TPHCM cần khoảng 77.500-86.000 việc làm trong quý 1-2024

(ĐTTCO)-Khu vực thương mại-dịch vụ cần từ 56.200-62.400 chỗ làm việc; công nghiệp-xây dựng nhu cầu từ 21.100-23.400 chỗ làm việc; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản nhu cầu từ 109-120 chỗ làm việc.

Nhu cầu nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 1/2024 khoảng 77.500-86.000 chỗ làm việc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Nhu cầu nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 1/2024 khoảng 77.500-86.000 chỗ làm việc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhu cầu nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 1/2024 khoảng 77.500-86.000 chỗ làm việc.

Khu vực thương mại-dịch vụ cần từ 56.200-62.400 chỗ làm việc (chiếm 72,63%); công nghiệp-xây dựng nhu cầu từ 21.100-23.400 chỗ làm việc (chiếm 27,23%); khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản nhu cầu từ 109-120 chỗ làm việc (chiếm 0,14%).

Qua khảo sát nhu cầu sử dụng lao động, thu thập thông tin cầu lao động tại gần 75.000 lượt doanh nghiệp, khảo sát, thu thập thông tin nhu cầu tìm việc của hơn 137.000 người lao động và dự báo tình hình kinh tế, xã hội năm 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tổng nhu cầu nhân lực quý 1/2024, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu gồm: cơ khí, điện tử-công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa dược-nhựa-cao su cần từ 13.800-15.300 chỗ làm việc (chiếm tỷ trọng 17,87%).

Ở 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu gồm: thương mại, kinh doanh tài sản-bất động sản, dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học-công nghệ, bưu chính-viễn thông và công nghệ thông tin-truyền thông, du lịch, tài chính-tín dụng ngân hàng-bảo hiểm, vận tải, kho bãi dịch vụ cảng-hậu cần hàng hải và xuất khẩu, giáo dục đào tạo, y tế cần khoảng 51.400-57.000 chỗ làm việc, chiếm tỷ trọng 66,36%.

Về trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực qua đào tạo cần 68.600-76.100 chỗ làm việc (chiếm 88,52%); trong đó trình độ đại học trở lên cần 17.100-18.900 chỗ làm việc (chiếm tỷ lệ 22,08%), cao đẳng cần 16.400-18.200 chỗ làm việc (chiếm tỷ lệ 21,19%), trung cấp cần 20.000-22.200 chỗ làm việc (chiếm tỷ lệ 25,84%), sơ cấp cần 15.000-16.600 chỗ làm việc (chiếm tỷ lệ 19,41%).

Ngoài ra, nhu cầu lao động phổ thông của Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 1/2024 cần khoảng 8.800-9.800 chỗ làm việc (chiếm tỷ lệ 11,48%).

Về tình hình tuyển dụng lao động cuối năm 2023, bà Nguyễn Hoàng Hiếu cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao để phụ vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp Tết.

Theo dự kiến, nhu cầu nhân lực quý 4 năm 2023 cần hơn 81.100 chỗ làm việc và tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành kinh tế: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin và truyền thông; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động tài chính-ngân hàng và bảo hiểm; giáo dục và đào tạo.

Các tin khác