Tony Xu - Kỳ lân ngành giao đồ ăn nhanh

(ĐTTCO) - Sau 8 năm thành lập, ứng dụng giao đồ ăn nhanh DoorDash tại Mỹ bất ngờ tăng lợi nhuận mạnh trong năm 2020. Số lượng đơn hàng tăng vọt bởi nhu cầu cao của khách hàng trong đại dịch. Đến cuối tháng 12-2020, DoorDash chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán New York và tiếp tục phát triển cho đến thời điểm hiện tại. Thành quả này là sự ghi nhận nỗ lực của một trong những nhà sáng lập DoorDash, CEO Tony Xu.

Tony Xu - Kỳ lân ngành giao đồ ăn nhanh
Rẽ ngang kinh doanh
Năm 2020, DoorDash đạt doanh thu gần 2,9 tỷ USD, tăng hơn gấp 3 lần so với năm trước. Công ty đã cung cấp các bữa ăn từ 390.000 nhà hàng ở Mỹ, Canada và Australia. Khoản lợi nhuận thu về trong năm 2020 và kết quả đợt phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) của DoorDash với mức định giá hơn 30 tỷ USD đã đưa mức tài sản của Tony Xu đạt 3,1 tỷ USD. 
Tony Xu sinh năm 1985 tại ở thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Gia đình của Tony Xu định cư tại Champaign, một thành phố nhỏ tại Illinois, sau khi chuyển đến một đất nước xa lạ chỉ với “vài trăm USD trong túi”. Tại đây, bố mẹ Xu làm việc tại một nhà hàng địa phương. Trong khoảng thời gian này gia đình anh có chi phí sinh hoạt eo hẹp đến mức phải phụ thuộc vào các chương trình hỗ trợ của liên bang, thậm chí việc “đến McDonald's cũng là một sự xa xỉ”. Tony Xu làm việc ngay từ khi còn nhỏ, kiếm tiền từ việc rửa bát trong nhà hàng mẹ anh làm việc và bắt đầu việc kinh doanh cắt cỏ của riêng mình vào năm lên 9. Tại đây, anh và bạn bè  kiếm tiền từ việc cắt cỏ theo nhiều thiết kế khác nhau cho hàng xóm. Sau khi tốt nghiệp Đại học California, Berkeley với bằng kỹ sư công nghiệp, Xu làm việc cho McKinsey và eBay với ước mơ cuối cùng trở thành một nhà nghiên cứu. 
Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, ý tưởng trở thành một doanh nhân đã đến với anh khi gặp 2 người đồng sáng lập DoorDash là Andy Fang và Stanley Tang tại Startup Garage, một khóa học dựa trên dự án tại Stanford. Năm 2012, họ nảy ra ý tưởng về dịch vụ giao đồ ăn cho dự án lớp học sau khi nói chuyện với một chủ cửa hàng bánh hạnh nhân nhỏ nhưng nổi tiếng, cho rằng cô ấy không có cách nào để đáp ứng những khách hàng muốn bánh được giao đến văn phòng của họ. Từ đó họ ra mắt dịch vụ trực tuyến có tên PaloAltoDelivery.com. Vào năm 2013, công ty tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp Y Combinator, nhận được 120.000USD tiền đầu tư. Năm đó, Xu và những người đồng sáng lập đổi tên doanh nghiệp thành DoorDash và bắt đầu thuê thêm nhân viên cũng như tài xế giao hàng. “Tôi thực sự thích dự án mà tôi đang thực hiện với những người đồng sáng lập của mình, và tôi cũng thích làm việc với họ, vì vậy không quá khó khăn để tôi triển khai dự án này” - Tony Xu nói. Trong 2 năm đầu tiên của DoorDash, Xu giao bữa ăn hàng ngày trên chiếc Honda Accord đời 2001 của mình.

