Đây là những con số đáng báo động từ nghiên cứu mới đây của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Phóng viên VTVMoney đã có cuộc phỏng vấn với đại diện tổ nghiên cứu kinh tế và chính sách công của AFD.
PV: Rất cảm ơn bà đã dành thời gian cho VTV. Như vậy, 8% GDP thiệt hại vào năm 2050 do biến đổi khí hậu. Bà có thể lý giải rõ hơn?
Bà Hélène Djoufelkit, Giám đốc Ban Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách công của AFD: Cách chúng tôi tính toán là nhìn vào tác động biến đổi khí hậu tới từng phân ngành, như năng suất cây lúa của Việt Nam sẽ có thể giảm tới 30%, ngành thủy sản sẽ bị ảnh hưởng do các đợt nóng kéo dài, hay năng suất lao động nói chung giảm sút do dịch bệnh… Khi cộng dồn tất cả tác động phân ngành vào,chúng tôi tính toán ra con số thiệt hại trung bình 8,1% GDP mỗi năm mà anh nhắc tới, đó là khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3oC vào năm 2050.
PV: Vậy theo nhóm nghiên cứu, đâu sẽ là những giải pháp trọng tâm để thích nghi và giảm thiểu những thiệt hại đó?
Bà Hélène Djoufelkit, Giám đốc Ban Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách công của AFD: Chỉ thích nghi không thôi thì chưa đủ, mà còn cần giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu nữa. Đây là 2 lộ trình song song.
Ví dụ, để thích nghi khi chuyển đổi sang năng lượng xanh, cần có lộ trình đào tạo lại nhân lực. Với trồng lúa, cần một quy trình giảm phát thải. Quan trọng hơn, cần lưu ý các chính sách an sinh xã hội, do biến đổi khí hậu sẽ tác động rất lớn tới người lao động, từ đau ốm bệnh tật, giảm năng suất lao động. Riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cần đặc biệt hạn chế một số tác động từ chính con người, như việc sử dụng nước ngầm, khai thác cát, hay cần nghiên cứu kỹ hơn về tác động của thủy điện.
PV: Để đào sâu hơn vấn đề này, được biết AFD sẽ tiếp tục có phần nghiên cứu tiếp theo. Bà có thể tiết lộ thêm không?
Bà Hélène Djoufelkit, Giám đốc Ban Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách công của AFD: Chắc chắn rồi! Đầu tiên chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về các giải pháp thích nghi màViệt Nam có thể thực hiện với các sự kiện khắc nghiệt, như mưa lũ, hay nắng nóng kéo dài. Tiếp đến là nghiên cứu tác động của quá trình chuyển đổi xanh đối với kinh tế và ngân sách của Việt Nam. Đặc biệt là an sinh xã hội và quá trình chuyển dịch việc làm.
Chúng tôi rất mong sẽ có được sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và đơn vị liên quan ở Việt Nam thời gian tới để thực hiện nghiên cứu này.
PV: Một lần nữa cảm ơn bà dành thời gian cho Đài Truyền hình Việt Nam!