TPHCM: Chủ động phân bố biên chế theo đặc thù địa phương

(ĐTTCO) - TPHCM có nhiều phường, xã, thị trấn dân số đông nhưng số lượng biên chế, người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã vẫn theo 'chuẩn chung', gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng phục vụ người dân.

Theo dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, HĐND TPHCM sẽ căn cứ vào quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, được kỳ vọng sẽ gỡ được bất cập trên.

Mỗi ngày cán bộ, công chức phường làm việc 13-14 giờ

Phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân là một trong những phường đông dân nhất TPHCM khi có gần 124.000 dân, nhưng chỉ có 36 biên chế (22 cán bộ, công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách). Tính ra, trung bình mỗi người phải phục vụ cho khoảng 3.500 người dân.

Tất bật tiếp nhận hồ sơ, đối chiếu thông tin, trình ký, đóng dấu, thu tiền sao y chứng thực hồ sơ cho người dân, chị Phạm Thị Ngọc Dung, công chức phường Bình Hưng Hòa A, cho biết: “Mỗi ngày cán bộ, công chức phường làm việc 13-14 giờ là bình thường. Lúc người dân đến nộp hồ sơ thì lo tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả. Khi nghỉ trưa hay vắng người dân thì tranh thủ sắp xếp, phân loại hồ sơ”.

Trước đây, bộ phận sao y chứng thực phường Bình Hưng Hòa A có 3 người phụ trách nhưng hiện chỉ có mình chị Dung thực hiện tất cả các công đoạn. Mỗi ngày chị tiếp nhận và giải quyết khoảng 150 hồ sơ. “Có lúc đông người đến làm thủ tục quá tôi phải nhờ anh giao liên hỗ trợ”, chị Ngọc Dung cho biết.

Địa phương có dân số đông nhất TPHCM là xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) với 164.000 người nhưng cũng chỉ có 36 biên chế. Cán bộ phải làm việc đến 20 giờ, thậm chí có ngày làm đến 22 giờ. Nhiều cán bộ phải tăng ca cả thứ bảy, chủ nhật để giải quyết việc của dân.

Mỗi ngày, chị Phạm Thị Ngọc Dung, công chức phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân giải quyết hơn 150 hồ sơ của người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH

Mỗi ngày, chị Phạm Thị Ngọc Dung, công chức phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân giải quyết hơn 150 hồ sơ của người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH

Còn quận 1, đặc thù là địa bàn trung tâm của thành phố, dân số không đông nhưng tập trung nhiều cơ quan trung ương và tổng lãnh sự quán các nước, trung tâm thương mại lớn, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế lớn trong và ngoài nước, các khu vui chơi giải trí…

Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, dân số các phường ở quận không quá đông nhưng lượng người đến học tập, làm việc, vui chơi, giải trí hàng ngày rất lớn. Điều này làm tăng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, công tác đảm bảo an ninh trật tự, dẫn đến khối lượng công việc phát sinh nhiều.

Trong khi với số lượng cán bộ “chuẩn” hiện nay không đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là tại các phường trung tâm như Bến Nghé, Bến Thành, Nguyễn Thái Bình, Phạm Ngũ Lão.

Theo ông Lê Đức Thanh, nhất thiết phải có cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho phường trong việc sắp xếp nhân sự nhằm góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp và đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn trung tâm.

Làm cả ngày nghỉ vẫn không hết việc

Trước bất cập của thành phố, tại dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách, đặc thù phát triển TPHCM cho phép HĐND TPHCM căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức; quyết định số lượng chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn.

Trước nội dung này, lãnh đạo và cán bộ, công chức các phường tại thành phố bày tỏ rất trông chờ đề xuất được chấp thuận. Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, phường có hơn 101.000 dân, có biên chế 37 người nhưng hiện chỉ có 34 cán bộ, công chức, có thời điểm mỗi cán bộ phải giải quyết hơn 800 hồ sơ/tháng. Để giải quyết công việc của dân, cán bộ, công chức của phường phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, thậm chí đem việc về nhà, song nhiều lúc vẫn không giải quyết hết việc.

“Có ứng dụng công nghệ thông tin thì cũng chỉ hỗ trợ được cán bộ tiếp nhận đầu vào và bớt phiền hà cho dân. Việc giải quyết cụ thể từng hồ sơ vẫn phải do con người thực hiện”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết và mong muốn tăng thêm biên chế để giảm bớt việc cho cán bộ phường.

