Trật tự trên thị trường ngân hàng đã bị xáo trộn sau những cuộc mặc cả, "đi đêm" lãi suất giữa ngân hàng và khách hàng. Cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng này để hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh.
Tiền đồng đang ở đâu?
Sau hơn 3 tuần Chỉ thị 02 của Thống đốc NHNN đi vào cuộc sống, nhìn chung các NHTM đều thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động là 14%/năm. Tuy nhiên cũng có ngân hàng (nhất là các ngân hàng nhỏ) kêu ca bị rút tiền.
Chẳng hạn, NHTMCP Nam Việt (Navibank - NVB) cho biết, tính đến ngày 17-9-2011, ngân hàng này đã bị rút khoảng 537 tỷ đồng. Còn với NHTMCP Đại Á (DaiABank) số tiền huy động tính đến ngày 12/9/2011 cũng bị giảm 0,2% so với ngày 9-9-2011, trong đó tiền gửi của các tổ chức kinh tế sụt giảm nhiều nhất.
Hay như NHTMCP Việt Á (VietABank), mỗi ngày ngân hàng này bị mất vốn khoảng 50-60 tỷ đồng… Cũng bị các tổ chức, doanh nghiệp rút tiền gửi nhiều, nhưng NHTMCP Xuất Nhập khẩu (Eximbank - EIB) lại được bù đắp bởi nguồn tiền gửi dân cư nên tính ra nguồn vốn huy động chẳng những không giảm mà còn tăng. Cụ thể, tính từ ngày 7-9 đến 25-9-2011, lượng tiền rút ra khỏi Eximbank là 34.000 tỷ đồng, nhưng bù lại lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng 37.000 tỷ đồng.
Vấn đề các ngân hàng quan tâm là tiền đang đi đâu khi ngân hàng nào cũng kêu mất vốn. Ngân hàng nhỏ kêu vốn chảy sang ngân hàng lớn, ngân hàng lớn cũng kêu mất vốn?
Thực tế, số liệu thống kê của NHNN từ ngày 7-9-2011, nguồn vốn của các ngân hàng có biến động, nhiều ngân hàng giảm nhưng cũng có ngân hàng tăng, tăng nhiều nhất là NHTMCP Á Châu (ACB) tới 42%, một số ngân hàng nhỏ vốn cũng chảy về (nhưng ít)…
Tuy nhiên, khi tổng kết thì tổng huy động vốn vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng, dù không tăng nhiều như những năm trước. Theo ông Hồ Hữu Hạnh - Giám đốc NHNN TPHCM, mọi năm thì 10 tháng đầu năm hệ thống ngân hàng trên địa bàn "bội thu" khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng qua 8 tháng đầu năm nay thì lại bị "bội chi" 3.000 tỷ đồng.
Theo ông Hạnh và nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, có thể người dân rút tiền mua vàng. Nhưng hiện nay các ngân hàng không được huy động vàng (chỉ được huy động chứng chỉ tiền gửi bằng vàng) nên tiền "chôn" vào vàng trong khi lượng vàng này đa phần không được gửi vào ngân hàng để cân bằng tổng nguồn huy động.
Ổn định tâm lý người dân
Mặt bằng lãi suất huy động đã quay về 14%/năm trên toàn hệ thống. Tuy nhiên, theo bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), vấn đề của các ngân hàng hiện nay là phải xóa bỏ tình trạng mặc cả lãi suất, thiết lập lại trật tự đã có. Vì việc khách hàng đến ngân hàng mặc cả lãi suất là chuyện chỉ có ở ngân hàng Việt Nam.
Trên thực tế, bản thân các ngân hàng cũng rất mệt mỏi với việc đối phó, lách trần, cùng những “yêu sách” của khách hàng. Tuy nhiên, trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc để mất khách là cực chẳng đã. Bởi vậy, Chỉ thị 02 chính là một “cây gậy” để các NHTM từ chối những yêu sách bất hợp lý của khách hàng.
Tuy nhiên, cũng cần phải ổn định tâm lý người dân để họ tin tưởng vào hệ thống ngân hàng và gửi tiền vào đây. Theo bà Đinh Thu Thảo, Phó Tổng giám đốc Eximbank, với lượng tiền gửi vào tăng thêm của Eximbank trong thời gian qua cho thấy người dân vẫn tin tưởng vào lãi suất 14%/năm.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đang trông chờ vào động thái của NHNN trong việc tái cấp vốn cho các ngân hàng bị thiếu hụt do tình trạng này gây ra. Một lãnh đạo ngân hàng nhỏ cho rằng, việc ngân hàng nhỏ tiếp cận vốn trên thị trường liên ngân hàng không phải dễ, còn để tham gia thị trường mở (OMO) thì họ lại thiếu "lương khô" (trái phiếu Chính phủ) nên rất lo ngại nếu tình trạng mất vốn kéo dài.
Theo số liệu thống kê toàn ngành, tính đến 12-9-2011, tốc độ tăng nguồn vốn là 10,7%, trong khi đó tốc độ tăng của tín dụng là 8,6%. Lần đầu tiên sau nhiều tháng tốc độ tăng của nguồn vốn đã lớn hơn tốc độ tăng của sử dụng vốn. Tổng phương tiện thanh toán (M2) 8 tháng tăng 9,16%. Những yếu tố trên là cơ sở quan trọng cho quyết định hạ lãi suất của NHNN. Lãi suất cao không những ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng ngay đến bản thân hoạt động của các ngân hàng.
Do vậy, cần phải thiết lập lại trật tự thị trường tiền tệ -ngân hàng bằng việc lành mạnh, minh bạch và ổn định hệ thống. Trong tình hình này thì sự làm gương của những ngân hàng lớn nằm trong "nhóm G12" phải thể hiện sự nghiêm túc tuyệt đối và vai trò dẫn dắt thị trường cùng với sự điều hành linh hoạt của NHNN.