Tìm ra thị trường ngách bỏ quên 
Chỉ 7 năm sau khi thành lập DoorDash, vị giám đốc điều hành 36 tuổi quyết định phát hành cổ phiếu của công ty ra công chúng. Đây là một trong những đợt IPO lớn nhất năm 2020. Thực tế này cho thấy, dịch Covid-19 không cản đà phát triển của DoorDash. Ngược lại, công ty thậm chí tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2020, sớm bỏ xa các đối thủ còn lại. Chỉ riêng trong quý III-2020, doanh thu của DoorDash tăng hơn 250% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu của Uber Eats và Grubhub chỉ tăng lần lượt 125% và 52%. Hiện DoorDash có hơn 390.000 người bán trên nền tảng của mình, hơn 18 triệu khách hàng và hơn 1 triệu Dasher (cách gọi của những người giao hàng).
“Xu hướng chiếm lĩnh thị trường và tăng trưởng nhanh hơn đối thủ của DoorDash đã sớm hình thành từ trước đại dịch. Đại dịch chỉ thúc đẩy xu hướng này” - nhà phân tích nghiên cứu cao cấp Tom White của D.A. Davidson bình luận. DoorDash tăng tốc nhanh hơn đối thủ nhờ khả năng tìm ra các thị trường bị bỏ quên, chẳng hạn khu vực nông thôn ở Mỹ, rồi sớm xây dựng thương hiệu trước đối thủ. Dĩ nhiên, DoorDash cũng phải đánh đổi nhiều để đạt tốc độ tăng trưởng thần tốc. Theo một cựu nhân viên của DoorDash, thời gian làm việc của Tony Xu rất dài. Người này mô tả phong cách lãnh đạo của anh rất nghiêm khắc với tiêu chuẩn rất cao. Tony Xu chia sẻ: “Tôi có những tiêu chuẩn cao vì tôi cho rằng mọi người có thể đạt được nhiều hơn những gì họ tưởng tượng. Tôi rất biết ơn cha mẹ mình, vì họ không bao giờ đặt giới hạn cho những gì tôi có thể làm”.
Vào năm 2018, DoorDash vừa công bố huy động được thêm 250 triệu USD vốn đầu tư từ Management LLC và DST Global, chưa đầy 6 tháng sau khi nhận được 535 triệu USD từ một số nhà đầu tư gồm SoftBank hồi tháng 3. Theo đó, định giá của startup này đã tăng gần gấp 3 lần từ 1,4 tỷ USD lên 4 tỷ USD. Cũng giống các đối thủ như GrubHub Inc, Delivery.com, Postmates, Uber Eats và một số startup khác, DoorDash đang tích cực thu hút khách hàng bằng các chương trình giảm giá và khuyến mại khủng. Công ty hợp tác với một số nhà hàng như Wendy's, Jack In The Box và Buffalo Wild Wings, đồng thời cũng mở rộng giao thực phẩm trực tuyến kết hợp với Walmart. Năm 2018, công ty nắm giữ 17% thị trường giao đồ ăn tại Mỹ, xếp sau các đối thủ cạnh tranh chính là Uber Eats và Grubhub. Chỉ 2 năm sau, nó hiện chiếm 50% thị trường, vượt xa Uber Eats (26%) và Grubhub (16%).
Tony Xu tiết lộ công ty của anh đang ưu tiên mở rộng tại Mỹ, Canada và Australia trước khi mở rộng sang các thị trường khác. DoorDash hướng tới mục tiêu hoạt động tại 2.000 thành phố trong năm nay. Trong khi nổi tiếng nhất với dịch vụ giao đồ ăn từ các nhà hàng, DoorDash còn có tham vọng lớn hơn thế. Công ty nhắm vào việc xây dựng thêm các sản phẩm thay đổi cách các nhà hàng bán hàng gồm cả nền tảng giao vận theo nhu cầu có khả năng giao rau củ trong vòng 1 giờ, hay giao kem mà không bị chảy. Công ty này đã đa dạng hóa những sản phẩm mà họ cung cấp bằng việc hợp tác với các cửa hàng tiện lợi và rau củ. Tuy nhiên những lĩnh vực mới cũng gặp phải sự cạnh tranh không hề nhỏ. Thí dụ trong lĩnh vực giao rau củ theo nhu cầu, một cái tên nổi bật phải kể đến là Instacart - gần đây đã hợp tác với Walmart để đấu lại Amazon.
Thành công ở thời điểm hiện tại vẫn chưa làm Tony Xu hài lòng. Ngoài việc đưa công ty phát triển theo hướng đa dạng, Tony Xu vẫn luôn ứng dụng phương châm tận tâm, nhiệt tình với khách hàng để giữ chân và tăng thêm lượng khách hàng tiềm năng. "Vận chuyển thức ăn nhanh chỉ là khởi đầu của công ty. Tony và đội ngũ của anh ấy có tầm nhìn chắc chắn để tạo ra một chuỗi cung ứng hàng đầu thế giới. Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với họ để thúc đẩy tiến trình này" - Jeffrey Housenbold, quản lý điều hành Softbank Group, nhận xét. 

Các tin khác