Tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư của TKV chưa cao và có xu hướng giảm dần, đặc biệt các khoản đầu tư ngoài ngành.
Đầu tư ra nước ngoài khó thu hồi
Báo cáo của TKV ghi nhận, tính đến cuối năm 2014, tổng số vốn đầu tư ra ngoài công ty mẹ TKV 13.599,7 tỷ đồng, gồm đầu tư vào các đơn vị trong ngành 13.511 tỷ đồng, ngoài ngành 88,6 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính cơ bản bảo toàn được vốn, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư chưa cao, có xu hướng giảm dần: năm 2010 là 13,79%, năm 2011: 4,27%, năm 2012: 6,04%, năm 2013: 6,81% và năm 2014: 6,21%. Đáng lưu ý, đầu tư ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của TKV đạt hiệu quả thấp, năm 2010 là 7,1%, năm 2011: 4,93%, năm 2012: 4%, năm 2013: 3,89% và năm 2014: 0,65%.
Cơ quan thanh tra kiểm tra một số khoản đầu tư lỗ, có nguy cơ mất vốn của TKV đã chỉ rõ: TKV đầu tư vào Công ty Southern Mining Co., Ltd số tiền khoảng 4,39 triệu USD, đến thời điểm thanh tra không có hiệu quả, có khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư.
Nguyên nhân do ông Doãn Văn Quang, Phó Tổng giám đốc TKV, đã ký biên bản ghi nhớ vào tháng 2-2008 thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Southern Mining với giá trị khoảng 2,9 triệu USD, sau đó chuyển tiền vào tài khoản cá nhân ông Our Kosa, quốc tịch Campuchia. Việc thỏa thuận chuyển tiền mua vốn công ty này khi chưa đủ các điều kiện cần thiết như có kết quả khảo sát, dự án đầu tư được duyệt, xác định hiệu quả đầu tư… Điều này vi phạm quy chế tài chính của TKV và quy định của Chính phủ.
Trước đó, tháng 1-2008, đoàn công tác TKV do ông Doãn Văn Quang dẫn đầu đã khảo sát trên diện tích 100km2 tại Campuchia và xác định có quặng sa khoáng crôm cấp 334b hơn 5.800 tấn Cromspinel, trữ lượng 19,6 triệu tấn quặng crômit gốc. Dựa theo báo cáo của đoàn khảo sát, HĐQT TKV đã trình Thủ tướng chủ trương chấp thuận đầu tư vào Công ty Southern Mining tại Campuchia, với ngành nghề kinh doanh chính là thăm dò và khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, đến năm 2010, TKV thực hiện khảo sát lại trên toàn bộ diện tích nêu trên đã không phát hiện có dấu hiệu quặng như khảo sát ban đầu. Và số vốn 2,9 triệu USD đầu tư của TKV gần như mất trắng.
Mỏ Sắt Thạch Khê được TKV đầu tư đến nay chưa thể phát huy hiệu quả.
Đầu tư trong nước lỗ hàng trăm tỷ đồng
Một số khoản đầu tư khác của TKV tại nước ngoài cũng được cơ quan thanh tra phát hiện không hiệu quả, có nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư. Có thể kể đến khoản góp vốn 111,45 tỷ đồng vào Công ty liên doanh Stung Treng để khai khoáng tại Campuchia; góp 184,784 tỷ đồng vào liên doanh Alumina Campuchia; góp 37,9 tỷ đồng vào Công ty TNHH Vinacomin Lào để khai thác mỏ muối; góp 69 tỷ đồng vào khai thác mỏ sắt Phu Nhuom, Lào. Như vậy, TKV đã đầu tư khoảng 303 tỷ đồng ra nước ngoài nhưng không phát huy hiệu quả, đối mặt với nguy cơ mất vốn.
Không chỉ vậy, việc đầu tư góp vốn 436,95 tỷ đồng của TKV vào CTCP Crômmit Cổ Định, Thanh Hóa (VTCC) đến nay cũng không phát huy hiệu quả. Lỗ lũy kế của Công ty VTCC từ năm 2012-2015 là 113,5 tỷ đồng; 2 dự án khai thác crôm lớn tại Cổ Định đã dừng hoạt động từ năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu do TKV quyết định và thực hiện đầu tư mở rộng 2 dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ crômit Cổ Định và nhà máy sản xuất FeroCrom các bon cao, khi chưa đủ các điều kiện cần thiết. Theo đó, cả 2 dự án chưa được gia hạn giấy phép khai thác nguyên liệu quặng tương ứng công suất dự án, chưa lựa chọn đối tác nước ngoài phù hợp.
