TPHCM chủ động bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo

(ĐTTCO) - Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cho phép TPHCM được chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, từ đó tạo thêm cơ hội ổn định cuộc sống cho người dân.
Người dân nhận tiền hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12, TPHCM

Người dân nhận tiền hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12, TPHCM

Đây cũng là bước cụ thể hóa mục tiêu nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững, nâng mức chuẩn nghèo của TPHCM cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước mà Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Chính sách nhân văn

Sau nhiều năm sử dụng, 7 căn phòng trọ của gia đình bà Nguyễn Thị Việt (quận 12, TPHCM) đã xuống cấp nghiêm trọng. Ước tính chi phí sửa chữa cần hơn 150 triệu đồng. Nhiều năm nay, gia đình bà Việt tích góp được hơn 50 triệu đồng. Trong lúc chưa biết tìm nguồn tiền ở đâu, bà được tin Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) có chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Bà Việt làm hồ sơ đề nghị vay 100 triệu đồng và nhanh chóng được giải quyết. Cầm 100 triệu đồng vừa được giải ngân, bà Việt vui mừng: “Vợ chồng tôi đều hết tuổi lao động, sống nhờ vào mấy căn phòng trọ cho thuê. Việc sửa sang phòng trọ để cho thuê tiếp sẽ giúp đảm bảo thu nhập cho gia đình, cũng vừa tạo nơi ở khang trang cho người ở trọ”.

Cũng như bà Việt, trong đợt giải ngân cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn sinh viên tại phường Tân Hưng Thuận, 30 hộ gia đình khác đã được NHCSXH quận 12 cho vay khoảng 1,75 tỷ đồng.

Không riêng quận 12, chính sách cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm đã được các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai sâu.

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm đã góp phần giúp hơn 435.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt chuẩn qua các giai đoạn. Cùng với đó là tạo việc làm cho hơn 377.000 lao động, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và người lao động, phát huy hiệu quả nguồn vốn do ngân sách thành phố bổ sung hàng năm.

Số liệu tính đến ngày 31-3-2023. Nguồn: Sở LĐTB-XH TPHCM - Đồ họa: UYÊN LÊ

Số liệu tính đến ngày 31-3-2023. Nguồn: Sở LĐTB-XH TPHCM - Đồ họa: UYÊN LÊ

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết, huyện rất quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong các chương trình cho vay đang được thực hiện tại NHCSXH huyện Củ Chi có chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo và chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đây được xem là hai chương trình chủ đạo, mang tính xuyên suốt trong quá trình hoạt động của NHCSXH huyện Củ Chi.

Đến hết tháng 3-2023, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ở huyện có tổng dư nợ hơn 300 tỷ đồng với hơn 6.580 hộ vay vốn. Chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo có tổng dư nợ hơn 155 tỷ đồng với gần 3.370 hộ vay vốn.

Người dân làm thủ tục vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Củ Chi. Ảnh: NGÔ BÌNH

Người dân làm thủ tục vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Củ Chi. Ảnh: NGÔ BÌNH

Thực hiện chính quyền đô thị, từ năm 2022, việc bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo của 16 quận thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM. Dự kiến, số tiền bổ sung cho vay từ năm 2022 đến năm 2025 là 192.000 tỷ đồng.

Theo Bộ KH-ĐT, với chủ trương không để người nghèo, người lao động có phương án làm ăn, có ý thức trả nợ vay không được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của thành phố, việc bổ sung nguồn vốn nói trên còn giúp giải quyết tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn.

Ngoài ra, chính sách này, cũng góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của thành phố là đến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố (dự kiến đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 0,13%).

Đáp ứng nhu cầu vốn của nhân dân

Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, từ hai nguồn vốn trên, hàng năm có trên 1.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở huyện có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nâng thu nhập vượt qua ngưỡng cận nghèo, thoát nghèo. Các chương trình cũng tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 2.000 lao động. Qua đó, người dân có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, sự hỗ trợ vốn ưu đãi đã giúp các hộ nghèo, các đối tượng chính sách không rơi vào “bẫy tín dụng đen” khi gặp khó khăn.

Thời gian qua, để quản lý các nguồn vốn ưu đãi cho vay hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm, UBND TPHCM đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH để hỗ trợ cho vay. Từ việc ủy thác này, hàng năm thành phố đều bổ sung vốn cho các quận, huyện, TP Thủ Đức để cho vay hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Đặc biệt, chính sách này tiếp tục được đề xuất trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, cho phép HĐND TPHCM được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBND TPHCM ủy thác cho NHCSXH chi nhánh TPHCM thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Với đề xuất này, đại diện NHCSXH chi nhánh TPHCM nhận xét, việc thành phố được bố trí vốn đầu tư công để ủy thác NHCSXH cho vay hỗ trợ sẽ tạo điều kiện để hộ nghèo và hộ gia đình chính sách khác được tiếp cận thuận lợi. Qua đó, mở ra cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Trước chính sách này, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng nhận xét, trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến động, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng, hộ nghèo dễ có nguy cơ tái nghèo. Việc duy trì và phát triển mở rộng nguồn vốn cho vay ưu đãi để người nghèo, các đối tượng chính sách, người lao động có nguồn vốn sản xuất kinh doanh, có thu nhập ổn định là một giải pháp căn cơ để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bởi việc cho vay tín dụng ưu đãi giúp người nghèo, người lao động được tạo vốn để làm ăn, tăng thu nhập, dần ổn định cuộc sống. Do đó, nếu được thông qua cơ chế chính sách này thì TPHCM cân đối đảm bảo nguồn lực nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố để bổ sung vào nguồn vốn cho vay ưu đãi.

* Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM: Mục tiêu lớn đảm bảo an sinh xã hội

Nhu cầu vốn của các nguồn quỹ để hỗ trợ người dân, người lao động khó khăn cải thiện cuộc sống là rất lớn, nhưng chính sách về vốn dành cho các nguồn quỹ này còn hạn hẹp.

Ngoài ra, hiện có nhiều người dân cần vay vốn nhưng không thể vay ở các ngân hàng thương mại, nên tìm đến “tín dụng đen”. Vì vậy, việc bố trí vốn đầu tư công chưa sử dụng ủy thác cho NHCSXH hoặc các tổ chức tài chính vi mô là cần thiết, giúp các tổ chức tăng nguồn vốn hỗ trợ người dân.

Điều trở ngại hiện nay là thành phố không thể bố trí nguồn vốn đầu tư công chưa sử dụng để thực hiện chính sách này, do chưa thuộc đối tượng đầu tư công. Nếu chính sách được thông qua, do đây là cơ chế lớn nên cần có sự minh bạch về cách thức sử dụng nguồn vốn, mục đích sử dụng phải đúng đối tượng và có kế hoạch thu hồi vốn để khi cần thì sử dụng vào mục đích chính.

* Ông LÊ VĂN THINH, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Hỗ trợ đa chiều cho người dân

Nếu thành phố được bổ sung vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách, thì nguồn vốn tín dụng ưu đãi ngày càng tăng, sẽ đáp ứng mạnh mẽ nhu cầu vốn trong nhân dân. Vốn vay sẽ tập trung vào các nội dung: học văn hóa, học nghề, sửa chữa nhà cải thiện điều kiện sống, tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ thất nghiệp và đẩy lùi “tín dụng đen”. Việc bổ sung vốn cũng góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người nghèo, người yếu thế của NHCSXH.

Các tin khác