng cho vay vốn trung hạn có giá trị khoảng 77,9 tỷ đồng. Các sai phạm khác được phát hiện tại Vimico là trích quỹ khen thưởng, phúc lợi sai quy định 64 tỷ đồng, nợ ngân sách nhà nước 136,1 tỷ đồng, trong đó nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 80,7 tỷ đồng. Một tổng công ty khác thuộc TKV cũng vướng vào sai phạm là Tổng công ty Hóa chất Mỏ (Micco). Micco đã tính thiếu thuế thu nhập DN 0,9 tỷ đồng, đầu tư vào CTCP Xi măng Tân Quang đang lỗ lũy kế 104,7 tỷ đồng, kê khai sai doanh thu 131,1 tỷ đồng.
Không chỉ 4 tổng công ty nêu trên thuộc TKV có dấu hiệu sai phạm trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, một số đơn vị thành viên khác trực thuộc TKV khi được thanh tra cũng phát hiện sai phạm.
Kết quả thanh tra tại các công ty than Dương Huy, Thống Nhất, Vàng Danh, cho thấy hầu hết số lượng, giá trị các loại vật tư thực tế sử dụng đều tăng so với định mức được duyệt; việc chấp hành các quy định về quyết toán vật tư chưa được quản lý chặt chẽ, quyết toán vật tư sử dụng vượt định mức làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh doanh.