TPHCM cần 75.400-77.000 chỗ làm việc trong quý 2

(ĐTTCO)-Quý 2 này TP Hồ Chí Minh cần khoảng 75.400-77.100 chỗ làm việc; trong đó, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu cần khoảng 12.300-12.500 chỗ làm việc, chiếm 16,8% so với tổng cầu.

Sinh viên và người tìm việc tham gia Ngày hội tuyển dụng chuyên ngành kinh tế năm 2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Sinh viên và người tìm việc tham gia Ngày hội tuyển dụng chuyên ngành kinh tế năm 2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 3/4, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quý 2 này Thành phố cần khoảng 75.400-77.100 chỗ làm việc.

Trong đó, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu cần khoảng 12.300-12.500 chỗ làm việc, chiếm 16,8% so với tổng cầu. Cụ thể, ngành Điện tử-Công nghệ thông tin chiếm 6,42%; Cơ khí chiếm 4,59%; Chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 3,08%; Hóa dược-Cao su chiếm 2,71%.

Nhu cầu nhân lực ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần khoảng 49.300-50.400 chỗ làm, chiếm 60,05% so với tổng cầu. Trong đó, ngành Thương mại chiếm 22,82%; Dịch vụ thông tin tư vấn, Khoa học-Công nghệ chiếm 12,5%; Kinh doanh tài sản-bất động sản chiếm 9,22%;...

Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,41% tổng nhu cầu nhân lực; trong đó trình độ Đại học trở lên chiếm 24,9%; Cao đẳng chiếm 17,63%; Trung cấp chiếm 25,18%; Sơ cấp chiếm 18,7%. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá thấp 13,59% tổng nhu cầu nhân lực.

Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động, Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục phát triển kinh tế theo những định hướng, kế hoạch của năm 2024. Do vậy, thị trường lao động có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề.

Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỷ luật lao động. Đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trau dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

Theo khảo sát của Falmi (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh) về dự kiến nhu cầu tăng, giảm lao động trong quý 2 này cho thấy có 42 doanh nghiệp dự kiến tăng 155 lao động và có 23 doanh nghiệp trả lời dự kiến giảm lao động với số lượng gần 550 người.

Đại diện Falmi cũng đánh giá thị trường lao động quý 1 vừa qua sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023 khi nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề tăng 11,22%. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại-dịch vụ với gần 54.000 chỗ làm việc, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái; khu vực công nghiệp-xây dựng với hơn 29.000 chỗ làm việc, tăng 5,46%…

Các tin khác