Ngày 27/7, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, dự báo nhu cầu nhân lực trên địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm 2021 cần khoảng 127.000-147.000 chỗ làm việc.
Đại diện Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố cho biết, trên cơ sở dữ liệu khảo sát nhu cầu nhân lực của Trung tâm, ứng dụng phương pháp dự báo chuỗi thời gian ARIMA (phương pháp dự báo yếu tố nghiên cứu một cách độc lập) trên phần mềm thống kê SPSS (phần mềm hỗ trợ xử lý và phân tích dữ liệu sơ cấp) để xác định mô hình, ước lượng các tham số của mô hình, kiểm định phần dư và dự báo dựa vào mô hình lựa chọn cho thấy có 2 kịch bản cụ thể.
Theo đó, kịch bản thứ nhất, khi tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế-xã hội, các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ như ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải… khu vực công nghiệp-xây dựng gồm ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng…
Dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 cần khoảng 127.000 chỗ làm việc.
Xu hướng việc làm trong thời gian này tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như kinh doanh thương mại cần khoảng 26.048 chỗ làm việc; công nghệ thông tin-điện tử cần khoảng 8.903 chỗ làm; dịch vụ cá nhân-chăm sóc sức khỏe và y tế cần 8.319 chỗ làm; dệt may-da giày cần khoảng 7.785 chỗ làm; marketing cần khoảng 7.353 chỗ làm; chế biến lương thực-thực phẩm cần khoảng 7.125 chỗ làm.
Nhóm ngành nghề cần dưới 5.100 chỗ làm việc gồm: Kiến trúc-kỹ thuật công trình xây dựng; hành chính văn phòng; kinh doanh tài sản-bất động sản; vận tải-kho bãi-dịch vụ cảng.
Tiếp tục giảm là nhóm ngành nghề du lịch-lưu trú và ăn uống; tài chính-tín dụng-ngân hàng; cơ khí; kế toán-kiểm toán; hóa chất-nhựa-cao su…
Ở kịch bản thứ hai, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động đến tăng trưởng kinh tế-xã hội, với việc triển khai tiêm chủng vaccine và kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2021, hơn nữa là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp lễ Tết nên nhu cầu nguồn nhân lực tăng ở khoảng 147.000 chỗ làm việc.
Tuy nhiên, khu vực dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, khu vực công nghiệp như dệt may, da giày, chế biến gỗ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương xuất-nhập khẩu bị gián đoạn.
Theo đại diện Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố, xu hướng việc làm trong thời điểm này tăng nhẹ, tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như kinh doanh thương mại cần khoảng 30.150 chỗ làm việc; công nghệ thông tin-điện tử cần khoảng 10.305 chỗ làm; dịch vụ cá nhân-chăm sóc sức khỏe và y tế cần khoảng 9.629 chỗ làm; dệt may-da giày cần khoảng 9.000 chỗ làm việc.
Các nhóm nghề còn lại như marketing, chế biến lương thực-thực phẩm; kiến trúc-kỹ thuật công trình xây dựng; hành chính văn phòng; kinh doanh tài sản-bất động sản; vận tải-kho bãi-dịch vụ cảng; du lịch-lưu trú và ăn uống; tài chính-tín dụng-ngân hàng, cơ khí, kế toán-kiểm toán, hóa chất-nhựa-cao su mỗi ngành cần khoảng từ 3.200-8.000 chỗ làm việc.
Xét về nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, đại diện Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực thành phố nhận định, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ đại học trở lên chiếm 20,89%, cao đẳng chiếm 20,28%, trung cấp 21,09%, sơ cấp 23,5% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,24%.
Ngoài trình độ, chuyên môn, nhà tuyển dụng còn quan tâm đến kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ của người lao động.
Những kỹ năng này chính là điểm cộng mà người lao động có thể tự trau dồi trong quá trình học tập, làm việc, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường sức lao động.