Nỗ lực kích cầu
Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, Sở Du lịch TPHCM đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) để xây dựng phần mềm (app) du lịch TPHCM. Phần mềm nhằm phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch TPHCM cho du khách trong và ngoài nước.
Ngoài tính năng tra cứu thông tin về điểm đến, khách sạn, nhà hàng và địa điểm ăn uống, các chương trình vui chơi giải trí, các chương trình khuyến mại… phần mềm dự kiến cung cấp các tính năng đặt dịch vụ (phòng, tour) trực tuyến cho người dùng. Phần mềm có thể dễ dàng tải về trên cả hệ điều hành IOS và Android. Dự kiến sau 6 tháng vận hành bản thử nghiệm, VNPT và Sở Du lịch sẽ điều chỉnh, hoàn thiện tính năng và vận hành chính thức.
Ngành du lịch cần sự chung tay của nhiều sở ngành khác để giải quyết các bài toán về an ninh, an toàn, giao thông cũng như vấn đề vệ sinh thực phẩm… Du lịch TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang đứng trước sự kỳ vọng rất lớn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn vậy cần phải có giải pháp từ những người có trách nhiệm. Nếu không, ngay cả những ý kiến góp ý cũng sẽ dần ít đi vì nói mãi nhưng không thay đổi thì không biết nói để làm gì. Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM |
Ngoài dự án mới này, TP cũng đang có kế hoạch triển khai nhiều sản phẩm, điểm đến khác để phát huy vai trò trung tâm vùng của mình. Theo chia sẻ của ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, hiện TP đang có chủ trương nghiên cứu đô thị lấn biển Cần Giờ, đầu tư khu công viên Safari ở Củ Chi, đầu tư trung tâm thể dục thể thao và nhiều công trình quan trọng hỗ trợ để TP trở thành điểm đến đa dạng. Ngoài ra TP cũng đang có chủ trương hình thành trung tâm mua sắm phong phú với điều kiện hoàn thuế thuận lợi…
Nhìn lại ngành du lịch TP trong hơn một năm qua, có thể thấy được những nỗ lực đáng ghi nhận như việc hình thành phố đi bộ Bùi Viện hay việc cho ra đời nhiều con phố chuyên doanh như phố đông y, phố vàng bạc...
Cùng với đó là sáng kiến tổ chức chương trình nghệ thuật đường phố tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phát triển thêm các sản phẩm du lịch y tế thông qua việc hợp tác giữa 2 Sở Du lịch và Y tế với 5 loại hình: nha khoa, y học cổ truyền, thẩm mỹ, khám sức khỏe và tầm soát bệnh, các dịch vụ chuyên sâu. Cùng với đó là phát triển sản phẩm du lịch thể thao với việc tổ chức giải marathon quốc tế lần đầu tiên. Du lịch đường thủy cũng đang được chú trọng phát triển nhằm tận dụng những lợi thế sẵn có của TP.
Nhiều nỗ lực liên tiếp đã góp phần giúp ngành du lịch TP đón được 6,4 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017, và tính đến hết tháng 3 năm nay đã đón 1,98 triệu khách quốc tế. Đây cũng được xem là mức tăng trưởng tốt. Song theo đánh giá của những người làm du lịch, ngành du lịch TP vẫn còn đó nhiều điểm nghẽn mà nếu tìm được lời giải sớm sẽ có thể kích thích tăng trưởng mạnh hơn, du khách chi tiêu nhiều hơn và lưu trú lâu hơn.
Chưa sáng tạo, định hình nét riêng
Chưa sáng tạo, định hình nét riêng
Tại diễn đàn “TPHCM – kết nối du lịch vùng” diễn ra cách đây không lâu, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận, du lịch TPHCM có đóng góp quan trọng cho du lịch Việt Nam, song ông Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra 4 thách thức của du lịch TP. Thứ nhất, có tài nguyên nhưng sản phẩm chưa đồng bộ, chưa thể hiện sự sáng tạo. Thứ hai, điểm nghẽn về hàng không. Thứ ba, vấn đề an ninh, an toàn cho điểm đến. Thứ tư, liên kết nội tại và liên kết vùng để giải quyết các thách thức đặt ra.
Thực tế những điều ông Tuấn nói đến lâu nay cũng được nhắc nhiều, nhưng ngành du lịch vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Đơn cử như hiện nay dù TP đang nỗ lực tạo nhiều sản phẩm du lịch nhưng vẫn thiếu tính đặc trưng, mang bản sắc nhận biết riêng có của TP, thậm chí có những sản phẩm còn mang tính hình thức chưa đánh trúng vào nhu cầu của du khách.
Hay như việc phát triển TPHCM thành một trung tâm mua sắm cũng được nói nhiều, nhưng nay vẫn chưa đâu vào đâu, khách nội còn ra các nước trong khu vực mua hàng thì làm sao kích thích khách quốc tế chi tiêu mua sắm. Dễ thấy hai năm trở lại đây lượng khách Trung Quốc đến TPHCM đang gia tăng nhanh chóng. Họ không chỉ thích chơi, ăn mà còn rất thích mua sắm, nhưng chúng ta lại chưa có những trung tâm “đáng đồng tiền” để họ phải rút “hầu bao”.
Chuyện chi tiêu của du khách dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thế nên, chúng ta vẫn hay có những thống kê rất cụ thể số khách đến hàng quý, hàng năm là bao nhiêu, mà chưa có nghiên cứu, thống kê liên tục về chi tiêu của khách để từ đó biết khách hàng thích gì, phát triển sản phẩm nào cho phù hợp.
Cũng liên quan đến sản phẩm du lịch của TPHCM trong khá nhiều diễn đàn, hội nghị gần đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa ra góp ý các sản phẩm du lịch của Việt Nam và cả TPHCM hiện nay nặng về lấy văn hóa làm nền tảng, nên chủ yếu là các sản phẩm du lịch từ 7h sáng đến 17h, còn các sản phẩm từ 18h đến 2h sáng còn nghèo nàn. Trong khi đó, khách lại có nhu cầu với nhóm sản phẩm về đêm và lợi nhuận từ những sản phẩm này không hề nhỏ. Và để thấy rõ hơn điều này, chỉ cần nhìn qua du lịch các nước như Thái Lan, hay Singapore…
Có thể thấy làm du lịch chính là bán trải nghiệm cho khách hàng, sản phẩm làm ra phải dựa trên nhu cầu và sự thích thú của khách chứ không phải dựa vào cảm nhận của người bán.
Vì vậy, cần chung tay xây dựng môi trường thân thiện và hấp dẫn để lôi kéo du khách. Thực tế đòi hỏi ngành du lịch cần có bước tiến mạnh mẽ hơn từ việc quảng bá, tạo điểm nhấn để khách chi tiêu nhiều và thích thú quay trở lại hơn.