TP Thủ Đức: Nấu được rượu ngon mới tính chuyện mua bình quý

(ĐTTCO)-Về dự án xây dựng TP Thủ Đức, gắn liền với đô thị thông minh, sáng tạo và trung tâm tài chính (TTTC) tôi có 3 vấn đề trao đổi có tính chất gợi mở.
TP Thủ Đức: Nấu được rượu ngon mới tính chuyện mua bình quý ảnh 1
TTTC: Truyền thống hay công nghệ?
Tư duy xây dựng TTTC dựa trên nền tảng tập trung hóa, bao gồm nhiều tòa cao ốc chọc trời, quy tụ nhiều định chế tài chính, ngân hàng, trung tâm giao dịch... ngày nay đã trở nên lạc hậu.
Đó là mô hình của nhiều chục năm về trước, khi các giao dịch tài chính vẫn theo kiểu truyền thống. Khách hàng cả cá nhân và doanh nghiệp ưa chuộng các địa điểm giao dịch có tính thuận tiện trong đi làm, hiện đại và đồ sộ để nói lên sức mạnh và thương hiệu của định chế mà mình chọn làm đối tác.
Còn ngày nay, xu hướng phát triển của thị trường tài chính hiện đại là dựa trên yếu tố công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng fintech. Điều này khiến cho nền tảng tập trung hóa sẽ không còn phù hợp và thậm chí sẽ bị đào thải trong tương lai.
Chúng ta đã thấy ngày càng có nhiều các giao dịch tài chính, sản phẩm và dịch vụ tài chính được hình thành, thực hiện và xử lý hoàn toàn dựa trên nền tảng internet, điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo và trong tương lai là các robot và quy trình tự động hóa. 
Vì vậy, kỳ vọng xây dựng một TTTC tại TP Thủ Đức sẽ tạo ra thế mạnh hay là động lực để mang lại sự thành công cho đô thị này tôi e rằng sẽ khó thành hiện thực. Nếu tư duy như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đã thất bại ngay từ ý tưởng xây dựng TTTC.
Dòng chu chuyển vốn quốc tế ví tựa như đoàn tàu di chuyển liên tục 24 giờ một ngày qua các thị trường trên toàn cầu.
Vì vậy, nếu thực sự muốn xây dựng một TTTC tại TPHCM chúng ta phải có các giải pháp làm sao để thu hút đoàn tàu này đến và dừng chân tại “nhà ga” của chúng ta, cũng tựa như các nhà ga lớn hiện nay trong khu vực là Tokyo, Hồng Kông và Singapore.
Vì vậy, câu chuyện xây dựng TTTC không phải nằm ở vấn đề quy hoạch, đất đai, địa ốc và xây dựng. Mà đó là vấn đề phát triển thị trường tài chính của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đặc biệt là khai thác các thế mạnh và tiềm năng để có thể đẩy mạnh các mô hình, giao thức kinh doanh mới theo xu hướng tài chính công nghệ.
Điều này mới tạo ra sự hấp dẫn và tính khác biệt của TTTC TPHCM với các đô thị khác của Việt Nam và cả khu vực.
TP Thủ Đức: Nấu được rượu ngon mới tính chuyện mua bình quý ảnh 2 Cảng Cát Lái, một trong những cảng trọng điểm của TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nền tảng của đô thị thông minh – sáng tạo là gì?
Tôi chưa rõ vì sao TP Thủ Đức sẽ là một đô thị thông minh và sáng tạo, dựa trên nền tảng và “chất liệu” gì để định hướng phát triển như vậy? Chắc chắn không thể chỉ vì ở đó đã có sẵn Khu Công nghệ cao và Đại học Quốc gia TPHCM (về ranh giới hành chính, phần lớn diện tích Đại học Quốc gia nằm trên địa phận tỉnh Bình Dương).
Thực ra gần đây vấn đề các nhà kinh tế và hoạch định chính sách vẫn hay thảo luận là mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới sẽ dựa trên động lực gì khi tài nguyên thiên nhiên và lao động không còn là lợi thế như giai đoạn trước đây.
Câu trả lời đó là chúng ta cần xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên động lực của khoa học công nghệ, đổi mới và sáng tạo. Vì vậy, đó vốn là câu chuyện của xây dựng mô hình kinh tế của Việt Nam. 
Chúng ta bất ngờ nói rằng Thủ Đức sẽ là đô thị thông minh, sáng tạo mà không có các minh chứng hay cơ sở rõ ràng, e rằng sẽ khó thuyết phục người dân và nhất là nhà đầu tư, cũng giống như chưa nấu được rượu ngon đã tính đến chuyện đi mua bình quý.