Đối với dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Crômit Cổ Định, công suất 40.000 tấn tinh quặng/năm, có tổng mức đầu tư được điều chỉnh vào năm 2009 là 587,5 tỷ đồng, đã giải ngân đến tháng 6-2015 được hơn 112 tỷ đồng. Nhưng thực tế vào năm 2013, 3/4 dây chuyền khai thác, tuyển quặng đã dừng hoạt động do giấy phép khai thác hết hạn. Còn lại Nhà máy sản xuất FeroCrom các bon có công suất 20.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 377,8 tỷ đồng, đã giải ngân 314,4 tỷ đồng. Đến nay nhà máy đã hoàn thành, nhưng nằm trong tình trạng đắp chiếu do không còn nguyên liệu.
Một khoản đầu tư khác của TKV đang mắc kẹt tại CTCP Sắt Thạch Khê (TIC) đến nay cũng chưa thể phát huy hiệu quả. Qua thanh tra cho thấy công tác huy động vốn cho dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê không đúng kế hoạch, 4/5 cổ đông không thực hiện đúng nghĩa vụ góp vốn vào TIC, dẫn đến dự án thiếu vốn trong giai đoạn I gần 262 tỷ đồng, làm chậm tiến độ dự án. Năm 2010 tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản TKV phải nộp cho cả đời dự án 2.403,4 tỷ đồng (năm 2014 đã nộp 114,45 tỷ đồng). Tuy nhiên đến năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh lại quyết định điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên dự án tăng 81,8%, và số tiền TKV phải nộp để có quyền khai thác khoáng sản tại mỏ Thạch Khê tăng lên 4.140,2 tỷ đồng.
Như vậy việc tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên - Môi trường điều chỉnh tăng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lên mức như trên, tương đương 967.333 đồng/tấn quặng làm chi phí, giá thành khai thác quặng cao hơn nhiều so với giá quặng nguyên khai trên thị trường, đã khiến giá trị và hiệu quả đầu tư của TKV được phê duyệt không chính xác, thiếu cơ sở, dẫn đến hàng trăm tỷ đồng tập đoàn nay đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn.
Đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp
Đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp
So với các khoản đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh chính, những khoản đầu tư ngoài ngành của TKV trong giai đoạn 2010-2015 có hiệu quả đầu tư thấp hơn rất nhiều. Theo đó, TKV góp 76,4 tỷ đồng (75% vốn góp) vào CTCP Vận tải thủy -Vinacomin, nhưng kể từ khi thành lập công ty này kinh doanh liên tục thua lỗ. Nguyên nhân được cơ quan thanh tra kết luận do quy mô, năng lực của công ty này không phù hợp với yêu cầu của thị trường vận tải thủy, nhưng HĐQT TKV vẫn quyết định cho công ty đầu tư 2 tầu 7.000DWT; đồng thời sử dụng Quỹ đầu tư phát triển để cho đơn vị vay trả nợ 356 tỷ đồng không lãi suất, sai mục đích sử dụng, không đúng thẩm quyền.
Hệ quả, TKV buộc phải thu hồi 2 chiếc tàu này với giá trị trừ nợ vay 282 tỷ đồng, giao lại cho CTCP Vận tải thủy - Vinacomin thuê để kinh doanh khai thác, nhưng đến nay giải pháp này vẫn không hiệu quả. Hiện công ty này đang lỗ lũy kế 64,5 tỷ đồng, mất hết vốn đầu tư của các cổ đông, không còn khả năng thanh toán nợ cho TKV khoảng 49,2 tỷ đồng.
Tương tự, khoản đầu tư, cho vay lên tới 279 tỷ đồng của TKV vào Công ty Đóng tàu Sông Ninh để đóng 3 tàu vận tải than trọng tải 3.000 tấn, đến nay cũng không hiệu quả. Thực trạng này dẫn đến TKV và 2 công ty con mất vốn góp 29,07 tỷ đồng, nợ không có khả năng thu hồi 52,7 tỷ đồng. Khoản đầu tư 47,8 tỷ đồng của TKV tại CTCP Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà đang có nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư. Kể từ khi thành lập đến nay công ty này không hoạt động, buộc TKV phải trích lập dự phòng giảm giá 100% số vốn đã đầu tư.
(còn tiếp)