Điểm đón xe buýt bên cạnh tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Còn thiếu cầu vượt bộ hành, bãi đậu xe
Tuyến metro số 1 sẽ chạy từ khu vực Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) kéo dài đến chợ Bến Thành (quận 1). Hiện khoảng 1/2 lộ trình của tuyến metro (tập trung ở khu vực từ trung tâm TPHCM tới cầu Sài Gòn) đã có bến đậu xe, trạm đón xe buýt kết nối. Lộ trình còn lại chủ yếu chạy dọc xa lộ Hà Nội, bắt đầu từ cầu Sài Gòn đến gần Bến xe Miền Đông mới, chưa được đầu tư các công trình cần thiết như nhà vệ sinh công cộng, bến bãi đậu xe; riêng nhà chờ xe buýt thì… chỗ có chỗ không.
Đáng nói, lộ trình phía đối diện tuyến metro dọc xa lộ Hà Nội có nhiều khu dân cư đông đúc nhưng chưa triển khai xây dựng cầu vượt đi bộ băng qua đường. Trong khi xa lộ Hà Nội là tuyến đường huyết mạch, cửa ngõ phía Đông của thành phố nên luôn đông đúc xe cộ.
Trong khi đó, một số trạm dừng, nhà chờ xe buýt trên tuyến metro chưa được điều chỉnh lại vị trí cho phù hợp với việc kết nối giữa 2 loại hình vận tải này. Cụ thể, gần ga Phước Long (TP Thủ Đức) có nhà chờ xe buýt nhưng khu vực này lại ít khu dân cư, không gian nhà chờ khá chật hẹp.
Chị Nguyễn Thị Ý Nhi (ngụ TP Thủ Đức) cho biết, vừa qua khi metro số 1 chạy thử, chị đã trải nghiệm và cảm thấy khá thoải mái. Tuy nhiên, vẫn có bất tiện là khi xuống ga metro, hành khách phải chen chúc tại nhà chờ xe buýt, mất khá nhiều thời gian… Sau khi khảo sát và trải nghiệm, nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, ngành chức năng cần tính toán kỹ khi đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa metro và xe buýt để vừa đồng bộ, thuận lợi cho hành khách, nhưng không gây quá tải, không lãng phí vì sử dụng không hết công suất.
Triển khai kết nối đồng bộ
Theo Sở GTVT TPHCM, thành phố đã có quỹ đất quy hoạch cho những vị trí làm nhà chờ, trạm dừng, bãi giữ xe xung quanh các nhà ga metro… Khi tuyến metro số 1 đưa vào hoạt động, hệ thống hạ tầng phục vụ giao thông công cộng sẽ được hoàn thiện để khai thác hiệu quả tuyến metro này cũng như mạng lưới xe buýt kết nối.
Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TPHCM) khẳng định, hiện trung tâm đã có dự án tổ chức mạng lưới tuyến xe buýt kết nối các nhà ga của tuyến metro số 1 phù hợp với định hướng phát triển hệ thống xe buýt và giúp khai thác hiệu quả tuyến metro này. Trong quý IV, trung tâm sẽ triển khai thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga của tuyến metro số 1.
Thông tin dự kiến vận hành metro số 1 |
Bên cạnh đó, Sở GTVT TPHCM sẽ bổ sung các công trình hạ tầng phục vụ vận tải xe buýt và tăng cường khả năng xe buýt tiếp cận các nhà ga trên cao và dọc hai bên các tuyến đường có tuyến đường sắt đô thị chạy qua. Cụ thể, xây dựng mới các hạng mục công trình gồm 67 nhà chờ xe buýt, 196 trụ dừng xe buýt, đường bộ hành, vỉa hè… tại 11 vị trí lân cận các nhà ga metro như Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Bến xe Suối Tiên.
Để đáp ứng nhu cầu đi metro của hành khách sử dụng xe gắn máy, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ xây dựng mới các bãi giữ phương tiện cá nhân với tổng diện tích khoảng 5.472m2; các nhà vệ sinh với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 150m2 tại 5 vị trí lân cận các nhà ga Công viên Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái.
Cùng với đó, xây dựng mới các sân, bãi dừng, đậu cho các xe buýt, taxi… với tổng diện tích xây dựng khoảng 3.260m2 tại 2 vị trí lân cận các nhà ga Công viên Văn Thánh, Bình Thái. Ngoài ra, nhiều hạng mục phụ trợ khác cũng đang được triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành cùng với tiến độ đưa vào vận hành khai thác tuyến metro số 1.