Thí điểm phân cấp ngân sách để có thêm nguồn vốn đầu tư
 Câu chuyện xây dựng TTTC không phải nằm ở vấn đề quy hoạch, đất đai và địa ốc, mà đó là vấn đề phát triển thị trường tài chính theo hướng công nghệ và hiện đại.
Cuối cùng vấn đề quan trọng nhất vẫn là lấy đâu ra tiền để đầu tư. Cho dù huy động các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, chắc chắn TP cũng cần phải dành một nguồn ngân sách không nhỏ để thực hiện các phân đoạn đầu của dự án.
Trong khi đó, nguồn ngân sách hiện nay vô cùng hạn hẹp và đang không đủ để trang trải cho các nhu cầu khác của cả TP. Điều này lại quay về chủ đề tỷ lệ ngân sách để lại cho TP hiện nay được cho là quá thấp. Mức 18% không đáp ứng được các yêu cầu để đầu tư cho phát triển, tạo đột phá, đảm bảo vai trò là đầu tàu kinh tế cho cả nước.
Lãnh đạo TP muốn tỷ lệ ngân sách để lại tăng lên 24% cho giai đoạn 2021-2025 và 33% cho giai đoạn 2026-2030. Thế nhưng, cái khó là nếu tăng tỷ lệ % để lại cho TPHCM lại tạo áp lực lên phân bổ ngân sách cho các địa phương, tỉnh thành khác.
Vì vậy bài toán “xin-cho” ngân sách sẽ không bao giờ có thể giải quyết một cách triệt để với mô hình ngân sách tập trung, một cấp như hiện nay.
Thay vì kiến nghị tăng tỷ lệ ngân sách được giữ lại TP cần kiến nghị một giải pháp triệt để hơn là đề xuất được thí điểm mô hình ngân sách phi tập trung và phân cấp. Nếu thành công sẽ nghiên cứu để tiến tới sửa Luật Ngân sách Nhà nước và áp dụng cho cả nước.
Theo đó, TP sẽ được phép hình thành và phân loại những khoản thuế, phí và nguồn thu ra thành những khoản phải nộp về Trung ương và phần ngân sách của TP được toàn quyền giữ lại và sử dụng. Điều này sẽ khuyến khính, tạo động lực thôi thúc Chính quyền TP và sau này là các địa phương, tỉnh thành khác trong cả nước phải tích cực sáng tạo, đổi mới mô hình phát triển kinh tế của địa phương để có thể gia tăng nguồn thu từ các khoản thuế, phí riêng của địa phương.
Ngược lại, tỉnh thành càng có nhiều nguồn thu riêng càng có động lực để phát triển địa phương mình và thu hút tạo ra nhiều nguồn thu ngân sách khác.
Một cách tương đối thì mô hình này sẽ khiến cho mỗi TP, đô thị cũng giống một doanh nghiệp. Điều này vừa giảm bớt sự ỷ lại vào “bầu sữa” ngân sách, vừa tạo ra sự cạnh tranh tích cực giữa các đô thị, TP, tỉnh thành trong cả nước để cùng đưa đất nước phát triển. 
Và có thể mô hình hoạt động, cơ chế quản lý đặc thù của TP Thủ Đức sẽ là một điển hình cho nguồn thu ngân sách riêng của TPHCM. Từ sự thành công đó sẽ nhân rộng cho các đô thị mới, mỗi nơi mang một thế mạnh, nét đặc thù riêng của mỗi địa phương, tỉnh thành trong cả nước.

Các tin khác