TPHCM: Công việc quá tải, nhiều cán bộ cơ sở làm đến 2 giờ sáng

(ĐTTCO) - Cán bộ, công chức ở phường, xã, thị trấn là nguồn nhân lực quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả tham mưu công tác quản lý nhà nước và phục vụ người dân.

Ngày 16-5, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy với Thường trực Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức và Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy với chủ đề “Thực trạng, giải pháp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tại phường, xã, thị trấn”.

Mỗi cán bộ, công chức giải quyết hơn 3.200 hồ sơ/năm

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, thực tiễn quản lý nhà nước tại cơ sở còn những bất cập, khó khăn phát sinh do số lượng cán bộ, công chức theo quy định chưa đủ để đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ.

Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Sở Nội vụ TPHCM, thực hiện các quy định của Chính phủ, số lượng cán bộ, công chức tại 6 phường, xã có trên 100.000 người cũng được giao bằng với số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn có dân số từ 30.000 người trở lên. Như vậy, số lượng cán bộ, công chức chưa phù hợp với quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm từng phường, xã, thị trấn tại TPHCM.

Thực tiễn, dân số tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng công việc phát sinh, gia tăng áp lực công việc, nhất là ở các địa phương có địa bàn rộng, đô thị hóa nhanh, phức tạp trong quản lý xây dựng, quản lý đất đai. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ sở kéo dài thời gian làm việc, đồng thời thiếu nguồn lực triển khai, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ người dân.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải dự và chủ trì. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải dự và chủ trì. Ảnh: VIỆT DŨNG

Qua khảo sát, một cán bộ, công chức tại phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) tham mưu 628 văn bản/năm (52 văn bản/tháng); bình quân 1 cán bộ, công chức giải quyết hơn 3.200 hồ sơ/năm.

Đối với các quận trung tâm, cán bộ, công chức ở các phường Phạm Ngũ Lão, Bến Nghé, Bến Thành (quận 1), làm việc đến 2-3 giờ sáng trong những ngày lễ lớn, ngày nghỉ cuối tuần để thực hiện các công tác quản lý nhà nước, an sinh xã hội, an ninh trật tự.

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm đề xuất giải pháp về xây dựng chính quyền số, trong đó phát triển các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ công việc; liên thông điện tử, kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính....

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng với đó là các kiến nghị về giải pháp cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn và huy động sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở. Qua đó tạo tính thông suốt, liên thông trong tổ chức bộ máy, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh...

Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở

Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Trần Xuân Điền cho biết, TPHCM xác định cán bộ, công chức ở phường, xã, thị trấn là nguồn nhân lực quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả tham mưu công tác quản lý nhà nước và phục vụ người dân tại địa phương.

Thời gian qua, hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của TPHCM có đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng mạnh về cơ sở với quan điểm, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Qua đó, nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa gắn trực tiếp vào nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp đoàn viên, hội viên và nhân dân tại cơ sở.

Cùng với đó, nhiều mô hình, công trình “dân vận khéo” được nhân rộng, lan tỏa tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động thi đua, chăm lo cho các đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội... gắn với chuyển đổi số.

Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Trần Xuân Điền. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Trần Xuân Điền. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cán bộ, công chức cấp phường, xã, thị trấn là những người gần dân nhất, trực tiếp tổ chức đưa đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.

Đội ngũ này có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao sẽ góp phần đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tham mưu quản lý nhà nước tại địa phương kịp thời, nhanh chóng, chính xác. Đây là nền tảng để xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Từ thực tiễn, TPHCM đã xây dựng và ban hành đề án củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ấp, khu phố tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhằm nâng cao vị trí, vai trò và chất lượng hoạt động của chi bộ, ban nhân dân, ban công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể.

Đồng thời, thực hiện tốt vai trò tự quản ở khu dân cư, củng cố tình làng, nghĩa xóm, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Cùng với đó, xây dựng ban hành kế hoạch tổ chức lại chi bộ khu phố, thành lập chi bộ ở khu vực, có xét đến đề án tổ chức, sắp xếp lại khu phố, tổ dân phố trên địa bàn.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Võ Văn Tân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Võ Văn Tân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi về củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Võ Văn Tân cho biết, để củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở trong điều kiện hiện nay, cần quan tâm phát triển đảng viên đối với quần chúng ưu tú trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, giáo viên, công nhân, người lao động trong các đơn vị kinh tế tư nhân và cán bộ công tác tại khu phố, tổ dân phố, công dân sẵn sàng nhập ngũ. Cùng với đó, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảng viên, rà soát, sàng lọc đảng viên, kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Ngoài ra, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy vai trò nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo, biết nói, biết làm, biết hy sinh, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM cũng đề nghị, Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM nghiên cứu, đề xuất Trung ương xem xét phân cấp nhiều hơn cho chính quyền TPHCM quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về ngân sách, bộ máy, nhân sự, quản lý trật tự đô thị, cho phép thành phố tiếp tục được thí điểm đối với những vấn đề phát sinh mà thực tiễn tại thành phố đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hoặc những quy định hiện hành không còn phù hợp...

Hiện tại, TPHCM có 117/312 phường, xã, thị trấn có dân số từ 30.000 người trở lên. Đây là con số cao hơn gấp 2 lần so với quy mô dân số theo theo chuẩn.

Đặc biệt, TPHCM có 6 phường, xã có dân số trên 100.000 người, đó là: phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (hơn 101.000 người); phường Hiệp Thành, quận 12 (hơn 103.000 người); phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (hơn 124.000 người); xã Vĩnh Lộc B (hơn 122.000 người), xã Vĩnh Lộc A (hơn 164.000 người) và xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (hơn 106.000 người).

Các tin khác