Công chức phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TPHCM) tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH

Công chức phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TPHCM) tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH

Ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, cũng bày tỏ, cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách phường đã quá tải. Điều này dẫn đến nhiều bất cập khác như công tác quản lý, điều hành bị hạn chế, công tác quản lý địa bàn gặp nhiều áp lực, nhất là ở các lĩnh vực đất đai, xây dựng, vệ sinh môi trường, văn hóa - xã hội... Riêng công chức được phân công tiếp nhận và xử lý thông tin từ cổng thông tin 1022 càng khó khăn, do có những nội dung phản ánh phải xử lý theo quy định là trong 2 giờ (bất kể ngày, đêm).

Khối lượng công việc tăng theo thời gian nhưng số lượng người thực hiện nhiệm vụ lại giảm. Trước đây, một lĩnh vực có 3 người thực hiện và nay 1 người phải làm nhiều công việc, nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách phường đảm nhận khoảng 30 đầu việc. Đặc biệt có những chức danh phụ trách kinh tế làm 45 đầu việc; thủ quỹ, văn thư - lưu trữ làm 35 đầu việc”, ông Dũng liệt kê. Bên cạnh đó, trước khi giảm số người hoạt động không chuyên trách, khối lượng công việc của mỗi cán bộ, công chức đều tăng. Chẳng hạn, mỗi cán bộ kinh tế phường trước kia quản lý từ 5 đến 7 khu phố với hơn 1.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Nhưng nay chỉ còn có 1 người phải quản lý 27 khu phố với hơn 5.598 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể.

“Việc quy định số lượng biên chế cấp phường, xã theo quy mô dân số là hết sức phù hợp, giúp giảm áp lực công việc cho cán bộ, công chức, viên chức cũng như nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân”, ông Trần Hoàng Dũng nhận xét.

* PGS-TS VŨ TUẤN HƯNG, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ: Tháo gỡ được bất cập

Số lượng biên chế trong bộ máy hành chính hiện có nhiều bất cập. Việc chia đều số lượng cán bộ, công chức và đầu mối làm việc ở các đơn vị là chưa chú trọng đến đặc điểm địa bàn quản lý, quy mô dân số, mật độ dân cư cũng như độ sôi động của hoạt động kinh tế của địa phương. Ngoài ra, quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số ở mỗi nơi khác nhau nhưng chính sách tinh giản biên chế vẫn theo chủ trương chung là không phù hợp, gây quá tải đối với cán bộ, công chức.

Chỉ riêng 5 huyện ngoại thành ở thành phố đã có sự khác biệt rất lớn đối với đối tượng quản lý. Đơn cử, huyện Bình Chánh có 16 đơn vị hành chính, có 3 xã có trên 100.000 dân, trong khi huyện Cần Giờ chỉ có 7 đơn vị hành chính và 7 xã của huyện chỉ dưới 30.000 dân nhưng cơ bản tổ chức bộ máy và số lượng biên chế vẫn giống nhau. Tương tự, TP Thủ Đức được thành lập từ việc sáp nhập 3 quận, nhưng cơ chế, chính sách, cơ cấu tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức vẫn như cấp quận, dẫn đến điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính.

Vì thế, nội dung của dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 là hợp lý và cần thiết để tháo gỡ bất cập hiện nay.

* TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM): Tự chủ để cơ cấu lại đội ngũ, bộ máy hợp lý

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cho HĐND TPHCM quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa vào hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn.

Hiện nay quy mô dân số, tình hình dân cư ở các quận huyện, phường xã tại TPHCM là khác nhau và thành phố cũng khác với các địa phương khác. Việc áp dụng một quy định giống nhau cho những địa bàn có đặc điểm khác nhau là không hợp lý. Chẳng hạn, một số xã phường ở quận Bình Tân, huyện Bình Chánh có mức quy mô dân số cao nhưng cũng với số dân đó, một phường ở quận Bình Thạnh với đặc điểm người dân sống nhiều ở các khu chung cư thì công tác quản lý địa bàn sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, những địa bàn dân tiếp cận dễ dàng dịch vụ công trực tuyến hơn thì cũng có thể bố trí ít nhân sự hơn.

Do đó, việc cho các địa phương tự chủ để cơ cấu lại đội ngũ, bộ máy là hợp lý để giải quyết được bất bình đẳng về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giữa các phường xã, quận huyện.

Các tin khác