Chủ đầu tư cùng Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã thống nhất kiến nghị tiếp tục triển khai dự án sau khi điều chỉnh, bổ sung ngay trong năm 2022 để tranh thủ nguồn vốn IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) của Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thuỵ Sỹ.
Theo phương án mới nhất, chủ đầu tư chưa thực hiện ngay loại hình tuyến buýt nhanh BRT như trong dự án trước đây mà sẽ thay thế bằng loại hình “tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên” được phát triển thành mạng lưới và sử dụng nguồn vốn tiết giảm được qua quá trình rà soát, phân kỳ đầu tư; không để xảy ra các bất cập như dự án BRT Hà Nội và Đà Nẵng vừa qua; hạn chế thấp nhất những tác động xấu đến mối quan hệ hợp tác hiện tại và tương lai giữa TP.HCM với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Thụy Sỹ.
Việc triển khai dự án phải tiến hành song song đồng bộ với giải pháp do Sở Giao thông vận tải chủ trì trong giai đoạn 2022 – 2025, đồng bộ và tích hợp trong hệ thống hạ tầng giao thông công cộng và tăng cường giải pháp khắc phục các tác động do chậm trễ của tuyến Metro số 1, đô thị hoá Thủ Thiêm, Bến xe miền Đông mới và Bến xe miền Tây mới, dự án Vành đai 2…
Tuyến buýt xanh chất lượng cao này dài 26km, từ An Lạc đến ga Rạch Chiếc và kết nối vào trạm trung chuyển Bến Thành và Bến xe Chợ Lớn. Trên hành lang sẽ ưu tiên về hạ tầng và tổ chức giao thông để đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, an toàn và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Theo Ban Giao thông, trong trường hợp các nhà tài trợ đồng ý, dự án sẽ bắt đầu thi công các gói thầu xây lắp từ tháng 9/2022 và đưa vào khai thác vào tháng 6/2024.