Bên cạnh việc xây dựng bể chứa và hỗ trợ bồn đựng nước, trong thời gian tới, TPHCM sẽ đầu tư xây dựng 130 km đường ống cấp 1, cấp 2 và 1.080 km đường ống cấp 3 để đưa nước sạch về phục vụ nhu cầu của bà con đang sinh sống tại địa bàn các quận, huyện.
Từ nhiều năm nay, hàng nghìn hộ gia đình ở phường Tân Chánh Hiệp (Quận 12) ngày nào cũng phải mua vài bình nước sạch để sử dụng hằng ngày vì nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn. Những gia đình không có điều kiện mua nước bình phải thuê người đào giếng khoan, trong khi nguồn nước này đang ngày càng ô nhiễm.
90% người dân ngoại thành TPHCM đang sử dụng nước giếng khoan. |
Bà Nguyễn Thị Châu, một người dân sinh sống tại phường Tân Chánh Hiệp cho biết, tất cả sinh hoạt của gia đình bà, từ việc cơm nước đến tắm giặt… đều đang phụ thuộc vào nguồn nước giếng. Nếu như trước đây nước giếng khoan chỉ cần lọc một lần là dùng được thì nay lọc đến hai, ba lần mà vẫn chưa hết mùi khó chịu.
Cũng trong tình trạng tương tự, nhiều hộ dân tại các xã Bà Điểm, Xuân Thới Sơn, Đông Thạnh của huyện Hóc Môn đang phải sử dụng nước giếng khoan bị nhiễm phèn. Trong đó, các ấp 1, 2, 3 và 7 của xã Đông Thạnh - nằm quanh bãi rác Đông Thạnh, là nơi có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng nhất.
Ông Nguyễn Văn Minh, nhà ở ấp 3, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) phản ánh, do không có nước sạch nên bà con nơi đây thường phải mang thùng, lu ra để hứng nước mỗi khi trời mưa; hoặc mua nước xe bồn với giá 60.000 đồng/m3. Nhiều người chấp nhận bỏ ra 4-5 triệu đồng thuê người khoan giếng mà vẫn không có nước sử dụng vì nước trong giếng quá bẩn.
Theo đánh giá của HĐND TPHCM, tình trạng “khát” nước sạch đang là vấn đề bức xúc của nhiều hộ gia đình sinh sống tại địa bàn các quận, huyện ngoại thành TPHCM là Quận 9, Quận 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Hơn 90% người dân ở các khu vực trên đang phải sử dụng nước giếng, trong khi nguồn nước này bị ô nhiễm nặng.
Ông Phạm Văn Đông, Trường Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TPHCM, cho hay có trường hợp ở xã Bà Điểm (Hóc Môn), mặc dù nước giếng đã được lọc rất trong, không mùi nhưng khi người dân mang ra tắm thì bị ngứa; tưới cây thì cây chết. Đưa mẫu nước đi xét nghiệm mới biết tỷ lệ nhiễm phèn lên đến 50%.
"Chất lượng nước người dân ngoại thành TPHCM đang sử dụng là rất đáng lo ngại. Nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe; chất lượng nước khác nhau cũng khiến khoảng cách chênh lệch giữa cuộc sống của người dân ngoại thành và nội thành càng cao", ông Đông khẳng định.
Để giải quyết bài toán “nước sạch” cho người dân ngoại thành, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, cho hay: Trước mắt Thành phố sẽ tập trung cấp nước cho các nhóm cư dân nằm rải rác ở các huyện ngoại thành. Theo đó, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) sẽ tiến hành xây dựng các bể chứa lớn, chuyển nước sạch cho người dân; những nơi không có điều kiện xây bể, SAWACO sẽ hỗ trợ bồn chứa nước.
Đối với việc quản lý giá nước, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho hay, các đơn vị cấp nước của Thành phố sẽ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, phối hợp tốt để người dân được dùng nước sạch, đủ và đúng giá; đồng thời siết chặt việc quản lý giá nước tại bồn, tránh tình trạng Thành phố cung cấp nước đúng giá nhưng đơn vị quản lý tự ý cộng thêm các chi phí khác.
Về kế hoạch cấp nước trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, trong năm 2014 và 2015, TPHCM dự kiến đầu tư 130 km mạng cấp 1-2 để tiếp nhận nước của 2 nhà máy Tân Hiệp 2 và Thủ Đức 2; xây dựng 1.080 km đường ống cấp 3 để dẫn nước về phục vụ nhu cầu của các hộ dân sinh sống tại vùng ven Thành phố.
Nguồn lực để thực hiện kế hoạch này sẽ được Thành phố huy động từ xã hội. UBND TPHCM đã giao SAWACO và Sở Giao thông vận tải xây dựng đề án “Xã hội hóa ngành cấp nước” theo hướng SAWACO bán sỉ, các nhà đầu tư tham gia và bán lẻ cho dân. Giá nước vẫn sẽ do Thành phố quản lý.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, ngay trong tháng 4/2014, Thành phố sẽ tổ chức kiểm tra và đánh giá lại toàn bộ các điểm cấp bồn nước; đồng thời giải quyết dứt điểm tồn tại liên quan đến việc quản lý giá nước tại bồn chứa.